Sự thật bất ngờ về ngôi làng ở vùng biên đáng sợ nhất thế giới

06/12/2019 08:38 AM | Xã hội

Trong nhiều thập niên, ngôi làng gồm 188 cư dân đã được hưởng nhiều đặc quyền mà ít ai ở Hàn Quốc có được.

Ở đó, đàn ông được miễn nghĩa vụ quân sự và 46 hộ gia đình hưởng chính sách miễn giảm thuế đặc biệt. Đây là phần thưởng cho họ khi xây dựng cuộc sống ở một nơi được mô tả là đáng sợ nhất trên Trái đất.

Sự thật bất ngờ về ngôi làng ở vùng biên đáng sợ nhất thế giới - Ảnh 1.

Làng Tự do Taesung


Làng Tự do Taesung hiện là nơi duy nhất trên thế giới mà dân thường Hàn Quốc sinh sống bên trong Vùng Phi quân sự được vũ trang dày đặc ngăn cách giữa hai miền Triều Tiên.

Theo báo NY Times, gần đây, dân làng còn được hưởng một "phần thưởng" khác: Nhà cung cấp điện thoại di động lớn của Hàn Quốc là KT Corp đã lắp đặt 5G – một trong những hệ thống mạng thông tin di động thế hệ mới nhất.

"Điều này mang lại tiện ích hơn cả các con của tôi đang sống ở bên ngoài", cư dân 73 tuổi tên là Go Geum-sik bày tỏ. "Bên ngoài" là cụm từ người làng sử dụng để nói về thế giới bên ngoài ranh giới hạn chế của họ.

Với dịch vụ 5G, bà Go giờ đây chỉ cần ấn nút trên một thiết bị cầm tay là có thể báo động ngay cho trưởng làng hoặc trung tâm cộng đồng nếu bà hoặc chồng bà cần chăm sóc y tế khẩn cấp.

Sự thật bất ngờ về ngôi làng ở vùng biên đáng sợ nhất thế giới - Ảnh 2.
Một binh sĩ Hàn Quốc đứng gác cạnh cột sóng 5G trên nóc một tòa nhà hồi tháng 9.

Khi Hàn Quốc tập trung xây dựng một trong những mạng lưới 5G toàn quốc đầu tiên trên thế giới, Taesung đã là cái tên đầu tiên được chú ý, nơi đất nước này có thể "khoe" sức mạnh công nghệ cao với toàn thế giới và cả người láng giềng phía bắc.

Khi cuộc chiến Triều Tiên dừng lại nhờ một thỏa thuận ngừng bắn năm 1953, Vùng Phi quân sự (DMZ) được tạo ra để ngăn tách hai đội quân chiến tranh. Hầu hết người dân đều rời khỏi vùng đệm này, biến nơi đây trở thành một trong những vùng biên giới vũ trang dày đặc nhất thế giới, với các bãi mìn, hàng rào dây thép gai bịt kín cùng những bẫy xe tăng và quân lính luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đầu ở cả hai phía. Bất kỳ nỗ lực đào tẩu hay vượt biên đều có thể gây nổ súng cả tràng dài.

Chỉ có hai ngôi làng được phép ở lại: Taesung ở nửa DMZ phía Hàn Quốc còn Làng Hòa bình Kijong ở bên DMZ phía Triều Tiên. Hai làng không được phép liên lạc với nhau dù từng là hàng xóm qua nhiều thế kỷ. Những người như Park Pil-seon, cụ già 82 tuổi ở Taesung, không có cách nào biết được người anh trai ruột ở Kijong còn sống hay đã khuất.

Sự thật bất ngờ về ngôi làng ở vùng biên đáng sợ nhất thế giới - Ảnh 3.
Làng Hòa bình Kijong của Triều Tiên.(Ảnh: AP)

Những thập niên sau chiến tranh, Taesung và Kijong trở thành điểm chính trong cuộc chiến tuyên truyền giữa hai miền, với cả hai đều được đầu tư như mô hình kiểu mẫu nhằm tôn vinh những gì tốt đẹp của hệ thống chính trị mỗi phía. Ngày nay, Kijong gần như không có người ở, với màu sơn pastel sáng loáng một thời trên các tòa chung cư giờ đang phai màu theo thời gian. Còn quyết tâm của Hàn Quốc giữ cho Taesung phát triển đông dân cũng gặp phải nhiều thách thức; người làng không được hưởng phần lớn tự do và những dịch vụ mà những người Hàn Quốc khác đương nhiên được hưởng.

Bất cứ khi nào cư dân mạo hiểm đến cánh đồng của họ gần ranh giới chung thì họ bị lính Hàn Quốc theo dõi. Họ sống với lệnh giới nghiêm từ nửa đêm đến lúc mặt trời mọc và cuộc gọi đến từng nhà điểm danh mỗi đêm.

Khi mời bạn bè từ bên ngoài DMZ tới chơi, người làng phải viết đơn xin và chờ duyệt trong 2 tuần. Mỗi khi ôtô vào đến DMZ, bản đồ điều hướng trắng trơn, và binh sĩ sẽ hộ tống tất cả các khách.

Taesung không có phòng tập thể dục, bệnh viện, siêu thị hay nhà hàng. Nếu một người gọi hàng, chốt kiểm tra quân sự cuối cùng bên ngoài DMZ là nơi tiếp cận gần nhất mà xe giao hàng có thể đến. Món ăn được để ở đó để người làng ra lấy. Xe buýt chạy 4 chuyến tới làng mỗi ngày.

"Giao thông là vấn đề đau đầu nhất, đặc biệt nếu bạn không lái xe", bà Go mô tả.

Dịch vụ 5G mới được lắp đặt để giảm bớt một số gánh nặng.

Trước khi có 5G, nông dân phải nhờ quân đội hộ tống tới một hồ chứa cách đó hơn 1km để sử dụng máy bơm. Giờ, họ có thể làm điều đó từ nhà nhờ một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Cũng với ứng dụng đó, họ còn có thể điều khiển các vòi phun nước trong các luống đậu của mình.

Sự thật bất ngờ về ngôi làng ở vùng biên đáng sợ nhất thế giới - Ảnh 4.
Người dân Taesung tập yoga qua video nhờ có mạng 5G. (Ảnh: Reuters)

Trong nhiều năm, phụ nữ muốn theo học các lớp yoga nhưng không có giáo viên nào đến dạy. Giờ đây, các bài học yoga có thể hiển thị trên màn hình lớn ở trung tâm cộng đồng.

Tại ngôi trường duy nhất trong làng, trường Tiểu học Taesung, học sinh có thể chơi các trò tương tác trực tuyến. Những tiện ích như vậy là rất quan trọng cho sự tồn tại của ngôi trường.

Cũng giống như nhiều làng mạc khác ở các vùng nông thôn Hàn Quốc, Taesung không còn nhiều cặp vợ chồng trẻ vì họ đã rời đi các thành phố lớn. Ngày nay, chỉ có 7 trong số 35 học sinh là người gốc ở Taesung, phần còn lại được xe buýt đưa đến mỗi ngày từ Munsan, thị trấn gần nhất bên ngoài DMZ.

Ở trường, học sinh được chăm sóc rất tốt vì có tới 21 giáo viên và nhân sự.

"Ở đây, bạn hưởng hưởng nhiều thứ hơn so với các trường bên ngoài. Khi chúng tôi thực hiện một chuyến đi dã ngoại, chúng tôi không phải trả bất kỳ khoản phí nào vì chính phủ lo toàn bộ", một học sinh tên là Heo Ye-rin cho biết.

Sự thật bất ngờ về ngôi làng ở vùng biên đáng sợ nhất thế giới - Ảnh 5.
Trẻ em chơi game thực tế ảo nhờ công nghệ 5G hỗ trợ ở trường tiểu học Taesung. (Ảnh: Reuters)

Một sĩ quan quân đội Mỹ thuộc Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc (UNC) đóng quân tại đây đã mở một lớp học tiếng Anh miễn phí 2 buổi một tuần. "Chúng tôi hy vọng khi trẻ em lớn lên, chúng sẽ có kỷ niệm đẹp về những người lính UNC", trung tá Sean Morrow bày tỏ.

Taesung ngày nay có bề ngoài giống như bao ngôi làng khác ở Hàn Quốc, với những cánh đồng lúa vàng óng trải rộng giữa nắng thu. Nhưng ẩn chứa trong vẻ ngoài đẹp đẽ đó là một cuộc sống mà nhất cử nhất động đều bị lính Triều Tiên theo dõi sát sao. Người dân thường phải "ngồi ở ghế nhân chứng" mỗi lần hai bên biên giới căng thẳng, thậm chí phải sơ tán tới những hầm trú ẩn dưới lòng đất.

Theo Thanh Hảo

Cùng chuyên mục
XEM