Sự nổi lên của phong cách ‘Japandi’

23/11/2019 16:32 PM | Xã hội

Đơn giản và hài hòa, đó là những tính từ để miêu tả ‘Japandi’, sự kết hợp giữa thiết kế mang phong cách Nhật Bản (Japansese) và Bắc Âu (Scandinavian), hiện đang là xu hướng được ưa chuộng ở nhiều nơi trên thế giới. Vậy đâu là những yếu tố tương đồng giữa hai phong cách thiết kế này?

Nhật Bản và Bắc Âu có thể cách nhau tới 8.000 km, nhưng phong cách của hai địa điểm này lại có rất nhiều điểm chung, ít nhất là về mặt thiết kế. Cả hai đều coi trọng sự đơn giản và chức năng của đồ vật, tình yêu dành cho vật liệu tự nhiên, và sự tôn trọng sâu sắc đối với nghề thủ công.

Trong thời gian gần đây, các thuộc tính chung giữa hai phong cách thiết kế đã được kết hợp trong ‘Japandi’ hay phong cách ‘tối giản Nhật Bản’ – trong đó, đồ đạc, bộ đồ ăn và nội thất có đường nét đơn giản, tông màu trung tính và kết cấu tự nhiên.

Tương đồng về gu thẩm mỹ và sự tôn trọng dành cho nghề thủ công

Sự nổi lên của phong cách ‘Japandi’ - Ảnh 1.

Kris Manalo, người làm nệm ghế lâu năm tại cửa hàng thiết kế Heal’s, định nghĩa ‘Japandi’ là: “Những khía cạnh của khái niệm ‘hygge’ của người Bắc Âu (thuật ngữ chỉ cảm giác hạnh phúc từ những điều giản dị) và ‘wabi-sabi’ của Nhật Bản (thuật ngữ chỉ vẻ đẹp của những thứ không hoàn hảo) đã hòa hợp để tạo ra bầu không khí thoải mái.”

Japandi phù hợp với lối sống hiện đại bận rộn, bởi nội thất theo phong cách này tạo ra không gian sống đơn giản, bình tĩnh nơi chủ sở hữu có thể thực sự thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng.

Đối với nhiều nhà thiết kế, phong cách này tập trung vào tính thẩm mỹ tương đồng và các kỹ năng thủ công. Nhật Bản và Bắc Âu đánh giá cao những sản phẩm được làm thủ công, được tạo thành từ tâm của nghệ nhân và được sản xuất để phục vụ trong thời gian dài.

Theo nhà thiết kế nội thất Đan Mạch Nina Tolstrup, thực sự có một mối liên hệ giữa Nhật Bản và Bắc Âu. Cô lần theo mối liên hệ này và quay trở về những năm 1950s để thấy được sự tương đồng giữa các đồ vật hiện đại cổ điển của Bắc Âu với sản phẩm của các nhà thiết kế Nhật Bản trong nhiều sản phẩm như chiếc ghế tre của nhà điêu khắc và thiết kế người Mỹ gốc Nhật Isamu Noguchi và nhà thiết kế công nghiệp Isamu Kenmochi.

Sự nổi lên của phong cách ‘Japandi’ - Ảnh 2.

Nhà thiết kế người Đan Mạch Lars Vejen, người lần đầu đến thăm Nhật Bản vào năm 1995, cũng tin rằng tập trung vào kỹ năng thủ công là yếu tố quan trọng nhất. Anh cho biết: “Nhật Bản vẫn có những kỹ năng thủ công tuyệt vời nhất, được bảo tồn tốt nhất và vẫn tôn vinh truyền thống. Họ cầu toàn trong nhiều khía cạnh. Khi tôi đưa thiết kế của tôi cho một khách hàng Nhật Bản, có một sự tương thích hoàn hảo giữa ý tưởng đơn giản về hình thức và chất lượng của nghề thủ công.”

Vejen đã thành lập studioA27, hợp tác cùng nhà thiết kế người Nhật Taijiro Ishiko. Sự kết hợp đầu tiên của họ là Float, một chiếc ghế ở bàn ăn cho thương hiệu Motarasu của Đan Mạch. Khung ống thép của đơn giản của nó đỡ chỗ ngồi và tựa lưng được làm bằng gỗ có vân thẳng hoặc trơn, sự kết hợp giữa phong cách truyền thống của vùng Bắc Âu và Nhật Bản.

Tình yêu với thiên nhiên

Sự nổi lên của phong cách ‘Japandi’ - Ảnh 3.

Bên cạnh nghề thủ công và thẩm mỹ, có lẽ tình yêu với thiên nhiên cũng là điểm chung giữa Nhật Bản và Bắc Âu. Kato Saeko, người phụ trách của The Shop tại trung tâm văn hóa Japan House, London, cho biết: “Tôi cảm thấy cả hai nền văn hóa đều đã phát triển trong những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt mà con người không thể kiểm soát. Tôi thấy rằng điểm chung của chúng tôi là cách sống thoải mái với thiên nhiên.”

Saeko cũng nói tới tông màu: “Một chút xanh xám hoặc xanh lá, khi kết hợp với gỗ tạo ra sự tinh tế cùng với cảm giác điềm tĩnh và ấm áp.” Tông màu này cũng xuất hiện trong bộ đồ ăn được thiết kế bởi Broste Copenhagen.

Liều thuốc chống lại văn hóa lãng phí

Sự nổi lên của phong cách ‘Japandi’ - Ảnh 4.

Trong khi nền văn hóa lãng phí thời hiện đại đang xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, một số sản phẩm của Nhật Bản vẫn có thể được sửa chữa. Vejen cho biết: “Vấn đề lớn của hầu hết ngành sản xuất hiện này là bạn không thể sửa chữa. Nhưng truyền thông ở Nhật Bản là (bạn có thể) tháo rời và thay thế bộ phận bị hỏng.”

Saeko tin rằng sự phổ biến hiện tại của Japandi có thể giúp một phận người tiêu dùng xem xét lại vai trò của họ trong nhiệm vụ bảo vệ hành tinh: “Tôi nghĩ rằng nó đã trở nên phổ biến hơn vì sự quan tâm đến các vấn đề môi trường đã tăng lên trên toàn thế giới. Mọi người muốn làm cho cuộc sống hàng ngày trở nên đơn giản và bền vững.”

Nhà thiết kế Jonah Takagi, có mẹ là người Nhật Bản và được sinh ra ở Tokyo, cũng nhận ra sự hấp dẫn tới từ tính bền vững mà Japandi mang lại: “Tôi đã chứng kiến một xu hướng chung tiến tới thiết kế nhanh, cẩu thả và gần như chỉ sử dụng một lần. Tôi tin rằng xu hướng Japandi theo một cách nào đó có thể là một phản ứng triết học đối với tình trạng tiêu thụ tràn lan các mặt hàng được sản xuất một cách rẻ tiền và thiết kế tệ.”

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM