Sự hiện diện "bất ngờ" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở lễ ký kết EVFTA - dấu mốc mới cho hành trình gần một thập kỷ

30/06/2019 19:50 PM | Kinh doanh

Chiều 30/6, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã chính thức được ký kết tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam sau gần 10 năm thương lượng, đàm phán. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người đang có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, cũng đã có mặt tại lễ ký kết.

Gần 1 giờ trước khi lễ ký kết diễn ra như thông báo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến phòng ký kết một trong nhưng FTA toàn diện, chất lượng cao nhất của Việt Nam trong thời gian gần đây. Lễ ký kết chính thức diễn ra vào lúc 16h ngày 30/6 tại thủ đô Hà Nội.

Theo lịch trình được công bố trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản từ ngày 27/6-1/7 theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

EVFTA được coi là một trong những hiệp định thương mại tự do toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả phía Việt Nam và EU. Bên cạnh các lợi ích chung, EVFTA còn tạo những cơ hội lớn, tạo ra thời cơ cho phát triển, tạo ra những động lực mới nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu và tăng cường hội nhập quốc tế.

 Sự hiện diện bất ngờ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở lễ ký kết EVFTA - dấu mốc mới cho hành trình gần một thập kỷ  - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có mặt tại phòng ký kết từ rất sớm. Ảnh: Tiến Tuấn

Theo các tính toán, sau khi EVFTA được Nghị viện châu Âu thông qua, trong một vài năm tới, xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng 20% khi hàng rào thuế quan giảm đi và một thị trường rộng lớn được mở ra. Tới năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng tới 40%. Đóng góp của FTA này cho GDP Việt Nam trong giai đoạn 2019-2023 là 2-3%.

Việc hiệp định được ký kết là dấu mốc quan trọng trong gần 1 thập kỷ đàm phán EVFTA. Hành trình này bắt đầu từ tháng 10/2010, khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA. Quá trình đàm phán được chính thức hóa từ 6/2012.

 Sự hiện diện bất ngờ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở lễ ký kết EVFTA - dấu mốc mới cho hành trình gần một thập kỷ  - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu hai phái đoàn Việt Nam và EU bước vào phòng ký kết. Ảnh: Tiến Tuấn

Đến tháng 6/2018, Việt Nam và EU đồng ý tách Hiệp định thành Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA). EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực khi Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam thông qua. Trong khi đó, IPA không chỉ cần các điều kiện trên mà phải được Nghị viện các nước thành viên EU phê chuẩn để có hiệu lực.

Khi EVFTA có hiệu lực, phần lớn hàng hóa Việt Nam xuất sang EU sẽ được miễn thuế. Đây cũng là cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các FTA đã được ký kết. EU là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Theo kế hoạch, đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu. Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế, chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu. Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM