Sự sụp đổ của “đế chế” SEGA: Mải mê tấn công đối thủ, đến lúc nhìn lại thì tự mình đã đào hố chôn mình với khoản lỗ khổng lồ

26/07/2019 09:26 AM | Kinh doanh

Với Sonic, Mortal Kombat, Bomberman … đế chế SEGA một thời thống lĩnh thị trường máy chơi game, khiến đối thủ Nintendo lao đao, chiếm trọn cả thị trường phương Tây. Nhưng sau một vài quyết định sai lầm, SEGA bỗng chốc sụp đổ.

Bước lỡ chân những năm 80s

Bắt đầu bằng bộ máy chơi game tân tiến và vượt mặt toàn bộ đối thủ trên thị trường, vào năm 1985, SEGA tung ra hệ thống Master System (Mark III) tại Mỹ nhằm chiếm lấy thị phần mà Nintendo Famicom đang nắm giữ.

Sự sụp đổ của “đế chế” SEGA: Mải mê tấn công đối thủ, đến lúc nhìn lại thì tự mình đã đào hố chôn mình với khoản lỗ khổng lồ - Ảnh 1.

Nintendo Famicom vs. SEGA Master System

Được đầu tư bài bản, xét về cấu hình, SEGA "ăn đứt" đối thủ về mọi mặt, đồ họa đẹp mắt hơn, âm thanh đầu ra tốt hơn, các cổng kết nối cũng hiện đại và phù hợp hơn.

Có thể nói, Mark III là phiên bản cải tiến của Nintendo Famicom.

Tuy nhiên, "sản phẩm hoàn hảo" này chỉ có doanh thu bằng 1/5 so với đối thủ, chỉ vì chiến thuật Marketing quá cao tay của Nintendo.

Thay vì chạy đua giảm giá, Nintendo quyết định tạo ra sự khác biệt khi cung cấp sẵn Mario và Duck Hunt trong mỗi bộ máy bán ra.

Nintendo cũng công bố "nhãn dán chất lượng" trên mỗi sản phẩm, không những thế, Famicom còn được bán kèm Teddy Ruxpin, một sản phẩm rất chạy trên thị trường, tạo ra một combo không thể cưỡng lại cho các bậc cha mẹ.


Đòn tấn công của Genesis

Sự sụp đổ của “đế chế” SEGA: Mải mê tấn công đối thủ, đến lúc nhìn lại thì tự mình đã đào hố chôn mình với khoản lỗ khổng lồ - Ảnh 2.

Đến năm 1988, SEGA tuyên chiến với Nintendo bằng hệ thống Genesis, ngay từ thiết kế, dòng chữ "16-BIT" mạ vàng như một lời thách thức các sản phẩm của Nintendo với hình ảnh 8-BIT.

Trong giai đoạn mà trò chơi điện tử được xem là "trò trẻ con", Genesis chủ động nhắm vào phân khúc thanh thiếu niên và người trẻ tuổi, hạn chế thị trường của đối thủ.

Về phần trò chơi, SEGA đầu tư mạnh vào mảng thể thao, nổi tiếng nhất là series Madden và Spider Man.

Rút kinh nghiệm lần thua trước, SEGA tập trung vào marketing một cách mạnh mẽ, thậm chí chạy một loạt đoạn quảng cáo chỉ trích Nintendo, khiến các sản phẩm được cải tiến của đối thủ rất khó thuyết phục định kiến của người dùng.

SEGA cũng đầu tư mạnh vào trò chơi đi kèm, tiêu biểu là hình tượng nhân vật Sonic của Yuji Naka, tự tin cạnh tranh với "đàn anh" Mario của Nintendo.

Dồn toàn tâm toàn lực để "kết liễu" Nintendo, Genesis trở thành một trong những sản phẩm bán chạy nhất của SEGA với 29 triệu bộ được bán ra. Đến năm 1992, SEGA chiếm trọn 60% thị trường Bắc Mỹ, đánh bật Nintendo ra khỏi vị trí số 1.


"Thế chiến" trò chơi

Sự sụp đổ của “đế chế” SEGA: Mải mê tấn công đối thủ, đến lúc nhìn lại thì tự mình đã đào hố chôn mình với khoản lỗ khổng lồ - Ảnh 3.

Đầu những năm 1990 đánh dấu giai đoạn "khốc liệt" nhất trong lịch sử máy chơi game, đĩa quang học được sử dụng rộng rãi, thiết kế 3D xuất hiện, tay cầm trở thành tiêu chuẩn và sự ra đời của PlayStation.

Thay vì đưa ra một dòng sản phẩm mới, SEGA lại tung ra loạt "phụ kiện" để cải thiện hiệu năng của các dòng máy trước, với mục tiêu tiếp tục "hạ bệ" Nintendo. Thế nhưng, đầu đọc dĩa quang học Mega-CD lại có chất lượng dở tệ, và 32X – phụ kiện nâng cấp Genesis từ 16-BIT lên 32-BIT cũng không được đánh giá cao, vì các đối thủ trên thị trường đã vươn tới định dạng 64-BIT.

Nhận ra sai lầm của mình, SEGA chuyển sang đầu tư phát triển "SEGA Saturn" từ năm 1992 và công bố sẽ mở bán sản phẩm vào tháng 9 năm 1995.

Nhưng trái với dự đoán của mọi người, SEGA lại tự ý tung ra sản phẩm của mình trước 4 tháng so với dự kiến, khiến cả đối tác bán lẻ và các nhà phát triển game không kịp trở tay.

CEO Tom Kalinske cho rằng đây là sẽ một chiến thuật khiến Saturn đi trước và chiếm ưu thế trước PlayStation. Một lần nữa, SEGA hành động nhằm mục đích "đè bẹp" đối thủ.

Mải mê lên kế hoạch tấn công mà quên củng cố "hậu phương", nhiều cửa hàng game thậm chí không hề biết có sự tồn tại của SEGA Saturn, và sản phẩm ra đời cũng không có nhiều game đi kèm khi các nhà phát triển còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Quá tự tin với bước đi mạo hiểm của mình, SEGA bán Saturn với mức giá "cao chót vót" 399 USD. Chiến thuật này lập tức bị PlayStation "phản đòn" khi tung ra sản phẩm mới sau đó với mức giá 299 USD.

Khởi đầu trước và chỉ bán được hơn 9 triệu sản phẩm trong suốt một năm, Saturn ngay lập tức bị Nintendo 64 "đè bẹp", và sau đó PlayStation lại vươn lên bỏ mặt doanh số suốt 5 tháng của SEGA chỉ trong vòng 2 ngày, khiến thất bại của SEGA càng thêm cay đắng.

Với tổng doanh số toàn cầu chưa đến 10 triệu máy (so với 100 triệu máy của Playstation), SEGA buộc phải sa thải 25% nhân lực để tiếp tục tồn tại.


Canh bạc cuối cùng

Sự sụp đổ của “đế chế” SEGA: Mải mê tấn công đối thủ, đến lúc nhìn lại thì tự mình đã đào hố chôn mình với khoản lỗ khổng lồ - Ảnh 4.

Như tên gọi của nó, Dreamcast gánh trọn "giấc mơ" trở lại ngôi vương của SEGA với tất cả công nghệ tân tiến nhất vào giai đoạn cuối những năm 1990.

Rút kinh nghiệm từ thất bại của Saturn, SEGA đã cẩn thận bắt tay với các đối tác thứ 3 để tạo một sản phẩm hoàn hảo.

Ngoài trò chơi 2K Sports từ hãng EA, Dreamcast còn sở hữu một loạt tựa game khác như Phantasy Star Online, Shenmue, Space Channel 5, Jet Set Radio, Samba de Amigo … SEGA dường như muốn cho cả thế giới thấy họ có thể làm được gì, nhưng tiếc rằng như thế vẫn chưa đủ.

Dreamcast có một khởi đầu không đến nỗi tệ, bán được 1,5 triệu sản phẩm trong vài tháng sau khi ra mắt, nhưng SEGA dường như đã đổ hết tiền vào "canh bạc" cuối cùng này, khi quỹ marketing cạn kiệt, doanh thu Dreamcast ngay lập tức lao dốc vào đầu năm 2000, khiến SEGA thất thoát hơn 164 triệu USD chỉ trong vòng 6 tháng.

Mọi chuyện còn trở nên tồi tệ hơn khi "sát thủ" Playstation 2 của Sony manh nha xuất hiện trên thị trường với tựa game "bom tấn" Toy Story. SEGA tung hết những quân bài còn lại, giảm giá mạnh sản phẩm chỉ mới ra mắt, "biếu không" máy nếu người dùng đăng ký mạng SegaNet (một thảm họa về công nghệ).

Nhưng tất cả đã không cứu được vị vua một thời của làng game, đến tháng 2 năm 2001, SEGA tuyên bố rút khỏi mảng thiết bị trò chơi, khai tử Dreamcast chỉ sau 18 tháng ra mắt sau khi đổ hơn 1 tỷ USD cho giấc mơ khôi phục ngôi vương.


Cái chết của một huyền thoại

Sự sụp đổ của “đế chế” SEGA: Mải mê tấn công đối thủ, đến lúc nhìn lại thì tự mình đã đào hố chôn mình với khoản lỗ khổng lồ - Ảnh 5.

SEGA thoi thóp trên bờ vực phá sản vào cuối năm 2001 với số nợ trong năm tài chính trước là 400 triệu USD, đẩy tổng nợ lên hơn 1,5 tỷ USD. Tình hình tệ đến mức cựu chủ tịch Isao Okawa phải chi hơn 700 triệu USD nhằm cứu lấy đứa con tinh thần của mình chỉ vài tháng trước khi ông qua đời.

Nhiều chuyên gia đồn đoán rằng SEGA sẽ sớm bị hai đối thủ Nintendo và Microsoft mua lại, nhưng tiếc rằng các bên không hề tìm được tiếng nói chung, khiến huyền thoại một thời được sáp nhập với Sammy - tập đoàn sản xuất máy chơi bạc Pachinko.

Sau khi sáp nhập, nhiều nhân vật nổi tiếng như Yuji Naka (cha đẻ của Sonic) và Yu Suzuki (người dẫn đầu các dự án đồ họa) lần lượt ra đi. SEGA gần như không muốn lập lại lịch sử đau thương khi từ bỏ hoàn toàn thị trường máy chơi game, chỉ tập trung chủ yếu vào sản xuất game cho khu vui chơi, điện thoại thông minh và PC cho đến ngày nay.

Thanh Sang

Cùng chuyên mục
XEM