“Sự thật” về số tiền đầu tư mà châu Âu và Mỹ rót vào Việt Nam
Số liệu thống kê về những khoản vốn đầu tư FDI lớn nhất rót vào Việt Nam không xuất hiện dòng vốn từ Mỹ hay châu Âu. Tuy nhiên, thực tế là gì?
Trong gần 3 năm nay, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra và làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác trở nên rõ nét, các chuyên gia kinh tế đều nói về cơ hội cho Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt từ Mỹ và châu Âu.
Theo số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 8 tháng đầu năm 2020, có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,54 tỷ USD, chiếm 33,5%. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,97 tỷ USD. Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,75 tỷ USD. Tiếp theo là Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan,...
Năm 2019, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,92 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hồng Kông đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 7,87 tỷ USD (trong đó, có 3,85 tỷ USD rót vào công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội – thường được nhắc đến dưới tên thương vụ "tỷ phú Thái mua Sabeco"). Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,5 tỷ USD.
Trong những con số thống kê này, không xuất hiện dòng vốn từ Mỹ hay châu Âu. Tuy nhiên, thực tế là gì?
"Phần lớn các khoản đầu tư thực chất không phải của Singapore"
Ông Kenneth Atkinson, Nhà sáng lập, Tư vấn cấp cao Hội đồng quản trị Grant Thornton Vietnam trả lời phỏng vấn báo Trí thức trẻ nói: "Tôi nghĩ rằng chúng ta cần xem xét kĩ về tỷ lệ vốn FDI thực chất từ châu Âu, Mỹ vào Việt Nam. Lý do là đầu tư từ những khu vực này thường thông qua một nước thứ ba.
Ví dụ như hiện nay, Singapore đang là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn các khoản đầu tư thực chất không phải của Singapore, mà là từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư thông qua các tổ chức trung gian hoặc thông qua các tổ chức mà họ thành lập ở Singapore.
Tôi không nhớ con số cụ thể, nhưng theo AmCham thì phần lớn tỷ lệ đầu tư từ Singapore đều từ Mỹ."
Ông Kenneth Atkinson, Nhà sáng lập, Tư vấn cấp cao Hội đồng quản trị Grant Thornton Vietnam
Ông Kenneth Atkinson cũng cho biết, tương tự đối với châu Âu thì phần lớn đầu tư vào Việt Nam từ khu vực này đều là gián tiếp hoặc thông qua nước thứ ba.
Các khu vực "thiên đường thuế" như Samoa (quốc gia nằm ở phía Tây Quần đảo Samoa, nam Thái Bình Dương) hay British Virgin Islands (lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh, nằm tại khu vực Caribe) hiện đang đứng thứ 5 và 6 trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
"Trong tương lai, các doanh nghiệp châu Âu sẽ đầu tư vào Việt Nam thông qua các khu vực này" - Ông Kenneth Atkinson đánh giá.
Mặc dù vậy, nhà tư vấn của Grant Thornton Vietnam cũng lưu ý, hầu hết các khoản đầu tư từ châu Âu đều của các công ty đa quốc gia và công ty đại chúng. Vì vậy, Việt Nam cần làm nhiều hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ những quốc gia trong khu vực này.
Việt Nam cần làm gì?
Báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài cho biết, hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục bị ảnh hưởng.
Tính chung trong 8 tháng, mặc dù vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn tăng lên, song chủ yếu là nhờ các dự án lớn đã được nộp hồ sơ và đàm phán trong một thời gian dài trước đó. Đồng thời, mức độ tăng cũng đang ngày càng giảm dần.
"Theo tôi thì Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc thu hút FDI. Một trong số đó là thủ tục. Đơn giản như quá trình đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam cũng mất rất nhiều thời gian để có được giấy phép." – Ông Kenneth Atkinson nói – "Quá trình vận hành hiện nay vẫn có tình trạng "nồi tròn vung méo", đặc biệt trong lĩnh vực thuế và hải quan".
Vị chuyên gia cho rằng Việt Nam cần phải tập trung vào những thách thức được các nhà đầu tư nước ngoài đặt ra, đảm bảo những điều này được khắc phục và rút gọn. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam cũng nhận thấy những điều này và đã thông qua các quy định. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại tình trạng chính quyền trung ương thông qua nhưng lại bị tắc nghẽn ở cấp tỉnh, hoặc cấp địa phương.
Trong bối cảnh các quốc gia khác, đặc biệt là Ấn Độ và Indonesia đang nỗ lực đưa ra các chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ông Kenneth Atkinson cho rằng, Việt Nam đang ở trong tình thế khó có thể đưa ra các gói cứu trợ mới.
"Tuy nhiên, chúng ta vẫn có khả năng đưa ra các ưu đãi. Do vậy, tôi cho rằng trong tương lai, chúng ta sẽ tiếp tục thấy những ưu đãi dành cho lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, đặc biệt là ngành công nghệ cao".
Chuyên gia vẫn khẳng định, về tổng thể Việt Nam sẽ nổi bật hơn Ấn Độ, Thái Lan, Philippines và Myanmar, đặc biệt nhờ tình hình chính trị ổn định bởi vì bất ổn chính trị sẽ là rào cản lớn đối với quyết định đầu tư của các doanh nghiệp.
"Hay như đối với Campuchia, dân số cũng như lực lượng lao động của đất nước này tương đối nhỏ so với Việt Nam. Do vậy, tôi nghĩ Việt Nam vẫn rất nổi bật và là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đồng thời là điểm đến hàng đầu đối với các doanh nghiệp muốn rút ra khỏi Trung Quốc" – Chuyên gia của Grant Thornton Vietnam kết luận.