Tai họa thường tích từ việc nhỏ, đừng để tâm lí ăn may làm mờ mắt, vì cái lợi trước mắt mà quên mất cái hại lâu dài

14/10/2018 09:25 AM | Kinh doanh

Tai họa thường dồn nén từ những việc nhỏ, vấn đề lớn đều do những vấn đề nhỏ phát triển mà thành.

Có một bài dân ca phương Tây kể về việc mất nước mà nguyên nhân chỉ vì một chiếc đinh nhỏ như sau: "Mất đi chiếc đinh nhỏ, làm hỏng một chiếc móng sắt, một chiếc móng sắt hỏng khiến một con chiến mã vô dụng, một con chiến mã vô dụng khiến một kị sĩ bị thương, một kị sĩ bị thương bị thua trong một cuộc đấu, một cuộc đấu thất bại làm cho một đế quốc bại vong".

Chiếc đinh trên móng sắt của con ngựa bị mất vốn dĩ là một thay đổi vô cùng nhỏ trong điều kiện lúc đầu nhưng hiệu ứng lâu dài của nó thì lại ảnh hưởng đến sự tồn vong của một đế quốc. Tuy nghe có vẻ khó tín nhưng thực sự là có thể tạo thành hậu quả xấu như vậy. Qua nghiên cứu, nguyên nhân của nó chính là làm tâm lí ăn may của con người, vì cái lợi trước mắt mà quên mất cái hại lâu dài.

Đương nhiên, tâm lí này là không thể tránh khỏi, chỉ có điều hoặc nặng hoặc nhẹ mà thôi. Thông thường, con người chịu ảnh hưởng bởi tâm lí này khá nhẹ, còn người ham thích đầu cơ thì càng dễ ỷ lại vào tâm lí ăn may, cũng dễ gặp rủi ro hơn. Hãy nghĩ xem, khi nào thì bạn có tâm lí ăn may? Ví dụ biết rõ là không đúng nhưng vẫn cứ làm, ví dụ có những học sinh dự đoán đề thi, ví dụ nhiều người lái xe vượt đèn đỏ khi đi qua đoạn đường vắng, ví dụ những kẻ luôn luôn nói "có lẽ, đại khái, có thể,…".

Tai họa thường tích từ việc nhỏ, đừng để tâm lí ăn may làm mờ mắt, vì cái lợi trước mắt mà quên mất cái hại lâu dài - Ảnh 1.

Nói một cách khách quan, tâm lí ăn may là một bản năng tự bảo vệ mình của con người. Khi con người gặp phải áp lực, nguy hiểm, khó khăn, vẫn thường vô cùng lo lắng bất an, trong lòng dễ bị mất thăng bằng. Nếu để sự mất thăng bằng này phát triển mà không có biện pháp gì, thì những yếu đuối rất dễ xuất hiện vấn đề tâm lí. Thế là xuất phát từ một loại hình bản năng tự bảo vệ mình, một kiểu tình cảm lạc quan được sản sinh để hóa giải những lo âu của bản thân. Cho nên, tâm lí ăn may cũng không phải hoàn toàn không có tác dụng, vấn đề nằm ở chỗ sau khi loại tâm lí này hoàn thành sứ mệnh của nó thì dứt khoát phải vứt bỏ, nhưng rất nhiều người không làm được điều này, khiến chuyện nhỏ hóa chuyện to. Hiển nhiên, kiểu tâm lí ăn may, lạc quan mù quáng này không có căn cứ thực tế, tác dụng của nó chỉ nằm ở chỗ tạm thời ổn định tình cảm của chúng ta. Nếu như bạn thực sự coi nó là sự thật, vậy thì những tai họa cực lớn sẽ chờ bạn phía trước.

Kì thực tâm lí ăn may này có thể nói là tâm lí lừa mình dối người. Khi lái xe quá tốc độ, trốn thuế lậu thuế, mọi người đều có tâm lí ăn may, cho rằng sẽ không xảy ra chuyện gì, sẽ không bị kiểm tra,… Khi mọi người quá tin tưởng rằng mình không bị kiểm tra, không bị phát hiện, không có chuyện gì, thì nguy hiểm có thể đang tiến đến gần.

Trên thực tế, chúng ta luôn có thể tìm được lí do để biện bạch cho bất cứ việc làm nào của mình cho dù biết rõ nó là vô ích. Ví dụ như hút thuốc, mọi người đều biết rằng hút thuốc có hại cho sức khỏe, nhưng lại luôn luôn tìm đủ thứ lí do để làm lòng mình thanh thản. Ví dụ, Lỗ Tấn nhờ hút thuốc mới có thể hóa giải lo âu, viết nên rất nhiều tác phẩm vĩ đại, hay như rất nhiều người hút thuốc mà vẫn trường thọ đấy thôi,… Thế là, dưới tâm lí lừa mình dối người này, những người hút thuốc sẽ đàng hoàng yên tâm tiếp tục hút thuốc.

Tai họa thường tích từ việc nhỏ, đừng để tâm lí ăn may làm mờ mắt, vì cái lợi trước mắt mà quên mất cái hại lâu dài - Ảnh 2.

Đầu triều Tống, Âu Dương Tu từng nói "Tai họa thường tích từ việc nhỏ", có nghĩa là tai họa vẫn thường từ những việc nhỏ tích tụ lại mà thành. Những việc nhỏ không ai để mắt tới lặp lại hằng ngày sẽ làm mọi người dễ lơ là, càng khiến tâm lí ăn may của con người phát triển, cho đến khi tích thành đại họa mới hoàn toàn tỉnh ngộ, điều này không phải là rất đáng sợ sao? Trong lịch sử, tai họa do tâm lí ăn may dẫn đến có thể xem như không nhỏ. Nguyên nhân của vụ hỏa hoạn rừng già cực lớn trên dãy núi Đại Hưng An (Trung Quốc) chấn động thế giới không phải vì lơ là mất cảnh giác đó sao? Có bao nhiêu vụ hỏa hoạn đều do những đầu mẩu thuốc nhỏ bé gây nên như vậy.

Katrina là cơn bão gây thiệt hại lớn cả về kinh tế lẫn con người trong lịch sử nước Mĩ. Hậu quả do cơn bão Katrina gây ra cho nước Mĩ trở thành tiêu điểm chú ý của toàn cầu, và vùng bị ảnh hưởng nặng nhất là thành phố New Orleans.

Quả vậy, năng lực vốn có của con người vẫn chưa đủ để tránh được những cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Bão Katrina là một cơn bão cấp 5, tốc độ gió mỗi giờ là 249km, bão khiến sóng biển dâng cao đến 5.5m, sức tàn phá của nó là cực lớn, những tổn hại mà nó đem lại khiến con người phải kinh ngạc.

Thông qua phân tích về tai nạn, các nhà khoa học và kiến trúc sư Mĩ đã cho rằng: Khi cơn bão đến, phía cơ quan chức năng và dân chúng đã có tâm lí ăn may, đây chính là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến mức thương vong ghê ghớm như vậy.

Hai năm trước khi tai nạn xảy ra, một nhà khoa học của Đại học Louisiana đã cùng với các nhà nghiên cứu khác xây dựng nên mô hình chống bão ở vùng phụ cận New Orleans, đồng thời dự đoán hệ thống đê phòng ngự hiện có không thể chống lại những trận sóng biển do cơn bão cấp 3 gây ra. Từ trước đến nay, sở dĩ thành phố này hoàn toàn an toàn chỉ là do may mắn. Nhưng không có ai nghe ý kiến của nhà khoa học, chính phủ trái lại còn cắt giảm dự đoán đê phòng thủ đang được thiết kế. Khi tai họa thực sự ập đến, khi cơn bão đổ bộ, đa số dân chúng trốn trong nhà của mình mà không kịp thời di tán. Thế nên sau khi hồng thủy phá vỡ đê, mức thiệt hại mới khủng khiếp như vậy.

Trích sách "Bạn có phải cá hồi chum không?" tác giả An Nhã Ninh.

Mộc Dương

Từ khóa:  vận may , tai họa
Cùng chuyên mục
XEM