Sự khốc liệt sau ánh hào quang cuộc đua giành thị phần môi giới tại các công ty chứng khoán

27/01/2022 08:42 AM | Kinh doanh

Việc có thể "xưng vương" trong cuộc chiến giành thị phần môi giới cũng đồng nghĩa với việc nhiều công ty chứng khoán phải bỏ ra nhiều chi phí để thu hút khách hàng. Điều này khiến hiệu quả môi giới tại một số công ty không mấy tích cực, biên lãi gộp chỉ "mỏng như tờ giấy", thậm chí còn thua lỗ.

Cập nhật từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), thị phần giao dịch môi giới quý 4/2021 ghi nhận quý thứ 4 liên tiếp VPS giữ vững vị trí số 1 về thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm với 17,12%; theo sau là SSI (10,28%), VNDIRECT (7,67%), HSC (5,66%), TCBS (5,28%), Mirae Asset (4,74%).

Toàn bộ cái tên kể trên cũng đều nằm trong danh sách những công ty chứng khoán dẫn đầu về chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế trong quý 4 và cả năm 2021. Trong đó, TCBS, SSI, VNDIRECT, HSC cộng thêm hai công ty là VCSC và SHS hơn là đều đạt mức lợi nhuận nghìn tỷ tính trong một năm, mức cao kỷ lục trong lịch sử.

 Sự khốc liệt sau ánh hào quang cuộc đua giành thị phần môi giới tại các công ty chứng khoán  - Ảnh 1.

Đặc biệt, thanh khoản thị trường chứng khoán năm 2021 tăng cao đột biến, chủ yếu đến từ sự gia nhập ồ ạt của lực lượng nhà đầu tư cá nhân mới, qua đó giúp mảng môi giới của các công ty báo lãi tăng trưởng đáng kể từ việc thu phí các dịch vụ môi giới. Tính riêng tại mảng kinh doanh này, doanh thu top 10 CTCK có thị phần môi giới trong năm 2021 đã tăng vượt bậc so với con số của năm trước đó.

Cụ thể, VPS vượt mặt các tên tuổi lớn ngành chứng khoán về doanh thu môi giới, con số trong năm 2021 đạt 3.135 tỷ đồng, gấp tới 5 lần thực hiện trong năm trước. Sau quý 1/2021 còn có sự cạnh tranh với "ông lớn" SSI hay VNDIRECT, những quý sau đó đến nay, doanh thu từ mảng môi giới VPS đã dần bỏ xa các đối thủ khác, thậm chí "gấp bằng lần" những cái tên phía sau.

Tại các công ty khác, doanh thu môi giới của SSI đạt 2.522 tỷ đồng; VND đạt 1.616 tỷ đồng; HSC ghi nhận 1.390 tỷ đồng, MBS đạt 932 tỷ đồng, TCBS đạt 924 tỷ đồng...

Tổng cộng, trong 2021, top 10 công ty chứng khoán thị phần môi giới lớn nhất HoSE đã ghi nhận doanh thu 13.308 tỷ đồng, lợi nhuận môi giới đạt 4.816 tỷ đồng từ, tăng hơn 4 lần so với năm 2020. So với tổng lợi nhuận trước thuế của 10 công ty này là hơn 18.834 tỷ đồng, phần lãi gộp môi giới đóng góp 26%.

 Sự khốc liệt sau ánh hào quang cuộc đua giành thị phần môi giới tại các công ty chứng khoán  - Ảnh 2.

Tuy nhiên, nhìn vào hiệu quả mảng môi giới của các công ty chứng khoán sẽ dễ dàng nhận ra những gam màu khác biệt khi thị phần không đồng thuận với khoản lợi nhuận gộp mà mảng này mang lại cho các công ty.

Để chiếm được lượng thị phần đứng đầu, biên lợi nhuận mảng môi giới của VPS chỉ đạt 21%, tương ứng 10 đồng thu về từ môi giới thì chỉ có 2,1 đồng lợi nhuận, đồng nghĩa mức chi phí bỏ ra là rất lớn.

Thậm chí, việc miễn phí hoàn toàn các chi phí môi giới nhằm "chèo kéo" khách hàng còn khiến một công ty chứng khoán là Pinetree ghi nhận lỗ trong mảng này. Theo đó, doanh thu môi giới năm 2021 của Pinetree đạt hơn 35 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí bỏ ra xấp xỉ 72 tỷ đồng, tương ứng lỗ từ hoạt động môi giới lên tới 37 tỷ đồng.

Tại chứng khoán Mirae Asset hay KIS, biên lãi môi giới cũng khá mỏng, lần lượt là 11% và 7%. Tỷ lệ này ở VCSC và MBS cũng chỉ dao động trong khoảng 30%, tương ứng 10 đồng doanh thu có tới 7 đồng chi phí phải chi ra và chỉ lãi hơn 3 đồng.

 Sự khốc liệt sau ánh hào quang cuộc đua giành thị phần môi giới tại các công ty chứng khoán  - Ảnh 3.

Trong khi đó, bộ ba SSI, VND và HSC ghi nhận khả quan hơn về chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trong mảng môi giới, lần lượt biên lợi nhuận đạt 41%, 45% và 45% trên tổng doanh thu ghi nhận.

Đặc biệt, TCBS ghi nhận biên lợi nhuận cao ấn tượng, lên tới 82% tương ứng 10 đồng doanh thu có tới 8,2 đồng lãi thực nhận. Công ty hoạt động theo mô hình không có nhân viên môi giới và vì thế có thể cắt giảm tối đa các chi phí trung gian. Ngoài ra, đây cũng là công ty ghi nhận mức tổng lợi nhuận trước thuế cả năm 2021 cao nhất toàn hệ thống với 3.810 tỷ đồng. Đặc thù của TCBS tập trung kinh doanh cốt lõi vào mảng sản phẩm đầu tư, cụ thể là trái phiếu, hiện đã 6 năm liên tiếp TCBS giữ vững vị trí quán quân trên bảng xếp hạng mảng này tại HoSE. Gần đây, TCB đang dần cho thấy dấu hiệu rõ ràng hơn, nhập cuộc mạnh mẽ để tranh giành thị phần môi giới cổ phiếu.

Mô hình hoạt động của công ty chứng khoán tại Việt Nam thông thường có ba nguồn thu chính gồm lãi cho vay margin, dịch vụ môi giới và hoạt động tự doanh. Trong đó, mảng kinh doanh môi giới đang ngày càng tăng trưởng theo sự thăng hoa của thị trường. Đối với VPS, việc phải "nuôi" một đội ngũ môi giới khổng lồ với hoa hồng cao, đồng thời là chính sách miễn phí với sản phẩm phái sinh – tuy bề nổi là giúp VPS có thể giành thị phần nhanh chóng từ các công ty chứng khoán khác - nhưng phần chìm chính là việc bào mòn khoản lãi gộp thực nhận. Trong khi đó, những công ty lớn hơn như SSI, HSC hay VCSC thì lại theo xu hướng đảm bảo hài hòa lợi ích của cổ đông, không hy sinh quá nhiều lợi nhuận để giành thị phần khách hàng.


Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM