Tác động kinh tế của Covid-19: Người già hay người trẻ sẽ bị nghèo đi nhiều hơn?

28/06/2020 10:46 AM | Xã hội

Có nhiều thời gian để tiết kiệm, người già có xu hướng sở hữu nhiều tài sản tài chính hơn người trẻ. Người già cũng có xu hướng có phần lớn tài sản của họ đầu tư vào trái phiếu, đặc biệt dễ bị lạm phát. Đây chính là yếu tố tạo ra sự khác biệt giữa tác động Covid-19 đến hai nhóm tuổi.

Các chính phủ trên khắp thế giới đang mạnh tay chi tiêu để đối phó với sự sụp đổ kinh tế của cuộc khủng hoảng Covid-19. Khi dịch qua đi, gánh nặng nợ công sẽ nặng nề hơn nhiều so với hiện nay. Tỷ lệ nợ trên GDP của một số quốc gia có khả năng tăng hơn 20%. Các nhà hoạch định chính sách sẽ đối phó với núi nợ này như thế nào?

Các biện pháp nếu có thể thực hiện để tránh lạm phát, cuối cùng sẽ gây ra các hậu quả khác. Tăng thuế sẽ cản trở sự phục hồi sau Covid-19. Cắt giảm chi tiêu công cũng sẽ gây ra khó khăn, đặc biệt là sau một cuộc khủng hoảng đã làm lộ ra những bất cập trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta. Mặc dù lạm phát thì không có gì hay ho, nhưng có thể đó sẽ là hiệu ứng đỡ tồi tệ nhất nếu so sánh với các tác động khác của Covid-19.

Sau Thế chiến thứ nhất, Đức đã chịu gánh nặng nợ trong nước vô cùng lớn. Song, siêu lạm phát như vậy là rất khó xảy ra ở thời điểm hiện tại. Nếu lạm phát chỉ ở mức độ nhẹ và chỉ là tạm thời, thì thực ra sẽ làm giảm gánh nặng nợ công.

Lợi ích cũng như bất cập của giãn cách xã hội tác động không đồng đều đến các nhóm tuổi. Lợi ích đặc biệt cao đối với người già - những người có tỷ lệ tử vong từ Covid-19 lớn hơn nhiều so với những người trẻ tuổi. Ngược lại, thiệt hại cho hoạt động kinh tế giảm chủ yếu tác động đến thanh niên và trung niên - hàng triệu người đã mất việc làm và công việc kinh doanh. Người về hưu thì không thể mất việc, nên họ cũng không bị thiệt hại. Ngoài ra, việc học của sinh viên đã bị gián đoạn, và những sinh viên tốt nghiệp trong cuộc suy thoái này sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.

Nói tóm lại, người già sẽ có lợi ích lớn từ việc giãn cách xã hội và thiệt hại họ phải chịu tương đối nhỏ. Trong khi những người trẻ tuổi có được lợi ích ít hơn nhưng thiệt hại kinh tế phát sinh lớn hơn đáng kể.

Nếu các nhà hoạch định chính sách muốn giảm bớt gánh nặng cho giới trẻ, họ có thể sẽ lựa chọn việc trợ cấp và chấp nhận lạm phát vì điều đó không tác động quá lớn đến người trẻ. Họ chủ yếu bằng thu nhập lao động, tăng trưởng theo lạm phát, thay vì sống bằng các khoản trợ cấp cố định - thứ sẽ mất giá trị nếu lạm phát xảy ra.

Lạm phát có tác động lớn hơn đối với người già vì nó làm giảm giá trị thực của tài sản mà họ nắm giữ. Có nhiều thời gian để tiết kiệm, người già có xu hướng sở hữu nhiều tài sản tài chính hơn người trẻ. Người già cũng có xu hướng có phần lớn tài sản của họ đầu tư vào trái phiếu, đặc biệt dễ bị lạm phát.

Chúng ta sẽ không chứng kiến siêu lạm phát trong tương lai gần. Chúng ta thậm chí có thể thấy có sự giảm phát ở một số quốc gia, do tổng cầu thấp. Nhưng áp lực lạm phát có thể sẽ xuất hiện sau khi động cơ của nền kinh tế toàn cầu tăng trở lại.

Các công ty sẽ phải trả giá đắt khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Ví dụ, một số công ty có thể tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng của họ để làm cho chúng trở nên linh hoạt hơn, và tốn kém hơn.

Các hãng hàng không sẽ phải để trống ghế giữa. Các nhà hàng sẽ chỉ được đón khách vào số lượng bàn ít hơn so với trước. Các chi phí liên quan có thể do người tiêu dùng chịu thiệt. Ngoài ra, sự thất bại của một số công ty trong cuộc khủng hoảng sẽ làm giảm sự cạnh tranh trên thị trường, khiến quyền lực tập trung hơn vào tay của các công ty còn sống sót.

Cuộc khủng hoảng này có khả năng dấy lên câu hỏi về sự cần thiết phải độc lập của ngân hàng trung ương. Ba cuộc khủng hoảng gần đây - cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cuộc khủng hoảng Eurozone năm 2012 và bây giờ là cuộc khủng hoảng Covid-19 - đã thể hiện một cách rõ ràng tầm quan trọng của các ngân hàng trung ương trong việc dập tắt các "tai nạn" kinh tế. Một ví dụ điển hình là sự hợp tác chặt chẽ đang diễn ra giữa Fed và Kho bạc Hoa Kỳ trong việc cung cấp tài chính cho một loạt các tổ chức.

Hậu khủng hoảng, đừng ngạc nhiên nếu chính phủ thúc đẩy các ngân hàng trung ương chấp nhận lạm phát trên mức trung bình. Nó có thể là cách dễ nhất để họ đối phó với các khoản nợ sinh ra từ Covid-19.

HA

Cùng chuyên mục
XEM