Văn minh

29/11/2015 15:42 PM | Sống

Một bài học nhỏ không thực hiện được thì sao thành người văn minh?

Bây giờ hầu như ai cũng có tài khoản Facebook. Bởi số người sử dụng ngày càng tăng nên những người điều hành Facebook đã không ngừng cải tiến.

Cách đây khoảng bảy năm, khi có nhiều trang mạng xã hội làm mưa làm gió, Facebook vẫn còn rất khiêm tốn với giao diện bị chê là đơn điệu và xấu, ít người dùng. Theo thời gian, vì nhiều lý do, giờ đây Facebook gần như là lựa chọn hàng đầu và trang mạng xã hội này cũng liên tục cải tiến các tiện ích của mình.

Một trong những cải tiến ấy là cho phép xem trước clip người khác tải lên khi vào trang chủ với thao tác rê chuột xuống bên dưới. Nếu thích thì dừng lại xem, không thích thì lướt qua. Từ đó, không có những clip nào bị bỏ sót khiến người dùng ngày càng thích thú với việc chia sẻ clip hay, độc đáo cho bạn bè cùng xem.

Có một clip mới đưa lên khoảng hai ngày đã có hơn 200 ngàn người “thích” và hơn 500 ngàn lượt chia sẻ. Nội dung rất đơn giản, chỉ là nói về trẻ em ở Nhật làm vệ sinh lớp học và chúng thấy hạnh phúc vì điều đó. Một ngày các em đến trường ngoài việc học còn tham gia vệ sinh môi trường chung quanh, đổ rác, lau sàn nhà, cửa kính, dọn dẹp bàn ăn, chén bát bẩn, cách ăn uống sao cho vệ sinh, lịch sự, tiết kiệm, không bỏ phí…

Việc sạch sẽ như lau như ly này thể hiện ở chỗ các em ôm thùng rác đi đổ. Thùng rác phải thật sạch thì các em mới ôm vào người như thế. Có thể các em làm còn vụng về nhưng đó là việc làm hằng ngày, tập riết sẽ thành thói quen.

Không ít người cho rằng chính nhờ cách giáo dục này mà đất nước họ sạch sẽ, văn minh. Người văn minh trước hết phải là người sạch sẽ.

Có một sự thật là trẻ em nước ta bây giờ ít quan tâm đến việc dọn vệ sinh trường, lớp. Nếu có cũng làm đại khái, qua loa hay đóng tiền vệ sinh cho nhà trường thuê người dọn.

Điều này được khá đông phụ huynh đồng tình vì muốn con em mình dành thời gian cho việc học mà không nghĩ rằng, chính việc dọn vệ sinh là bài học trực quan sinh động nhất! Ngoài việc biết được giá trị của lao động, trẻ còn biết vận dụng các kỹ năng trong công việc sao cho tối ưu nhất, đạt hiệu quả cao…

Từ việc trẻ không biết tự dọn dẹp vệ sinh dẫn đến tâm lý chung của số đông và ngay cả trong gia đình, việc dọn vệ sinh dồn hết cho một người, hoặc thuê người giúp việc. Không chỉ dẫn đến việc lười lao động, cho rằng công việc đó “dơ, gớm”, mà đó còn là biểu hiện của sự ích kỷ.

Thường thấy trong một gia đình, người mẹ thì hì hụi lau nhà cửa, dọn dẹp trong khi con cái nằm nghe nhạc hay chơi game… Cũng chính bởi tư tưởng “việc của một người” nên mẹ không thấy phiền lòng và các con đương nhiên thụ hưởng “nhà sạch thì mát”.

Đến khi mẹ lớn tuổi không dọn vệ sinh được nữa thì một là thuê người, hai là bỏ mặc nhà cửa. Người mẹ lúc này lực bất tòng tâm nhìn cái nhà – công trình một thời sạch sẽ của mình mà ngao ngán, buồn phiền.

Biết trách ai ngoài trách mình! Phải chi hồi các con còn nhỏ mẹ dạy cho con biết giữ gìn vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, không ngại khó, không ngại bẩn… Một bài học nhỏ không thực hiện được thì sao thành người văn minh?

Người ta cũng thấy nhiều cô cậu ra đường thì thơm phức, láng lẩy, giày bóng loáng, quần áo thẳng nếp… nhưng khi về đến nhà thì bầy hầy hết biết!

Có người luôn đánh giá người khác chỉ sau khi nhìn vào nhà bếp và toilet của người đó. Nghe thì hơi quá, nhưng ngẫm nghĩ lại thấy đúng. Người văn minh là người biết dọn dẹp sạch sẽ nơi sử dụng tối cần thiết mỗi ngày của mình, không phải do kỹ tính mà bởi thói quen được tập từ nhỏ.

Phải chăng, nước Nhật to lớn, hùng mạnh bởi con người của họ được đào tạo từ những điều rất nhỏ nhặt ngay từ khi vừa biết nhận thức?

Liên hệ đến việc chơi trên mạng xã hội, nếu biết chọn lọc thông tin sẽ thấy thế giới có hàng tỉ thứ thú vị cần học hỏi. Sạch sẽ văn minh còn là biết gạn đục khơi trong.

Theo Kim Duy

Cùng chuyên mục
XEM