“Tại sao du khách đến Việt Nam ít hơn Thái Lan, Singapore?”

13/04/2019 21:22 PM | Xã hội

Thủ tướng cho rằng, những người làm trong ngành du lịch, những công ty lữ hành, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và nhất là cơ quan quản lý Nhà nước cần trả lời câu hỏi này...

"Chỉ số năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch năm 2017 do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, Việt Nam đứng thứ 67 trên toàn cầu. Tại sao Việt Nam không đứng được ở thứ hạng cao hơn khi có nhiều di sản văn hóa, nhiều thắng cảnh tuyệt vời, con người thân thiện…Tại sao nước ta chỉ đón 15-16 triệu khách quốc tế mà không phải 45-50 triệu khách?"

Câu hỏi trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra khi ông tham dự Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức, ngày 12/4.

Không thiếu nhân lực du lịch

Tại diễn đàn, người đứng đầu Chính phủ nêu lên 3 câu hỏi, một số gợi ý chiến lược đối với vấn đề nhân lực ngành du lịch Việt Nam.

Câu hỏi thứ nhất Thủ tướng đặt ra là liệu chúng ta có đủ nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu ngành du lịch hay không? Cùng với đó, ngành du lịch liệu có đủ hấp dẫn để cạnh tranh, thu hút nhân tài, lực lượng lao động có kỹ năng trong nước và quốc tế hay không?

Các chính sách đào tạo, đãi ngộ, phát triển nghề nghiệp và thu hút nhân tài, lao động có kỹ năng sẽ quyết định khả năng thu hút nguồn nhân lực của chúng ta. Thủ tướng tin rằng những công ty, mô hình kinh doanh hoạt động tốt nhất trong ngành du lịch Việt Nam cũng chính là những đơn vị trả lời tốt nhất câu hỏi này.

Theo Thủ tướng, đây không chỉ là câu hỏi dành cho các doanh nghiệp du lịch mà còn đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước. Đây là ngành có tính cạnh tranh toàn cầu và chúng ta khó có thể áp dụng một chính sách bảo hộ nào vượt trội so với các nước. Các chính sách nguồn nhân lực không thể được xây dựng một cách rời rạc mà phải được đặt trong tổng thể các chính sách.

Câu hỏi thứ 2, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, được kỳ vọng chiếm trên 10% GDP, tạo sức lan tỏa sâu rộng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, vậy chúng ta đã làm gì để tương xứng với hai chữ 'mũi nhọn', làm gì để tối ưu hóa được nguồn lực sẵn có?

Thủ tướng cho rằng nguồn nhân lực du lịch không chỉ ở các công ty du lịch. Đó còn là người dân và các cộng đồng, nơi diễn ra các hoạt động du lịch. Chính những cộng đồng, người dân này sẽ quyết định hệ trọng đến sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam .

Thủ tướng cho rằng, một năm nhu cầu nhân lực du lịch Việt Nam lên đến 40.000 người, cả nước có 346 cơ sở đào tạo nhân lực du lịch nhưng cần quan tâm hơn tới chất lượng đào tạo.

Câu hỏi thứ 3, Thủ tướng muốn dành trước hết cho các bộ, ngành. "Các đồng chí đã làm gì, xây dựng chiến lược thế nào để nguồn nhân lực thật sự là một đột phá chiến lược đối với chính ngành du lịch Việt Nam ?", Thủ tướng nói.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, trong khi chúng ta có rất nhiều lợi thế về du lịch nhưng tại sao số lượng du khách đến Việt Nam ít hơn Thái Lan, Singapore và Hồng Kông?

"Những người làm trong ngành du lịch, những công ty lữ hành, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và nhất là cơ quan quản lý Nhà nước cần trả lời câu hỏi này", Thủ tướng đề nghị.

Trước thông tin cho rằng, nhân lực ngành du lịch vừa thiếu, vừa yếu, Thủ tướng tin rằng với khoảng 100 triệu người Việt Nam trong nước và nước ngoài, nguồn nhân lực của nước ta là hoàn toàn không thiếu cả lượng lẫn chất. Điều cốt yếu là chúng ta phát huy được tốt nhất những tiềm năng trong mỗi người Việt Nam với những chế độ đãi ngộ tốt.

3 chữ "C" cho ngành du lịch

Với việc thực hiện chương trình đột phá, để đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, Thủ tướng chỉ ra 3 chữ "C".

Thứ nhất là "Con người". Cần nâng cao ý thức, sự hiếu khách, sẵn sàng giúp đỡ khách du lịch của người dân, đặc biệt là dân bản địa. Thứ hai là "Cơ sở hạ tầng", gồm hạ tầng du lịch, hạ tầng kết nối giao thông, hạ tầng mềm, đặc biệt là văn hóa và hạ tầng thông minh như Chính phủ điện tử, thành phố thông minh.

Chứ "C" thứ 3 là "Chiến lược". Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đưa tầm nhìn chiến lược dài hạn, phương hướng hành động mỗi năm của ngành du lịch cùng với các ngành để thực thi tốt, cân bằng được giữa kinh tế, văn hóa, môi trường, trong đó có chiến lược về đào tạo lao động, bảo đảm số lượng đi liền với chất lượng.

Thủ tướng nêu rõ du lịch không chỉ là một lĩnh vực kinh tế giàu tiềm năng mà còn là niềm tự hào, là sức mạnh mềm và ảnh hưởng văn hóa của Việt Nam trên toàn cầu. Do vậy, phát triển du lịch không chỉ là một nhiệm vụ kinh tế đơn thuần. Trong mọi hoạch định chiến lược, nguồn nhân lực luôn đóng vai trò then chốt, đặc biệt là trong ngành du lịch.

Theo Nguyên Hà

Cùng chuyên mục
XEM