Sau tin vỡ nợ, chứng khoán Argentina ... tăng vọt

31/07/2014 15:46 PM |

Kết thúc phiên hôm qua, chỉ số Mervel của TTCK Argentina tăng 6,9% và đã tăng tổng cộng 65% kể từ đầu năm đến nay.

Thông thường, một vụ vỡ nợ quốc gia sẽ là tin tiêu cực cho thị trường chứng khoán của bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, điều ngược lại đã xảy ra ở Argentina: TTCK nước này chạm mốc cao nhất 20 năm bất chấp Argentina bị tuyên bố vỡ mợ một phần.

Theo Mark Mobius – Chủ tịch của Franklin Templeton, sự việc thực chất đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. “Tất cả mọi người đều biết điều này đang xảy đến, không có cách nào để Argentina có thể trả nợ”, Mobius nói. 

Sau khi đàm phán không thành công với các chủ nợ, Argentina chính thức vỡ nợ lần thứ 2 trong 13 năm qua. Hãng xếp hạng tín nhiệm Mỹ Standard & Poor's hạ xếp hạng tiền gửi ngoại tệ ngắn hạn và dài hạn của nước này xuống mức “vỡ nợ có chọn lọc”. 


Tuy nhiên, thông tin này không làm nản lòng các nhà đầu tư. Kết thúc phiên hôm qua, chỉ số Mervel của TTCK Argentina tăng 6,9% và đã tăng tổng cộng 65% kể từ đầu năm đến nay. TTCK Argentina đang tiến tới mốc cao nhất trong ít nhất là 20 năm trở lại đây. 

Trái phiếu Argentina cũng tăng ít nhất 10%, khiến lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm từ mức gần 10% của tuần trước xuống còn 8,79%. 

Mobius tin rằng các nhà đầu tư nội chính là lực đẩy lớn nhất sau đà tăng của thị trường. “Nhà đầu tư nội địa muốn “chạy trốn” khỏi tiền mặt. Họ muốn tài sản”. Giá của các tài sản khác, điển hình như bất động sản ở Buenos Aires, đang diễn biến khá tốt. Người Argentina đang lo ngại kịch bản đồng nội tệ mất giá mạnh. 

Về phần mình, với vai trò một nhà đầu tư dài hạn, Mobius vẫn gắn bó với cổ phiếu Argentina. Thậm chí ông còn cho rằng vỡ nợ là điều tốt nhất có thể xảy ra với Argentina. 
“Sẽ không có ai đưa thêm tiền cho họ nữa. Tự bản thân Argentina phải giải quyết mọi chuyện. Người dân đang mong chờ ngày Argentina thực sự tiến hành cải cách để lập lại trật tự”. 

Một số người lưu ý rằng đà tăng của thị trường cũng là kết quả của những nỗ lực hòa giải của chính phủ Argentina. Theo Nicholas Watson, chuyên gia phân tích về Mỹ Latinh tại Teneo Intelligence, trong vài tháng gần đây, chính phủ Argentina thực sự đã làm khá tốt công việc kết nối lại với các thị trường. Argentina đã đạt được thỏa thuận 10 tỷ USD với câu lạc bộ chủ nợ Paris và thỏa thuận 5 tỷ USD với công ty dầu mỏ Repsol. 

Dẫu vậy, không thể phủ nhận rằng vụ vỡ nợ sẽ khiến kinh tế Argentina suy thoái sâu hơn. Mark Cymrot - chuyên gia đến từ công ty luật Baker & Hostetler và đã nghiên cứu về trường hợp vỡ nợ của Peru - cho rằng những rủi ro hiện tại khiến nhiều doanh nghiệp Argentina gặp khó khăn khi huy động vốn và xa hơn nữa điều này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế. 


Thiên Bình

huongnt

Cùng chuyên mục
XEM