"Sự tích" mobile money và lý do vì sao xã hội không tiền mặt sẽ không bỏ ai lại phía sau

08/07/2020 16:15 PM | Xã hội

Trong khi khoảng 1,7 tỷ người dân trên thế giới vẫn chưa có tài khoản ngân hàng thì chỉ với một tin nhắn đơn giản, một chiếc điện thoại cục gạch, công nghệ này đã giúp khách hàng thanh toán nhiều tiện ích như thanh toán hoá đơn, nhận lương, nhận hay gửi tiền cho gia đình và bạn bè.

Mobile money đã tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của hàng triệu người ở các nước đang phát triển. Dịch vụ này cho phép khách hàng chuyển tiền trên điện thoại di động mà không cần liên kết với bất kì tài khoản ngân hàng nào. Trong khi khoảng 1,7 tỷ người dân trên thế giới vẫn chưa có tài khoản ngân hàng thì chỉ với một tin nhắn đơn giản, một chiếc điện thoại cục gạch, công nghệ này đã giúp khách hàng thanh toán nhiều tiện ích như thanh toán hoá đơn, nhận lương, nhận hay gửi tiền cho gia đình và bạn bè.

Chưa một nơi nào trên thế giới có thể triển khai thành công mobile money như các quốc gia châu Phi phía nam Sahara. 45,6% giao dịch mobile money trên thế giới được diễn ra tại đây. Ước tính ít nhất 26,8 tỷ USD giá trị giao dịch được diễn ra tại khu vực này trong năm 2018.

Câu chuyện về mobile money ở châu Phi được biết đến rộng rãi ở Kenya vào năm 2007 khi Safaricom triển khai dịch vụ M-Pesa, giải quyết vấn đề chuyển tiền tại châu Phi. Trước đó, do hạn chế trong hoạt động ngân hàng ở khu vực này, việc chuyển tiền cho họ hàng hay người thân là một vấn đề nan giải đối với người dân ở đây. Nyagaka Anyona Ouko – "nhà phát minh" money mobile, đã nghĩ ra giải pháp này một cách rất tình cờ.

 Sự tích mobile money và lý do vì sao xã hội không tiền mặt sẽ không bỏ ai lại phía sau  - Ảnh 1.

Câu chuyện của Ouko được bắt đầu vào năm 2002, khi anh muốn gửi tiền cho người mẹ đang bệnh nặng của mình ở quê. "Cách gửi tiền hợp pháp duy nhất chỉ có thể là dùng bưu phiếu hoặc thư chuyển tiền nhanh qua Tổng công ty bưu chính của Kenya. Tuy nhiên, nếu dùng cách này thì mẹ tôi phải đi lại rất xa để có thể nhận được tiền. Còn tôi thì cũng phải dành thời gian để tìm và đến các bưu điện địa phương để chuyển tiền cho mẹ".

Anh cho biết thêm: "Chuyển tiền qua xe khách cũng là một cách. Tuy nhiên nếu chuyển bằng cách này, tôi phải vật vờ ở bến xe và hỏi han mọi người xem có ai đi về làng của tôi không, và phải xem tôi có thể tin tưởng được họ không nữa. Vậy đến bao giờ mẹ tôi mới có thể nhận được tiền?".

Với những băn khoăn như vậy, Ouko chợt nảy ra một ý nghĩ: "Tôi đã thoả thuận với chủ của hàng quen ở quê, ứng tiền cước điện thoại cho ông ấy, để ông ấy gửi tiền cho mẹ tôi. Vào thời điểm ấy, người chủ cửa hàng đó cũng đồng ý và tính 10% phí giao dịch".

Khi giao dịch diễn ra thuận tiện, Ouko bắt đầu lên kế hoạch áp dụng phương pháp này trên toàn Kenya. Và đó là sự ra đời của mobile money.

 Sự tích mobile money và lý do vì sao xã hội không tiền mặt sẽ không bỏ ai lại phía sau  - Ảnh 2.

Khi việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng vẫn còn phức tạp, thì người dân châu Phi lại rất quen thuộc với việc thanh toán trên điện thoại di động. Sự tiện lợi này cho phép hàng triệu người truy cập các dịch vụ mobile money. Hiện nay, số lượng tài khoản mobile money đã vượt xa số lượng tài khoản ngân hàng trong khu vực. Sự phát triển này đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân, đặc biệt là những người dân đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng như người nghèo, phụ nữ và thanh thiếu niên.

Châu Phi hạ Sahara là khu vực duy nhất trên thế giới đạt gần 10% GDP từ các giao dịch tài chính qua dịch vụ mobile money, chỉ ít hơn 2% GDP ở các khu vực khác. Tại châu Á, con số này chỉ là 7%.

Những lý do Việt Nam cần dịch vụ mobile money

Báo cáo mới của Standard Chartered chỉ ra rằng tại Việt Nam, 30,8% dân số trong độ tuổi từ 15 trở lên có tài khoản ngân hàng, thấp nhấp trong các quốc gia ASEAN.

Mặc dù trong những năm gần đây, ngành công nghiệp thương mại điện tử ở Việt Nam đã phát triển với tốc độ hai chữ số nhưng 90,2% giao dịch mua hàng trực tuyến vẫn được thanh toán bằng tiền mặt. Đây là tỷ lệ cao nhất, cao hơn cả ở Philippines, nơi tỷ lệ dân số có tài khoản ngân hàng chỉ cao hơn một chút so với Việt Nam.

Lý do tỷ lệ sử dụng tiền mặt cao là do người dân vẫn chưa hiểu rõ về cách thức vận hành của những phương thức thanh toán ký thuật số. Thêm vào đó, bà con nông dân thường lo ngại về tính bảo mật của hồ sơ tài chính và quan niệm rằng tiền mặt vẫn là phương thức đơn giản nhất.

Với mobile money, người dân sẽ có thể tiết kiệm tiền một cách an toàn và theo dõi lịch sử thanh toán trên các khoản vay. Bởi người nghèo thường không có quyền truy cập vào các tổ chức ngân hàng. Ví dụ như ở Việt Nam chỉ có gần 31% người dân có tài khoản ngân hàng và chỉ có 2% người dân có thẻ tín dụng. Lý do là vì mở tài khoản ngân hàng thì thường rất tốn kém, các ngân hàng thường ở xa những vùng nông thôn. Hơn nữa, các ngân hàng vẫn chưa quan tâm đến việc cung cấp dịch vụ tài chính cho người nghèo.

Hầu hết bà con nông dân thường phải tìm mọi cách để cất tiền mặt (như gửi nhờ họ hàng). Dù vậy thì khả năng mất mát vẫn còn rất cao (ví dụ như trộm cướp, hay những rủi ro khiến tiền mặt bị tiêu huỷ). Mobile money cũng cho phép họ dễ dàng theo dõi các khoản thanh toán. Điều này rất quan trọng vì người dân dễ dàng quản lý các khoản tiền của họ cũng như các khoản tiết kiệm cho tương lai. Nghiên cứu cho thấy ở các vùng nông thôn tại Kenya, thu nhập của người dân tăng từ 5% đến 30% nhờ việc sử dụng M-Pesa.

Trong bối cảnh hiện nay, bà con nông thông hầu như chưa có tài khoản ngân hàng, các hộ dân nhỏ lẻ vẫn chưa được nhiều tổ chức tín dụng hướng tới. Thêm vào đó, 3G/4G đã được phủ sóng rộng rãi đến cả những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi và các hải đảo, nơi mà các ngân hàng không thể vươn tới. Đây sẽ là những lợi thế giúp cho thị trường của dịch vụ mobile money phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Q.L

Cùng chuyên mục
XEM