Nhìn lại lịch sử thăng trầm của đất nước Argentina

31/07/2014 19:08 PM |

Argentina đã vỡ nợ tổng cộng 12 lần kể từ khi giành độc lập cách đây gần 200 năm (7 lần vỡ nợ nước ngoài và 5 lần vỡ nợ trong nước).

Lịch sử nền kinh tế với quá nhiều thăng trầm đã để lại những “vết sẹo” trong lòng người dân Argentina đồng thời khiến các chủ nợ nước ngoài lo lắng khi đất nước này chứng kiến vụ vỡ nợ thứ 2 trong thế kỷ 21.

Argentina vỡ nợ lần đầu tiên vào năm 1827, chỉ 11 năm sau khi giành được độc lập từ Tây Ban Nha. Thuộc địa chuyên về nông nghiệp của đế chế Tây Ban Nha đã sống sót nhờ buôn lậu hàng hóa bất chấp lệnh giới nghiêm về thuế và hoạt động thương mại. Vùng đất nông nghiệp tươi tốt ở Nam Mỹ cung cấp lượng hàng hóa xuất khẩu và thu nhập dồi dào cho quốc gia còn non trẻ, nhưng cuộc khủng hoảng tín dụng đầu tiên cũng sớm hình thành. 

Argentina và một nhóm các quốc gia Mỹ Latinh khác đã bán một số lượng lớn trái phiếu ở London để tài trợ cho quá trình chuyển đổi sang độc lập, nhưng mọi thứ sụp đổ vào năm 1825, khi NHTW Anh nâng lãi suất. TTCK sụp đổ và suy thoái càn quét châu Âu. Argentina không thể trả nợ cho tới năm 1857. 

Năm 1890, cơn hoảng loạn lại cuốn trôi thị trường tín dụng toàn cầu thêm 1 lần nữa, khi Baring Brothers bên bờ vực phá sản sau khi cho Argentina vay một khoản tiền lớn dùng để xây dựng đường sắt và hiện đại hóa thủ đô Buenos Aires. Thị trường hàng hóa bùng nổ đãtạo nên bong bóng đầu cơ tài chính. Khi bong bóng vỡ, Argentina vỡ nợ 48 triệu bảng Anh, dẫn đến sự sụp đổ của một số ngân hàng đứng đầu Argentina và Tổng thống Miguel Juárez Celman phải từ chức. 4 năm sau Argentina mới có thể hồi phục. 

Năm 1915 và năm 1930, nhiều tỉnh của Argentina vỡ nợ, mặc dù chính phủ liên bang vẫn tiếp tục trả nợ. 

Tổng thống được nhiều người yêu thích Jaun Domingo Perón đem đến làn sóng quốc hữu hóa, chủ nghĩa bảo hộ, phân phối của cải và chính phủ can thiệp vào nền kinh tế. Kinh tế Argentina tăng trưởng mạnh mẽ với bộ phận trung lưu phình to. 

Tuy nhiên, Tổng thống Peron bị lật đổ sau cuộc đảo chính năm 1955 và nền kinh tế Argentina lại lâm vào khủng hoảng. Năm 1956, Argentina đạt được thỏa thuận với câu lạc bộ chủ nợ Paris để tránh vỡ nợ. Dẫu vậy, một số khoản nợ vẫn chưa được giải quyết, dẫn vụ vỡ nợ năm 2001. Đến tận đầu năm nay, Argentina mới hoàn tất việc trả nợ cho câu lạc bộ Paris. 

Trong những năm 1980, thế giới lại tiếp tục trải qua khủng hoảng nợ. Nhiều nước Mỹ Latinh và châu Phi vỡ nợ. Argentina ngừng trả nợ quốc tế năm 1982 và vỡ nợ trong nước năm 1989. 10 năm sau, Argentina phát hành trái phiếu USD mang tên Brady (đặt tên theo Bộ trưởng tài chính Mỹ Nicholas Brady) và thoát khỏi vỡ nợ. 

Năm 2001, Argentina vỡ nợ khi không trả được khoản nợ 100 tỷ USD và đây là vụ vỡ nợ quốc gia lớn nhất tại thời điểm đó. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 20%, tiền gửi ngân hàng bị tịch thu và các tài khoản tiết kiệm bằng USD bị chuyển đổi sang đồng peso đang mất giá nhanh chóng. Hợp đồng hoán đổi năm 2005 và 2010 giải quyết khoảng 93% số nợ. Tuy nhiên, một nhóm các quỹ đầu cơ nhất quyết không đầu hàng. 

Nền kinh tế Argentina đã trải qua nhiều thăng trầm trong suốt thập kỷ vừa qua, nhưng lạm phát luôn ở mức cao và sự can thiệp quá sâu của chính phủ vào nền kinh tế đã bắt đầu gây ra hậu quả từ năm ngoái. Kinh tế Argentina lún sâu vào suy thoái và dự trữ ngoại hối lao dốc không phanh. Cuối cùng, Argentina lại một lần nữa vỡ nợ. 

Thu Hương

huongnt

Cùng chuyên mục
XEM