Tại sao người lao động Thụy Sĩ lại có tay nghề cao nhất trên thế giới?
Báo cáo mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới về năng lực cạnh tranh toàn cầu nhận xét: “Thụy Sĩ nổi bật trong các lĩnh vực liên quan đến vốn nhân lực.”
Với diện tích chỉ bằng 1/10 bang California, Thụy Sĩ luôn đứng trong top các quốc gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu tốt nhất. Trong báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới, quốc gia châu Âu này đứng ở vị trí thứ 5, nhưng đứng đầu bảng xếp hạng về các kỹ năng.
Thụy Sĩ được xếp hạng tốt nhất trên thế giới về đào tạo nghề, đào tạo tại chỗ và tỷ lệ kiếm được việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Vậy Thụy Sĩ đã làm gì để đào tạo được lực lượng lao động có tay nghề cao nhất thế giới?
Theo một báo cáo năm 2015 của Trung tâm điểm chuẩn giáo dục quốc tế (CIEB), có tới 70% học sinh cấp 2 tham gia vào hệ thống đào tạo giáo dục nghề nghiệp (VET) tiêu chuẩn vàng của Thụy Sĩ. Từ 16 tuổi, hầu hết thanh niên Thụy Sĩ ngừng đi học toàn thời gian.
Thay vào đó, họ luân phiên giữa trường học, các khóa học liên công ty và kinh nghiệm thực hành trong môi trường làm việc kéo dài từ 3 đến 4 năm. Những thanh niên này được nhận lương và có những bước đi quan trọng đầu tiên vào thế giới việc làm.
Hỗ trợ mạnh mẽ từ các nhà tuyển dụng
Theo báo cáo của CIEB, hệ thống VET với sự tham gia của 30% công ty Thụy Sĩ, cung cấp cho học viên những sự lựa chọn đa dạng về ngành nghề và lĩnh vực. Báo cáo này cho biết: “Hệ thống này được hưởng sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các nhà tuyển dụng Thụy Sĩ, những người tin rằng nó chính là nguyên nhân chính duy trì sức sống và sức mạnh cho nền kinh tế Thụy Sĩ.”
Quốc gia châu Âu được hưởng lợi từ nguồn tài năng trẻ, chuyên nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên chỉ ở mức một chữ số và lực lượng lành nghề cần thiết để sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ chất lượng cao.
Do tập trung vào đào tạo nghề, Thụy Sĩ ít chú trọng đến bằng cấp. Theo thống kế của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), chưa đến 1/3 thanh niên dưới 25 tuổi học đại học vào năm 2012 ở Thụy Sĩ, so với hơn ½ dân số dưới 25 tuổi ở Australia và Na Uy.
Trên thực tế, nhiều người học việc, những người đã lựa chọn đi theo con đường đào tạo nghề, lại có công việc tốt hơn so với các sinh viên tốt nghiệp đại học. Một ví dụ tiêu biểu là Sergio Ermotti, giám đốc điều hành của ngân hàng Thụy Sĩ UBS, người bắt đầu học việc tại một ngân hàng địa phương.
Trong Báo cáo cạnh tranh toàn cầu, Thụy Sĩ cũng được đánh giá là quốc gia đào tạo nhân viên tốt nhất, do nhiều công ty nhận ra lợi ích của phát triển chuyên môn.
Phần Lan, đứng đầu về hạng mục kỹ năng trong Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu vào năm ngoái, đã tụt xuống vị trí thứ 2 trong năm nay, nhưng vẫn là quốc gia tốt nhất về dạy tư duy phê phán và kỹ năng số.