Tại sao các nước đang chạy đua tăng giá đồng nội tệ?

23/06/2022 16:04 PM | Xã hội

Kể từ hiệp định tại khách sạn Plaza Hotel-New York năm 1985 đến nay, các nền kinh tế lớn ở Phương Tây hiếm khi nâng giá mạnh đồng nội tệ. Thế nhưng lạm phát đang làm đảo lộn tất cả.

Theo hãng tin Bloomberg, lạm phát cao nhất 40 năm đang khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) phải nâng lãi suất ở mức chưa từng có trong lịch sử, qua đó đẩy giá đồng USD tăng mạnh. Trớ trêu thay, động thái này đã kích thích nhiều quốc gia chạy đua nâng giá đồng nội tệ để chống lạm phát cũng như giữ ổn định hệ thống tài chính, một dấu hiệu của chiến tranh tiền tệ đảo ngược (Reverse Currency War).

Cuộc chiến không tiếng súng

Thông thường, chiến tranh tiền tệ (Currency War) xảy ra khi các nền kinh tế đua nhau hạ giá đồng tiền để hưởng lợi xuất khẩu nhờ giá sản phẩm bán ở nước ngoài thu nhiều lợi hơn. Tuy nhiên trong bối cảnh chiến tranh tiền tệ đảo ngược, lạm phát tăng cao khiến các nền kinh tế sẽ đua nhau gia tăng sức mạnh đồng tiền để giữ giá cả hàng hóa trong nước ở mức chấp nhận được với người dân, bất kể điều này có ảnh hưởng xuất khẩu đi chăng nữa.

Tại sao các nước đang chạy đua tăng giá đồng nội tệ? - Ảnh 1.

Tỷ giá đổi 1 USD

Vào tháng 2/2022, Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) khởi đầu cuộc chiến khi công bố những biểu đồ cho thấy đồng Euro đang bị mất giá so với đồng USD, xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Hàng loạt các đồng tiền như Bảng Anh cũng rơi mạnh. Chỉ 2 tháng sau đó, Ngân hàng trung ương Canada (BoC) cũng nhận định đồng nội tệ của họ đang mất giá, thế rồi Thụy Sĩ cũng theo sát gót với các nhận định tương tự.

Kể từ đầu năm đến nay, đồng USD đã tăng giá 7% do FED nâng lãi suất chống lạm phát. Hệ quả là hàng loạt ngân hàng trung ương liên tiếp tung ra các tín hiệu sẽ nâng lãi suất hoặc can thiệp để bảo vệ sức mua của người tiêu dùng bất chấp chịu thiệt về xuất khẩu, đó là chưa kể đến lạm phát cũng đang hoành hành ở các nước Phương Tây.

Ngày 16/6/2022, Thụy Sĩ, quốc gia vốn nổi tiếng với chính sách giữ giá đồng nội tệ không cho tăng quá cao, đã gây bất ngờ khi nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007, đưa đồng Franc lên mức cao nhất 7 năm. Chỉ vài giờ sau đó, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng tuyên bố nâng lãi suất và báo hiệu sẽ còn tăng mạnh hơn nữa nếu lạm phát cao nhất 40 năm tại đây còn tiếp tục đi lên.

Chuyên gia kinh tế Michael Cahill của Goldman Sachs cho biết mình không thể nhớ được lần cuối cùng các nền kinh tế phát triển đua nhau nâng giá đồng tiền là khi nào. Dù đồng nội tệ rẻ đem lại lợi ích xuất khẩu nhưng với giá nhiên liệu, lương thực cùng hàng loạt chi phí gia tăng hiện nay thì chống lạm phát lại trở thành ưu tiên hàng đầu.

Trò chơi nguy hiểm

Theo Bloomberg, cuộc chiến tranh tiền tệ đảo ngược này là một trò chơi nguy hiểm cho các nền kinh tế. Nếu không được kiểm soát và trao đổi thông tin thì chúng sẽ tạo nên một cuộc đua tăng giá giữa những đồng tiền chủ chốt trên thế giới, ảnh hưởng đến các ngành sản xuất, xuất khẩu vốn dựa vào chuỗi cung ứng quốc tế. Thậm chí động thái này còn gây nguy hiểm đến an ninh tài chính và mở rộng đà lạm phát ra toàn cầu.

Chuyên gia chiến lược Alan Ruskin của Deutsche Bank nhận định mọi nền kinh tế "đều muốn cùng một thứ" và hậu quả là sẽ chẳng có ai là kẻ thắng trong cuộc chơi này. Ví dụ điển hình là năm 1985 khi đồng USD tăng giá mạnh dưới thời Tổng thống Ronald Reagan nhờ nâng lãi suất, qua đó đạt mức đỉnh so với đồng Bảng Anh.

Tại sao các nước đang chạy đua tăng giá đồng nội tệ? - Ảnh 2.

Độ mất giá của các đồng tiền so với USD từ đầu năm đến nay

Tại thời điểm đó, đồng USD giúp chống lạm phát và giữ được sức tiêu dùng của người dân khi giá các mặt hàng ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên hệ lũy cũng đi kèm ngay sau đó khi các nhà máy sản xuất tại Mỹ gặp khó trong việc xuất khẩu ra nước ngoài vì đồng USD quá mạnh.

Cựu CEO Lee Morgan của Caterpillar ước tính hàng trăm doanh nghiệp Mỹ đã thua lỗ hàng tỷ USD do mất hợp đồng vào tay đối thủ vì giá sản phẩm của họ không bằng nước ngoài.

Tình hình nghiêm trọng đến nỗi vào tháng 9/1985, các ngân hàng trung ương Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản và Anh đã phải nhóm họp ở khách sạn Plaza Hotel-New York để đi đến hiệp ước giảm giá đồng USD xuống 40% cho đến tận khi Thỏa ước Louvre Accord tại Paris được ký kết thay thế vào 2 năm sau đó.

Kể từ đó đến nay, chính phủ các nền kinh tế lớn hiếm khi nâng giá đồng nội tệ quá mạnh nhằm tránh lâm vào vết xe đổ, kích thích một cuộc chiến tiền tệ đảo ngược. Thay vào đó, chính phủ các nước chủ yếu chỉ trích lẫn nhau vì cố ý hạ giá đồng nội tệ để có lợi cho xuất khẩu.

Phản đòn

Hãng tin Bloomberg cho biết Mỹ sẽ không hưởng thụ được đà tăng giá của đồng USD quá lâu bởi các nền kinh tế khác cũng sẽ mau chóng hành động, khiến lạm phát tiếp tục tăng cao tạo thành vòng luẩn quẩn và dẫn đến suy thoái.

Động thái nâng lãi suất của Thụy Sĩ và Anh đã khiến đồng USD vào đầu tháng 6/2022 có mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.

Trong khi đó, CEO Marc Benioff của Salesforce Inc thì ước tính sẽ mất 600 triệu USD doanh thu trong năm tài khóa này chỉ vì đồng USD quá cao khiến tình hình kinh doanh ở thị trường quốc tế trở nên khó khăn. Rõ ràng, các doanh nghiệp Mỹ đang phải chịu áp lực cực lớn từ việc đồng USD lên giá mạnh.

Tại sao các nước đang chạy đua tăng giá đồng nội tệ? - Ảnh 3.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế trưởng Nathan Sheets của Citigroup Inc từng báo cáo kết quả nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy với 10% tăng giá của đồng USD thì Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ giảm 0,5 điểm phần trăm. Tất nhiên, hiệu quả của việc tăng giá đồng USD chống lạm phát vẫn còn gây tranh cãi nhưng chắc chắn chúng sẽ đem lại nhiều hệ lụy đi kèm.

Chưa dừng lại ở đó, giáo sư kinh tế Jeffrey Frankel của trường đại học Harvard nhận định các nền kinh tế đang phát triển cũng sẽ phản đòn khi nhiều khoản nợ bằng đồng USD trở nên khó thanh toán, buộc họ phải nâng giá đồng nội tệ. Một số quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu như Argentina hay Thỗ Nhĩ Kỳ là những ví dụ điển hình.

"Điều tồi tệ nhất hiện nay là đồng tiền của bạn mất giá trước đồng USD trong khi bạn lại đang vay nợ quá nhiều", giáo sư Frankel cho biết.

*Nguồn: Bloomberg

Huyền Băng

Cùng chuyên mục
XEM