Sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon SVB khiến các công ty khởi nghiệp hỗn loạn như thế nào?

14/03/2023 09:48 AM | Kinh doanh

Các công ty khởi nghiệp đua nhau rút tiền từ ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), vốn là trung tâm của ngành công nghiệp khởi nghiệp. Một số nói rằng họ không thể trả lương.

Sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon SVB khiến các công ty khởi nghiệp hỗn loạn như thế nào? - Ảnh 1.

Trụ sở của Ngân hàng Thung lũng Silicon hôm thứ 6 vừa qua, vốn là đối tác tài chính cho các công ty khởi nghiệp và Quỹ đầu tư mạo hiểm. (Ảnh: The New York Times).

Ashley Tyrner đã mở tài khoản cho công ty FarmboxRx của cô ấy tại SVB hai năm trước. Cô đang bắt đầu huy động vốn đầu tư mạo hiểm và biết rằng ngân hàng là nơi phù hợp nhất.

Vào hôm thứ Năm, sau khi đọc được tin tức về sự bất ổn tài chính tại ngân hàng này, cô đã vội chuyển tiền của FarmboxRx vào hai tài khoản ngân hàng khác. Nhưng lệnh chuyển khoản của cô ấy không thành công. Và vào hôm thứ Sáu, SVB tuyên bố phá sản, số tiền mặt tổng cộng tám con số của công ty của cô ấy "bị giam" lại.

Tyrner nói: "Phía ngân hàng không thông báo cho tôi. Đó là 24 giờ tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi."

Sự tuyệt vọng của Tyrner là một phần của sự sụp đổ trong hệ sinh thái khởi nghiệp từ sau khi SVB sụp đổ.

Các doanh nhân đang đua nhau vay tiền để trả lương vì tiền của họ đã bị phong tỏa tại ngân hàng SVB. Dòng người xếp hàng dài bên ngoài các chi nhánh của ngân hàng nghe ngóng thông tin. Nhiều người dán mắt vào Twitter, nơi cập nhật liên tục diễn biến về sự sụp đổ của một đối tác tài chính then chốt.

Vụ việc đã làm rung chuyển ngành công nghệ, vốn đã bị tổn thương bởi lãi suất tăng và suy thoái kinh tế trong năm qua. Nguồn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp đã bị thu hẹp lại, dẫn đến nhiều đợt sa thải nhân sự hàng loạt, cắt giảm chi phí và giảm định giá doanh nghiệp. Theo PitchBook, Đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở Mỹ đã giảm 31% trong năm ngoái xuống còn 238 tỷ USD.

Trên hết, sự sụp đổ của SVB đặc biệt đáng lo ngại vì ngân hàng này tự mô tả là "đối tác tài chính của nền kinh tế đổi mới". Theo trang web của ngân hàng, được thành lập vào năm 1983 và có trụ sở tại Santa Clara, California, đã tham gia sâu vào hệ sinh thái công nghệ, cung cấp dịch vụ ngân hàng cho gần một nửa số công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon.

SVB cũng là đối tác của hơn 2.500 công ty đầu tư mạo hiểm, bao gồm Lightspeed, Bain Capital và Insight Partners. Ngân hàng này quản lý tài sản cá nhân của nhiều giám đốc điều hành công ty công nghệ và là nhà tài trợ tích cực cho các hội nghị, các bữa tiệc, và giới báo chí ở Thung lũng Silicon.

Matt Ocko, một nhà đầu tư tại công ty đầu tư mạo hiểm DCVC, cho biết ngân hàng này là một tổ chức tài chính quan trọng trong hệ thống với các dịch vụ tạo điều kiện rất lớn cho các công ty khởi nghiệp.

Vào thứ Sáu, Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Hoa Kỳ đã nắm quyền kiểm soát 175 tỷ đô la tiền gửi của khách hàng tại SVB. Các khoản tiền gửi đến 250.000 đô la đã được công ty bảo hiểm chi trả. Ngoài ra, khách hàng không nhận thêm bất kì thông tin nào về thời điểm họ sẽ được truy cập lại vào tài khoản của mình.

Điều đó khiến nhiều khách hàng của ngân hàng rơi vào tình thế khó khăn. Vào hôm thứ Sáu, Roku, một công ty truyền hình trực tuyến, cho biết rằng khoảng 487 triệu đô la trong tổng số 1,9 tỷ đô la tiền mặt của họ được nằm trong ngân hàng SVB. Roku cho biết, các khoản tiền gửi phần lớn không được bảo hiểm và họ không biết đến khi nào có thể nhận lại chúng.

Josh Butler, giám đốc điều hành của CompScience, cho biết ông không thể rút tiền của công ty mình ra khỏi ngân hàng vào thứ Năm và trước khi ngân hàng sụp đổ vào thứ Sáu.

Ông Butler nói: "Tất cả mọi người từ các nhà đầu tư, nhân viên cho đến mẹ của tôi đều đang hỏi chuyện gì đang xảy ra. Câu hỏi lớn hơn là sau bao lâu nữa chúng tôi có thể nhận lại tiền của mình, và nếu có thì bao nhiêu?”.

CompScience đang tạm dừng chi tiêu cho hoạt động tiếp thị, bán hàng và tuyển dụng cho đến khi giải quyết xong những mối quan tâm cấp bách hơn, chẳng hạn như trả lương nhân viên. Ông Butler cho biết, ông đã chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng lớn, với sự u ám đang bao trùm ngành công nghiệp này.

Camp, một công ty khởi nghiệp bán quà tặng và trải nghiệm cho trẻ em, đã đăng thông báo trên trang web của mình vào thứ Sáu với nội dung: "NGÂN HÀNG CỦA CHÚNG TÔI VỪA PHÁ SẢN - MỌI THỨ ĐANG ĐƯỢC BÁN ĐỂ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ!".

Sheel Mohnot, một nhà đầu tư tại Better Tomorrow Ventures, cho biết công ty liên doanh của ông đã khuyên các công ty mới thành lập vào thứ Năm nên chuyển tiền vào Kho bạc và mở các tài khoản ngân hàng khác.

Ông nói: "Một khi cuộc tháo chạy ngân hàng đã bắt đầu, thật khó để dừng lại".

Ông nói thêm, một số công ty khởi nghiệp trong danh mục đầu tư của ông đã không chuyển tiền của họ ra khỏi SVB, còn một số công ty khác thì không thể hành động kịp thời trước khi SVB phá sản. Bây giờ mối quan tâm lớn nhất của họ là trả lương, tiếp theo là tìm cách thanh toán các hóa đơn.

Haseeb Qureshi, một nhà đầu tư tại Dragonfly, một công ty đầu tư mạo hiểm tập trung vào tiền điện tử, cho biết công ty của ông đang tư vấn cho một số công ty khởi nghiệp có tiền gửi tại SVB.

"Điều đầu tiên bạn nghĩ đến là sự sống còn. Đó là một khoảnh khắc đau khổ đối với rất nhiều người."

Các công ty khởi nghiệp phi công nghệ cũng đang vật lộn với sự sụp đổ của SVB. Vox Media, nhà xuất bản Tạp chí New York và The Verge, có lượng tiền mặt tập trung đáng kể tại SVB cho biết, thẻ tín dụng của công ty do SVB phát hành đã ngừng hoạt động vào thứ Sáu.

Một người thạo tin về hoạt động của Vox Media cho biết công ty không muốn bất kỳ sự gián đoạn nào đối với hoạt động kinh doanh của mình, bao gồm cả việc trả lương. Penske Media, cổ đông lớn nhất của Vox Media, cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ nếu công ty cần thêm vốn.

Các công ty khởi nghiệp khác được hưởng lợi từ sự sụp đổ của ngân hàng. Vào chiều thứ Sáu, Brex, nhà cung cấp dịch vụ tài chính cho các công ty khởi nghiệp, đã tiết lộ một hạn mức tín dụng khẩn cấp cho những khách hàng mới chuyển sang từ SVB. Dịch vụ này nhằm mục đích giúp đỡ những công ty khởi nghiệp đó trang trải các chi phí.

Chỉ tính riêng buổi sáng ngày thứ Năm, Brex đã nhận được hàng tỷ đô la tiền gửi từ hàng nghìn công ty. Nhưng đến chiều thứ Năm, các khoản tiền gửi đến Brex bị chậm lại, khi các công ty thông báo rằng ngân hàng điện tử của SVB đã bị đóng băng và khách hàng không thể truy cập vào tài khoản của họ nữa.

Sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon SVB khiến các công ty khởi nghiệp hỗn loạn như thế nào? - Ảnh 2.

Một người đàn ông đang cố gắng vào chi nhánh Ngân hàng Thung lũng Silicon ở Manhattan vào hôm thứ Sáu vừa qua.

Ông Ocko của DCVC cho biết, nhiều công ty đầu tư mạo hiểm cũng đã sử dụng hạn mức tín dụng của SVB để phát triển doanh nghiệp nhanh hơn. Nhưng bây giờ không thể sử dụng những khoản tín dụng đó nữa.

Ông Ocko nói thêm rằng ông không biết trước sự sụp đổ của ngân hàng SVB nhưng ông cũng đã có những lo ngại trong bối cảnh suy thoái kinh tế và những khó khăn của các công ty công nghệ từ năm 2022.

Để ngăn chặn mối nguy hại từ sự sụp đổ của SVB, một số quỹ đầu tư mạo hiểm đã thông báo trấn an những người góp vốn vào Quỹ. Sydecar, một dịch vụ hỗ trợ giao dịch đầu tư mạo hiểm, đã chia sẻ danh sách các ngân hàng mà họ sử dụng không bị ảnh hưởng. Còn Origin Ventures hứa sẽ giúp các công ty lập kế hoạch dự phòng cho vốn lưu động.

Một nhóm nhỏ khách hàng đến chi nhánh của SVB ở Menlo Park, California, vào chiều thứ Sáu và phát hiện ra rằng nó đã bị đóng cửa. Một số đọc thông báo của FDIC, được dán ở lối vào, cho biết nơi này đang bị cơ quan chức năng kiểm soát.

Tham khảo: New York Times

Chiêu Bao Công

Cùng chuyên mục
XEM