Startup máy sấy tóc giá 500 USD của cựu lãnh đạo hãng sản xuất máy bay không người lái

24/08/2021 20:21 PM | Kinh doanh

Một cựu lãnh đạo R&D của nhà sản xuất máy bay không người lái hàng đầu thế giới đã áp dụng chuyên môn của mình vào sản xuất máy sấy tóc.

Công ty khởi nghiệp Fresh & Clean Technology có trụ sở tại Hong Kong - do Wang Mingyu, trước đây là Phó chủ tịch nghiên cứu và phát triển tại DJI của Trung Quốc thành lập - sẽ ra mắt máy sấy Zuvi Halo ở Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc kiểu mới vào tháng tới. Với giá thành khoảng 500 USD/máy, Halo nhắm vào phân khúc cao cấp vốn thuộc “địa bàn” của các hãng như Dyson và Panasonic .

Fresh & Clean tìm cách khai thác thị trường, thu hút người dùng bằng các sản phẩm chuyên biệt với chức năng được sắp xếp hợp lý. Công ty tận dụng nhu cầu ngày càng tăng trong bối cảnh người tiêu dùng “đi chợ” tại nhà trở nên phổ biến do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Cùng với không khí ấm, Halo tạo ra nhiệt hồng ngoại như cơ chế của máy sưởi dùng bảng điều khiển, chỉ sử dụng 290 watt, so với 1.200 watt của máy sấy thông thường có dây sưởi và dùng pin thay bằng dây dẫn điện.

Máy sấy sử dụng động cơ và công nghệ để kiểm soát không khí và hiệu quả năng lượng dựa trên kinh nghiệm khi làm việc tại nhà sản xuất drone của Wang. Fresh & Clean đã thành lập một chi nhánh tại Nhật Bản và đặt mục tiêu bán được khoảng 1.000 chiếc tại đây mỗi tháng. Công ty không có ràng buộc tài chính với DJI.

Startup máy sấy tóc giá 500 USD của cựu lãnh đạo hãng sản xuất máy bay không người lái - Ảnh 1.

Máy sấy tóc Zuvi Halo. Ảnh: Fresh & Clean Technology

Thị trường thiết bị của Nhật Bản gần đây có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong bối cảnh một số tên tuổi lớn trong lĩnh vực không còn kinh doanh các sản phẩm tương tự. Toshiba đã bán mảng thiết bị của mình và Hitachi đã ngừng kinh doanh ti vi mang thương hiệu riêng tại Nhật Bản.

Sự ra đời của các dịch vụ sản xuất thiết bị điện tử đang cho phép các công ty mới nổi của Nhật Bản học tập Apple và Dyson bằng cách chỉ chuyên về thiết kế và thuê ngoài khâu sản xuất.

Nổi bật trong số đó là Balmuda, công ty đã được biết đến như một nhà đổi mới trong thị trường thiết bị đang bão hòa với các mặt hàng như quạt bắt chước làn gió tự nhiên và các sản phẩm nhà bếp có thiết kế tiên tiến. Công ty đã tung ra một chiếc máy hút bụi dễ sử dụng vào cuối năm ngoái và có kế hoạch ra mắt điện thoại thông minh đầu tiên của mình vào tháng 11 năm nay.

Công ty Cado, chuyên phát triển máy lọc không khí và máy tạo độ ẩm, đã phát triển thêm các mẫu thiết kế phù hợp cho trang trí nhà cửa. Cado mở rộng sang lĩnh vực thiết bị làm đẹp vào năm 2018 thông qua liên doanh với tập đoàn SK Group của Hàn Quốc.

Đối với nhà sản xuất đồ gia dụng Iris Ohyama, sự đơn giản là một điểm đặc biệt để giới thiệu các thiết bị tinh gọn của hãng đến người tiêu dùng. Bước đầu thương hiệu này tập trung vào các thiết bị điện tử gia dụng nhỏ, sau đó đã phân nhánh sang các sản phẩm lớn hơn như máy điều hòa nhiệt độ trong phòng và TV màn hình tinh thể lỏng. Doanh số bán thiết bị của công ty đã tăng hơn 10 lần trong thập kỷ qua lên 125 tỷ yên (1,14 tỷ USD) vào năm ngoái.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất điện Nhật Bản, hàng thiết bị tiêu dùng tại Nhật Bản đạt mức cao nhất trong 30 năm là 1.330 tỷ yên trong nửa đầu năm 2021. Dữ liệu từ công ty nghiên cứu GfK Nhật Bản cho thấy giá thành của 10 loại thiết bị chính đã tăng trung bình 4% so với một năm trước đó, trong đó máy sấy tóc và máy giặt tự động tăng 7% đến 8%.

Ichiro Michikoshi, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu BCN, cho biết: “Thị trường thiết bị gia dụng đã phát triển vượt bậc và trong 2-3 năm qua, người tiêu dùng chỉ yêu cầu các sản phẩm có chức năng mà họ cần".

Các nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn đã liên tục bổ sung nhiều tính năng tiện ích vào sản phẩm để có thể nâng giá thành và thúc đầy người tiêu dùng thay thế đồ dùng nhiều chức năng hơn, nhưng chiến lược này đang bắt đầu thay đổi. Panasonic có kế hoạch bán nồi cơm điện và lò vi sóng với các chức năng đơn giản mà người tiêu dùng có thể thêm vào sau này.

Trang Trang

Cùng chuyên mục
XEM