Sữa Việt Nam chuẩn bị được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc: Cuộc chơi mới của Vinamilk, TH True Milk và ...Masan
Tổng giám đốc Vinamilk bà Mai Kiều Liên cho rằng sự sụt giảm của ngành sữa trong năm 2018 là ngắn hạn và dự kiến ngành sữa Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Thị trường 1,4 tỷ người tiêu dùng
Cuối tháng 4/2019, trong dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự diễn đàn cấp cao hợp tác "Vành đai và con đường" tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam Nguyễn Xuân Cường và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan Trung Quốc đã ký 3 văn kiện hợp tác quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp. Đáng chú ý nhất là Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Điều này là cơ sở pháp lý rất quan trọng tạo điều kiện cho sữa của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường giàu tiềm năng với 1,4 tỷ người tiêu dùng.
Đây là một thông tin cực kỳ đáng giá cho các công ty sữa của Việt Nam bởi Trung Quốc đang là quốc gia nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa lớn nhất thế giới.
Theo báo cáo của World&Research, với sự phát triển của nền kinh tế và sự gia tăng mức sống của người dân Trung Quốc, mức tiêu thụ sản phẩm sữa bình quân đầu người ở Trung Quốc liên tục tăng. Trong năm 2017, mức tiêu thụ của các sản phẩm sữa ở Trung Quốc đạt khoảng 31,79 triệu tấn, với tốc độ tăng trưởng kép CAGR khoảng 2,7% từ năm 2013 đến 2017. Tuy nhiên sản lượng sản phẩm sữa ở Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ CAGR chỉ 2,1% trong cùng kỳ. Những lý do chính cho sự tăng trưởng chậm chạp bao gồm: (1) Chi phí sản xuất sữa trong nước ở Trung Quốc cao hơn mức trung bình toàn cầu do bị ảnh hưởng bởi chi phí thức ăn, lao động và đất đai, và lợi nhuận thấp kìm hãm sự tăng trưởng sản xuất; và (2) Người dân Trung Quốc thiếu niềm tin vào các sản phẩm sữa trong nước vì các sự cố an toàn xảy ra thường xuyên trong ngành sản phẩm sữa của Trung Quốc trong thập kỷ gần đây.
Theo Hải quan Trung Quốc, năm 2018, khối lượng nhập khẩu các sản phẩm sữa (bao gồm sữa bột, sữa nước, phomai...) tại Trung Quốc đạt 2,74 triệu tấn, tăng 7,8% so với cùng kỳ; giá trị nhập khẩu đạt 10,65 tỷ USD, tăng 14,80% so với cùng kỳ trong đó sữa bột chiếm gần 70%.
Số liệu của Tổ chức lương thực và Nông nghiệp Liên hợp Quốc (FAO) cho thấy sản lượng nhập khẩu sữa bột nguyên kem (WMP) của Trung Quốc trong năm qua tăng 10,6% năm trước, sữa bột tách kem (SMP) tăng 11%. Đã hơn 1 thập kỷ trôi qua kể từ cuộc đại khủng hoảng ngành sữa tại Trung Quốc xảy ra khi các nhà cung cấp sữa bổ sung melamine, hoá chất dùng trong sản xuất nhựa vào sữa bột để tăng chỉ số hàm lượng protein. Kể từ đó người tiêu dùng Trung Quốc đã quay lưng với sản phẩm sữa bột trong nước. Các nhà nghiên cứu cho rằng nhu cầu nhập khẩu sữa của Trung Quốc tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Nguồn: FAO
Cơ hội nào cho các doanh nghiệp Việt
Năm 2018 là năm đầu tiên trong 5 năm trở lại đây lợi nhuận của ông lớn ngành sữa Việt Nam Vinamilk giảm. Mức giảm không đáng kể so với năm trước (10.206 tỷ sau thuế năm 2018 so với mức 10.278 tỷ năm 2017). Con số này mặc dù đã tăng khoảng 60% so với năm 2014) nhưng tăng trưởng lợi nhuận một con số của Vinamilk các năm gần đây khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng doanh nghiệp sữa lớn nhất cả nước bắt đầu đi chậm lại. Mặc dù doanh thu của Vinamilk vẫn tăng đều 11% trong 5 năm qua, nhưng giá sữa nguyên liệu tăng trở lại cùng với sự tăng trưởng chậm lại của ngành khiến biên lợi nhuận của công ty không thể đạt như các năm trước.
Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Vinamilk
Mặc dù vậy, Tổng giám đốc Vinamilk bà Mai Kiều Liên cho rằng sự sụt giảm của ngành sữa trong năm 2018 là ngắn hạn và dự kiến ngành sữa Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng bền vững trong dài hạn vì (i) Mức tiêu thụ sữa bình quân trên đầu người của Việt Nam chỉ khoảng 19 kg sữa/người/năm, con số này còn khá thấp so với các nước khu vực, chẳn hạn như Trung Quốc là 22,5 kg, Malaysia là 26,7 kg, Thái Lan là 31,7 kg và Hàn Quốc là 40,1 kg (nguồn: Euromonitor); (ii) Sản phẩm sữa ngày càng phổ biến và được người tiêu dùng tin dùng tại Việt Nam; (iii) Dân số đông trên 97 triệu người và có tháp dân số với cấu trúc dân số trẻ cao.
Theo báo cáo của Fiinpro, thị trường sữa Việt Nam hiện tại đang được chi phối bởi 5 ông lớn là Vinamilk, Nestle Vietnam, Nutifood, Frieslandcampina (sản phẩm Dutch Lady), TH Milk.
Thị phần ngành sữa Việt Nam 2017 (nguồn: Fiin Pro)
Trong khi TH Milk đang đi đầu về phát triển các sản phẩm sữa organic thì Vinamilk rất tự tin trước sự gia nhập ngành của các đối thủ như Coca Cola hay Masan (dự kiến gia nhập thị trường sữa vào năm 2021). Vinamilk cho rằng không dễ để có thể thiết lập một hệ thống trang trại bò sữa để chủ động nguồn nguyên liệu sữa tươi như những gì Vinamilk đang sở hữu.
Tính đến ngày 31/12/2018, Vinamilk sở hữu 12 trang trại bò sữa với 27.000 con bò. Mô hình chăn nuôi hiện đại đã giúp Vinamilk đạt con số 26 kg sữa/ngày/con bò, gấp đôi năng suất sữa trung bình của các hộ chăn nuôi.
Vinamilk hiện vẫn đang thống lĩnh thị trường sữa Việt Nam với thị phần khoảng 55% sữa nước, 80% thị phần sữa chua, hơn 80% thị phần sữa đặc, hơn 30% thị phần trong ngành hàng sữa bột (báo cáo Vietnam Report). Theo bà Mai Kiều Liên, mặc dù năm 2018 là một năm khó khăn song thị phần của Vinamilk vẫn tăng trưởng 0,9%.
Vinamilk đã xuất khẩu sữa sang 40 nước.
Thị trường sữa bao gồm sữa nước, sữa bột, sữa đặc, bơ và phomai. Nếu nhìn vào nhu cầu của thị trường Trung Quốc (nhập khẩu đa phần là sữa bột cho trẻ em), các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có thể tiếp cận được thị trường tiêu dùng tỷ USD của Trung Quốc.
Ngay tại thị trường trong nước, báo cáo của Fiin Pro cho thấy thị phần sữa bột vẫn là cuộc chơi của các ông lớn nước ngoài như Abbott, Frieslandcampina, Mead Johnson và Nestle. Người tiêu dùng vẫn ưa chuộng sản phẩm ngoại của Nhật như Meiji, Morigana hay Wakodo. Vinamilk hiện tại vẫn là cái tên sáng giá nhất của Việt Nam nếu tấn công vào thị trường Trung Quốc. Thị phần sữa bột của Vinamilk tại thị trường trong nước khoảng 30%, công ty đã có tên tuổi trên thị trường quốc tế nên dễ dàng lấy được niềm tin với người tiêu dùng Trung Quốc.
TH True Milk tập trung chủ yếu vào sữa nước, các sản phẩm sữa chua và sữa hạt. Công ty này có lợi thế lớn về mặt đầu vào với đàn bò lên tới 45.000 con.
Với Masan, doanh nghiệp này có kế hoạch sẽ xâm nhập thị trường sữa từ năm 2021. Chưa có một thông tin chính thức nào cho thấy Masan đã khởi động kế hoạch này. Masan có thể đi tắt đón đầu bằng M&A, nhưng gần nhất Vinamilk đã khởi động mua GTN, công ty mẹ sở hữu Tổng công ty Chăn nuôi, qua đó sở hữu công ty sữa Mộc Châu. Thị trường M&A ngành sữa có sẽ thời gian tới sẽ dậy sóng nếu có sự tham gia của Masan.
Với thị trường bơ và phomai, các doanh nghiệp Việt Nam gần như không cạnh tranh nổi, và cũng chưa có nhiều sản phẩm nổi bật. Trong khi các thị trường này tăng trưởng hai con số trong năm 2018.
Vinamilk đặt mục tiêu năm 2019 với doanh thu hợp nhất 56.300 tỷ (tăng 7%), lợi nhuận sau thuế 10.480 tỷ (tăng 2,5%). Vinamilk khẳng định sẽ tiếp tục M&A với các công ty sữa nước ngoài trong năm 2019 nhằm mở rộng thị phần, tăng doanh số. Doanh nghiệp này tuyên bố rằng họ đã chuẩn bị sẵn sàng mọi tiền đề cho việc xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.