Trung thu không mất đi đâu

13/09/2015 20:02 PM | Sống

Thời gian trôi qua, đến mỗi kỳ lễ hội, Tết nhất chúng ta lại rưng rưng lo cho thế hệ trẻ những mất mát. Mất mát cảm xúc về những giá trị xưa, mất mát những cội nguồn.

 

Tôi có một người bạn sống ở Mỹ. Khi thân nhau rồi, anh ấy mới giới thiệu nguồn gốc cha ông vốn có chút dòng máu của người Vikings sống tại Na Uy pha huyết thống với Ấn Độ lưu lạc.

Và bây giờ anh ấy sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Trong những câu chuyện, cứ có dịp là anh nhắc đến nguồn gốc, giới thiệu những nét văn hóa, lịch sử mà cuộc đời cha ông có chút liên hệ với vẻ hứng thú.

Những giọt máu đã phôi pha mấy đời, nhưng chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng đủ để một người Mỹ "chính cống" vẫn cứ quan tâm tìm kiếm các giá trị văn hóa của tổ tiên để tự hào và truyền bá, dù chỉ với bạn bè.

Vì vậy mà tôi luôn băn khoăn trước những ý kiến lo lắng văn hóa của chúng ta sẽ đi về đâu khi chúng ta mua bánh Trung thu về cúng mâm cỗ Rằm tháng Tám. Lo lắng trẻ em không còn thích Trung thu, không biết dán lồng đèn mà chơi đèn lồng bằng nhựa phát ra những bản nhạc "vô hồn". Lo lắng trẻ em không có Trung thu mà tiết Rằm tháng Tám sẽ bị người lớn độc chiếm để phát triển các mối quan hệ phức tạp của mình.

Trong khi cuộc sống phát triển và thay đổi chóng mặt với ảnh hưởng từ kỹ thuật số, chúng ta cứ đem cảm xúc và suy nghĩ của mình áp đặt, lo lắng cho một thế hệ mới đang phát triển dựa vào những nền tảng mới, trong đó không ít giá trị lịch sử và văn hóa phải thay đổi để phù hợp với thời đại.

Ngày xưa, nghèo quá, trẻ em rước đèn lồng giấy bóng với ánh nến vào những đêm trăng sáng vằng vặc khắp các làng quê và phố nhỏ. Ngày nay sao có thể tiếc nuối chuyện không thể giao cho trẻ em một ngọn lửa (ánh nến) chạy chơi khắp phố phường chật hẹp, bất cứ lúc nào cũng có thể gây hỏa hoạn.

Và cũng không vì chúng ta cảm thấy chất liệu nhựa với nhạc vui tai của hàng trăm loại đèn lồng là "vô hồn" chỉ vì nó mang cái xuất xứ Trung Quốc. Tiêm nhiễm vào trẻ em những suy nghĩ như thế rất vô ích khi chúng ta không sáng tạo được cái gì để thay thế những cái cũ bị cuộc sống mới đào thải, phải dựa dẫm vào hàng hóa từ bên ngoài.

Đến hẹn, Trung thu vẫn đến. Ngoài những ngã tư rợp các quầy màu đỏ bán bánh Trung thu như vẫn thấy, vẫn còn nhiều Rằm tháng Tám ở những nơi khác. Người giàu có vẫn đăng ký một kỳ nghỉ cuối tuần ở các resort với những đêm tiệc bánh ngọt bên bờ biển, có múa lân, có trà thơm đầy đủ.

Trước đây, mọi người thường ngồi nhà chờ lân đến múa xin tiền, nay các phụ huynh trẻ phải đưa con lên xe máy chạy vòng vòng các phố tìm lân đang múa mừng trăng ở những khu phố buôn bán lớn. Trung thu vẫn thực sự là một lễ hội kỳ thú trong dân, khi những điệu múa ngày càng phát triển thêm, đầu lân, ông Địa ngày càng cố gắng làm cho ấn tượng hơn.

Và hàng trăm nghìn thôn xóm, khối phố vẫn cố gắng tổ chức cho trẻ em trên địa bàn một Tết Trung thu vui chung, có múa lân, có phát quà bánh, động viên các em bước vào năm học mới. Những gia đình thuộc loại "truyền thống" vẫn có những đêm Rằm tháng Tám thưởng trà ngắm trăng, ăn bánh Trung thu và đọc thơ.

Đến một lứa tuổi nào đó người ta mới cần đến nét văn hóa cũ, hoặc sẽ có những tiếp biến văn hóa từ từ. Bạn có thể dè bỉu một Trung thu với màu đỏ, màu vàng của phố đèn lồng và các cô gái chụp hình tự sướng về đăng Facebook, nhưng mặc bạn không ưa thích, dòng chảy của cuộc sống vẫn chảy, vẫn nảy sinh những nhu cầu mới.

Và thú vị nhất, nhờ Facebook, những phụ nữ trẻ bỗng nhiên nghiện học làm bánh, và mỗi mùa Trung thu lại thấy những lời rao trên mạng: "Ai mua bánh Trung thu nhà làm đây!". Có thể đó sẽ là những nét mới của những mùa Trung thu sắp đến?

Đừng quá lo lắng! Tại Mỹ, nơi tập trung đông người Việt, các đồng hương của chúng ta vẫn tha lôi hình mẫu chợ đêm đến tận Mỹ để bày biện một không gian chợ, lắng nghe tiếng rao hàng mỗi cuối tuần. Đó cũng là một không gian văn hóa cần gìn giữ, nó chỉ phát triển khi phù hợp với đời sống mới.

Theo KHẢI LY

Cùng chuyên mục
XEM