T&A Ogilvy, rồi sao nữa?

04/12/2016 09:18 AM | Kinh doanh

Chỉ có đi đến cùng vụ thông tin bẩn về nước mắm và xem kết quả xử lý như một “án lệ”, là bài học kinh nghiệm cho tất cả, thì mới bảo vệ được các doanh nghiệp, làng nghề - “xương sống” của nền kinh tế.

Sau khi thông tin “Công ty TNHH liên doanh T&A Ogilvy là đơn vị tài trợ cho Vinastas tiến hành khảo sát không đảm bảo tính độc lập theo quy định” được công bố, hầu hết người quan tâm đều có cùng câu hỏi: đó là địa chỉ cuối cùng hay còn đơn vị nào đứng sau đặt hàng để T&A Ogilvy tài trợ cho Vinastas nhằm tạo ra thông tin bẩn về nước mắm?

Hơn sáu tuần kể từ khi xảy ra vụ nước mắm truyền thống bị tấn công bẩn, đã có nhiều đơn vị cải chính thông tin, gần đây là Vinastas - nơi thực hiện cuộc khảo sát đầy tai tiếng về nước mắm - cũng đã cáo lỗi và xin lỗi. Nhưng cả người tiêu dùng và nhà thùng sản xuất nước mắm vẫn thắc mắc là T&A Ogilvy tài trợ cho Vinastas nhằm “đánh” nước mắm truyền thống để làm gì?

Phải chăng họ chủ động làm để lấy kết quả ấy đi chào mời cho ai đó, hay ai đó đã chi tiền cho công ty chuyên làm truyền thông T&A Ogilvy làm việc này?

Dư luận tiếp tục chờ đợi các cơ quan chức năng làm sáng tỏ các câu hỏi trên. Vì việc sớm truy ra tác giả thật của thông tin bẩn, gây khốn khó cho nhà thùng sản xuất nước mắm không nhằm mục đích chỉ mặt vạch tên mà là làm sáng tỏ câu chuyện cạnh tranh bẩn bằng chiêu trò đánh dưới thắt lưng, qua đó rút ra bài học cho mọi ngành kinh doanh khác.

Điều này rất quan trọng. Bởi như một chuyên gia kinh tế nói rằng trong quá trình hội nhập của nền kinh tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các làng nghề dễ bị tổn thương, tàn lụi bởi sức ép từ những doanh nghiệp lớn, mạnh về vốn, công nghệ, trong đó có cả công nghệ về làm thị trường, thâu tóm thậm chí triệt hạ đối thủ.

Chỉ có đi đến cùng vụ thông tin bẩn về nước mắm này và xem kết quả xử lý như là một “án lệ”, là bài học kinh nghiệm cho tất cả, từ nhà quản lý đến doanh nghiệp... thì mới bảo vệ được các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các làng nghề - là “xương sống” của nền kinh tế.

Đúng vậy, có nhanh chóng làm sáng tỏ đơn vị đã đặt hàng, là tác giả của thông tin bẩn về nước mắm, xử lý đến nơi đến chốn mới trả lại môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp sản xuất nước mắm chân chính nói riêng và mọi doanh nghiệp nói chung.

Đó cũng là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong kiến tạo và duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh.

Chỉ có xử lý nghiêm mới có tác dụng răn đe và ngăn chặn những đơn vị có ý định dùng chiêu bẩn để tiêu diệt đối thủ. Để đảm bảo rằng trong làm ăn kinh doanh không có chỗ cho những ý tưởng cạnh tranh bẩn, cạnh tranh “dưới thắt lưng” mà phải đi lên bằng sự chân thành, năng lực, sáng tạo...

Nhanh chóng đi đến cùng sự việc cũng là lời cảnh cáo nghiêm khắc rằng mọi chiêu trò, “công nghệ” cạnh tranh bẩn dù có tinh vi, “nghệ thuật” đến mức nào đi chăng nữa, hay đã được áp dụng thành công ở nhiều nơi trên thế giới rồi cũng bị lật tẩy, vạch mặt, bị ngăn chặn.

Cuối cùng, việc sớm có kết luận và công bố “tác giả” của thông tin bẩn về nước mắm để xử lý, từ góc cạnh pháp luật cũng là sòng phẳng, như lời của thượng tướng Tô Lâm - bộ trưởng Bộ Công an - nói với báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội hôm 22-10: “Ai đưa ra thông tin sai sự thật, dùng thủ đoạn để tung tin gây hoang mang, tạo dư luận xấu cho nhân dân thì phải được xem xét, xử lý”.

Theo Thanh Tuyền

Cùng chuyên mục
XEM