Tại sao có diện tích nhỏ, ít dân và chi phí nhân công rất cao nhưng Đan Mạch lại là 1 cường quốc nông nghiệp?

11/10/2017 10:42 AM | Kinh tế vĩ mô

Đất nước "tí hon" Đan Mạch đã trở thành cường quốc nông nghiệp của thế giới.

Mỗi ngày làm việc, có khoảng 20.000 con lợn được chuyển đến lò mổ ở Horsens của công ty thực phẩm Danish Crown (Đan Mạch). Chúng bị những người công nhân được trang bị những chiếc máy khổng lồ lùa vào phòng gây choáng, sau đó bị treo lên, trụng nước sôi, cạo lông và bị xẻ làm đôi. Một chiếc máy cắt thịt lợn thành nhiều miếng, sau đó thịt được làm nguội, lọc xương và đóng gói.

Lò mổ khổng lồ này có diện tích lớn bằng 10 sân bóng, trang bị băng truyền dài tới 11km. Những công nhân làm việc ở đây mặc quần áo màu xanh thay vì màu trắng. Máy cắt thị chụp lại con lợn trước khi điều chỉnh lưỡi dao cho chính xác nhất. Với sự hỗ trợ của máy móc, các phần thịt lợn được chia rất chính xác.

Đan Mạch là 1 quốc gia nhỏ bé với dân số 5,6 triệu người và chi phí nhân công đắt đỏ. Tuy nhiên, đây lại là cường quốc nông nghiệp có sản lượng 30 triệu con lợn và là quê nhà của nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới. Năm 2011, nông sản đóng góp 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đan Mạch. Kim ngạch xuất khẩu thực phẩm tăng từ mức 4 tỷ euro (tương đương 5,5 tỷ USD) trong năm 2001 lên 16,1 tỷ euro trong năm 2011. Chính phủ Đan Mạch dự đoán đến năm 2020 con số sẽ tăng thêm khoảng 6,7 tỷ euro.

Tại sao ở Đan Mạch, một nền kinh tế hậu công nghiệp (tức đã đi qua thời kỳ lấy công nghiệp sản xuất làm chủ đạo mà thay vào đó tập trung phát triển các ngành dịch vụ, công nghệ thông tin và nghiên cứu), vẫn có ngành thực phẩm hùng mạnh? Phần lớn câu trả lời nằm ở khu vực miền Trung của nước này. Trong khi các nhà hoạch định chính sách ở khắp nơi hào hứng tạo ra thung lũng Silicon của riêng mình, Đan Mạch là 1 ví dụ cho thấy hoàn toàn có thể áp dụng mô hình cụm cho cả những ngành công nghiệp truyền thống.

Cũng giống như ở thung lũng Silicon, tinh thần cải tiến sáng tạo tràn ngập ở nơi đây. Điểm khác biệt là thay vì nhìn thấy tương lai ở Internet, những doanh nhân ở đây nhìn vào thịt và sữa.

Cụm các nhà máy thực phẩm ở miền Trung Đan Mạch có vài công ty lớn và cũng đóng vai trò là những nhà đầu tư hàng đầu: Danish Crown, Arla, Rose Poultry và DuPont Danisco. Nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn cũng đang mọc lên.

Mặc dù công nghiệp thực phẩm là 1 ngành thâm dụng vốn và bị kiểm soát khá chặt chẽ và hiếm khi được coi là mảnh đất màu mỡ được các doanh nhân để mắt đến, ở Đan Mạch câu chuyện hoàn toàn khác. Một vài công ty non trẻ đã tạo ra những công cụ công nghệ thông tin hỗ trợ cho nhiều mảng khác nhau: LetFarm cho công việc trên các cánh đồng, Bovisoft cho xây dựng chuồng trại, AgroSoft cho ngành nuôi lợn, Webstech cho trồng lúa. ISI Food Protection tập trung đối phó với những vi sinh vật có thể làm hỏng thực phẩm hoặc lây lan chất độc. InOMEGA3 chuyên về các nguyên liệu chứa chất béo chuyển hóa Omega-3. Soy4you phát triển những sản phẩm thay thế thịt.

Cụm công nghiệp này cũng là nơi tập trung của nhiều tổ chức thúc đẩy năng suất như Trung tâm nghiên cứu gia súc Đan Mạch và Viện kiến thức Nông nghiệp. Các trường đại học của Đan Mạch vẫn giữ vị thế đi đầu trong ngành nông nghiệp: tại ĐH Kỹ thuật Đan Mạch (DTU) có 1.500 người làm các công việc liên quan đến thực phẩm. Các chương trình hợp tác đầu tư công tư (PPP) – khởi nguồn từ việc các nông dân lập ra những hợp tác xã để cải thiện năng suất từ cuối thế kỷ 19 – tiếp tục ở rộ.

Viện nghiên cứu gia súc Đan Mạch chỉ ra rằng có hàng chục cách để tăng năng suất của những con bò. Robot có thể làm mọi thứ để kéo dài thời gian khai thác trên những con bò sữa, phân tích mẫu sữa để phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe. Các con chip giúp theo dõi các chú bò 24/7.

Tuy nhiên, cho dù ngành thực phẩm tiếp tục hùng mạnh và những khoản đầu tư vào công nghệ đem lại quả ngọt, những người nông dân Đan Mạch vẫn sẽ phải vượt qua những thử thách cả ở trong nước và từ bên ngoài. Đã có một số tiếng nói chỉ trích phân bón, hóa chất gây ra tình trạng ô nhiễm. Các nước EU – thị trường tiêu thụ hơn 60% số thực phẩm mà Đan Mạch xuất khẩu đi – có xu hướng chuyển sang nhập khẩu từ các nước mới nổi. Bên cạnh đó là áp lực ngày càng gia tăng về các tài nguyên thiên nhiên như nước và thức ăn, đe dọa sự bền vững của ngành.

Dẫu vậy, thực phẩm vẫn là ngành có nhiều dư địa tăng trưởng: nhu cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 60% từ nay đến năm 2030, và khi đó cụm công nghiệp thực phẩm của Đan Mạch sẽ được hưởng lợi hơn cả. Các công ty Đan Mạch có rất nhiều kinh nghiệm về an toàn thực phẩm (Trung Quốc lấy Đan Mạch làm hình mẫu). Và công việc kinh doanh của họ bao trùm mọi phân khúc từ cao cấp đến bình dân. Noma, 1 nhà hàng cao cấp ở Copenhagen nổi tiếng về các món Bắc Âu trong đó có món đuôi lợn, được cung cấp nguyên liệu bởi Danish Crown.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM