Sự thật về thẻ và bút ngăn virus 'đồ Nhật xách tay': Là hàng tạp hóa, coi chừng nhiễm độc sinh học!

19/02/2020 10:20 AM | Xã hội

Đã có trường hợp một em bé đeo dây chuyền chứa chất khử trùng không gian (sodium hypochlorite) trên cổ và bị bỏng nghiêm trọng ở ngực do hóa chất này.

Đại dịch Corona đã khiến nhiều người lo sợ đến mức hoảng loạn và bám víu vào tất cả những gì được cho là có thể phòng bệnh, sát khuẩn, giết virus .

Sau phong trào tẩm muối vào khẩu trang, một trong những thứ đang được các shop bán hàng Nhật tại Việt Nam rao bán rầm rộ với các quảng cáo trên mây là có tác dụng sát khuẩn không khí. Đó thẻ và bút ngăn chặn virus, vi khuẩn.

Tuy nhiên, hình như không mấy người chịu tìm hiểu tác dụng thực chất của các mặt hàng này có được như vậy hay không, mà cứ mặc định hàng Nhật, "Made in Japan", bày bán tại tiệm thuốc thì sẽ là hàng đảm bảo, chất lượng, an toàn và hiệu quả cao.

Bài viết này muốn cảnh báo các bạn đang có ý định mua những thẻ và bút kể trên, cũng như các bạn đang bán hàng Nhật xách tay.

Sự thực: Thẻ/ bút diệt khuẩn chỉ là một mặt hàng tạp hóa

 Sự thật về thẻ và bút ngăn virus đồ Nhật xách tay: Là hàng tạp hóa, coi chừng nhiễm độc sinh học! - Ảnh 2.

Thẻ diệt virus được quảng cáo ở Việt Nam trên những trang bán hàng online và cả các trang thương mại điện tử lớn với những tác dụng "thần kỳ".

Những thẻ/bút này được gọi chung là "thẻ ngăn virus/ phấn hoa/ mùi hôi", "sát trùng không gian"… tiếng Nhật là 空間除菌剤, ウイルスプロテクター. Hầu hết các công ty làm ra sản phẩm này quảng cáo rằng các hóa chất từ Clo như chlodioxide (二酸化塩素 ) hay sodium hypochlorite (次亜塩素酸ナトリウム) có thể xua đuổi hoặc tiêu diệt những vi khuẩn lơ lửng trong không khí, giúp sát khuẩn không gian xung quanh người dùng

Trong báo cáo trên tạp chí "Môi trường truyền nhiễm" số 32 năm 2017, bác sĩ Nishimura, chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu virus (Trung tâm y tế tỉnh Sendai, Nhật) cho biết: Qua thí nghiệm thực tế, KHÔNG thấy được hiệu quả diệt khuẩn của nhiều sản phẩm trên thị trường. Cụ thể là số lượng virus KHÔNG hề giảm trong khi sử dụng thẻ.

Thí nghiệm còn cho thấy với khoảng cách 10 cm (thậm chí 0,5 cm ở một số sản phẩm) thì nồng độ của chlodioxide đã thấp tới mức… cực thấp hoặc không thể đo được.

Ngay cả trong phòng kín mà tác dụng diệt khuẩn đã rất đáng ngờ như vậy thì ở môi trường bên ngoài, khi người dùng di động trong điều kiện nắng gió và độ ẩm khác biệt thì công hiệu diệt khuẩn sẽ bằng không. Một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nói đùa rằng cái thẻ này có lẽ cũng chẳng khác gì cái… bùa! Đeo cho an tâm chứ chẳng có công dụng thực.

Trong Tạp chí Y học Nhật Bản (Japan Medical Journal) số 4959, Giáo sư Okubo, Đại học Tokyo HealthCare University và cũng là Viện trưởng một bệnh viện ở Nagoya, đã trả lời về tác dụng diệt khuẩn của các sản phẩm này như sau: "Không thể chứng minh hiệu quả khử trùng cũng như tính an toàn của sản phẩm khi sử dụng trên người".

Theo ông, trước khi đánh giá hiệu quả của các sản phẩm chứa chlodioxide, phải hiểu rằng chlodioxide là một chất không được cấp phép và chưa được phân loại là chất khử trùng tại Nhật Bản. Chúng được phân loại là… hàng tạp hoá, không phải dược phẩm hoặc thuốc và không có cần phải dán nhãn các thành phần chính của sản phẩm.

Trong những năm gần đây, một số sản phẩm trên thị trường cho thấy có tác dụng ngăn ngừa sự lây truyền virus như virus cúm, nhưng chúng vẫn chưa được Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản phân loại là dược phẩm vì tác dụng chưa được kiểm định chính thống.

Cụ thể, cho đến nay không có sản phẩm chlodioxide được bán dưới dạng sản phẩm y tế được Bộ Y Tế Nhật Bản cấp phép."

 Sự thật về thẻ và bút ngăn virus đồ Nhật xách tay: Là hàng tạp hóa, coi chừng nhiễm độc sinh học! - Ảnh 3.

Coi chừng tiền mất tật mang

Cũng trong cùng tạp chí trên, bác sĩ Okubo nêu rằng, về tác dụng diệt khuẩn, chlodioxide cho thấy tác dụng diệt khuẩn mạnh hơn natri hypoclorite, nhưng việc sử dụng khí chlodioxide trong không gian kín không được khuyến cáo do khả năng nhiễm độc sinh học.

Ở Mỹ có các tiêu chuẩn môi trường làm việc về sự an toàn của chlodioxide, nhưng lại chưa có ở Nhật Bản. Sự an toàn của con người khi phơi nhiễm lâu dài ở nồng độ thấp chưa được kiểm chứng.

Mặc dù Chlodioxide được coi như là an toàn khi sử dụng như phẩm gia, nhưng điều đó không có nghĩa là chlodioxide luôn luôn an toàn trong mọi sản phẩm. Đã có trường hợp một em bé đeo dây chuyền chứa chất khử trùng không gian (sodium hypochlorite) trên cổ và bị bỏng nghiêm trọng ở ngực do hóa chất này.

Một trường hợp khác bị bỏng chân khi cho sản phẩm cùng loại vào túi quần. Do đó, ngay cả phụ gia thực phẩm không phải lúc nào cũng an toàn. Khí Clo là một khí độc cao cho nên kể cả theo tiêu chuẩn chung của thế giới cũng không thể khẳng định tính an toàn, và cũng không có bất cứ tiêu chuẩn giới hạn nào

Trung tâm đời sống quốc gia Nhật Bản đang lo ngại về việc nhiều công ty đã quảng cáo quá mức về tác dụng cũng như lấp liếm về tác hại của sản phẩm.

Giám đốc Hiệp hội Dược sĩ Nhật Bản Muramatsu cũng khẳng định chlodioxide là một chất có độc tính cao. Việc sử dụng các sản phẩm đeo cổ có chứa chất này thời gian dài chưa chắc diệt/giảm được virus/vi khuẩn như quảng cáo mà có thể tăng khả năng ngộ độc khí gây ảnh hưởng sức khỏe. Ông cũng khuyên KHÔNG sử dụng sản phẩm trong trường học nơi có đông học sinh.

Vậy tại sao nó được bán ở tiệm thuốc ở Nhật?

Là vì nó không được phân loại vào danh sách dược phẩm y tế, mà chỉ là sản phẩm hàng tạp hoá thông thường. Vì vậy, chúng đương nhiên có thể được mua bán tại tiệm thuốc và các siêu thị (nhấn mạnh-là mặt hàng tạp hóa). Tuy vậy, nó đã được không ít người lợi dụng để quảng cáo lừa dối.

Bạn đọc cần lưu ý: Cũng như thực phẩm chức năng, trên thị trường có hàng trăm sản phẩm tương tự như "chiếc bùa" này, chúng không hề được kiểm soát nghiêm ngặt như dược phẩm; có rất nhiều sản phẩm kém chất lượng và quảng cáo sai công dụng. Do đó, quý độc giả đừng nghĩ cứ bán ở tiệm thuốc, bán ở Nhật, sản xuất ở Nhật sẽ là hàng an toàn, chất lượng.

Nói tóm lại, thẻ ngăn virus, vi khuẩn không có tác dụng như được quảng cáo. Chúng vẫn chưa được kiểm chứng một cách khoa học nên vẫn cần lưu ý cả khía cạnh an toàn. Theo chúng tôi, những sản phẩm này có thể nguy hiểm vì làm cho người mua an tâm SAI (như kiểu có…"đeo bùa Nhật"), gián tiếp dẫn tới lơ là việc rửa tay và những việc cần làm khác để phòng dịch hiệu quả.

Các tác giả thuộc nhóm Y Học Cộng Đồng

Biên soạn: Hà Xuân Nam

Hiệu đính: Thạc sĩ Trần Thị Xuân Mai, TS.BS. Phạm Nguyên Quý

Website https://yhoccongdong.com/ là nơi tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe. Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.

Tài liệu tham khảo

1. https://www.facebook.com/464936484290538/posts/602910777159774/?d=n

2. https://www.jstage.jst.go.jp/article/jsei/32/4/32_222/_pdf

3. https://www.jmedj.co.jp/journal/paper/detail.php?id=12279

4. http://www.201807031745185287285.onamae.jp/kim/sai/pdf/nisankaensoH26.pdf?fbclid=IwAR0UJmATP_37WiclJXwUuF0TlrIvOLhJ5s0syeQvTAgn39z3NYsEYoH7BoE

5. https://www.gakkohoken.jp/column/archives/74?fbclid=IwAR2QlyP6hZymsvxyQO40Jpl5CrujBEf1nL1RiYEnwQNM0vDRtCW_8YQpVjs

6. https://matome.naver.jp/odai/2136036784215845401?fbclid=IwAR3Boe2LKsQbnJG5Yswer6bhKP6l-CDAdCjfcQBcKihgqleFHLzVcbFxqZQ

7. Báo cáo tai nạn bị bỏng hóa chất do chất khử trùng di dộng đeo ở cổ

https://www.city.asakura.lg.jp/www/contents/1361420966967/index.html?fbclid=IwAR1mdmwhtq-90fndFsHaGyz77u-4LZB9d1YMrHEYpjTX8kryiBjzJefVd-c

 Sự thật về thẻ và bút ngăn virus đồ Nhật xách tay: Là hàng tạp hóa, coi chừng nhiễm độc sinh học! - Ảnh 6.

Theo Nhóm y học cộng đồng

Cùng chuyên mục
XEM