Than phiền nhiều sẽ hủy hoại cuộc sống của bạn

02/01/2016 09:04 AM | Sống

Chúng ta phàn nàn với nhau để so xem hoàn cảnh của ai tệ hơn, rồi lại nghe thêm nhiều lời phàn nàn khác trên các chương trình TV. Tình trạng này cần chấm dứt ngay nếu bạn không muốn cuộc sống của mình bị hủy hoại theo nghĩa đen.

Dường như căng thẳng và than phiền là những điều không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của mỗi người. Chúng ta phàn nàn với nhau để so xem hoàn cảnh của ai tệ hơn, rồi lại nghe thêm nhiều lời phàn nàn khác trên các chương trình TV. Tình trạng này cần chấm dứt ngay nếu bạn không muốn cuộc sống của mình bị hủy hoại theo nghĩa đen.

Để hiểu về tác động của những cảm xúc tiêu cực này, trước hết hãy cùng nghiên cứu cơ chế hoạt động của các khớp thần kinh trong não.

Hoạt động của các khớp thần kinh

Trải khắp não bộ là tập hợp các khớp thần kinh được ngăn cách bởi khoảng trống gọi là khe khớp thần kinh. Khi bạn suy nghĩ, một khớp thần kinh sẽ phóng chất hóa học qua khe sang khớp khác, tạo thành chiếc cầu để tín hiệu điện có thể đi qua, mang theo thông tin liên quan đến những gì bạn đang nghĩ.

Về cơ bản, mỗi khi điện tích được kích hoạt, các khớp thần kinh sẽ mọc gần nhau hơn để lần sau thông tin truyền đi nhanh. Não tự thiết kế lại hệ mạch, thay đổi cấu trúc vật lý nhằm tạo thuận lợi cho các khớp thần kinh này chia sẻ liên kết hóa học và cùng kích hoạt, nghĩa là giúp suy nghĩ nhanh hơn. Vì vậy, suy nghĩ giúp tái tạo hình não.

Lựa chọn cảm xúc

Sau khi tìm hiểu hoạt động của các khớp thần kinh, ta có thể hình dung khái quát về sự hình thành tính cách của mỗi người.

Các khớp thần kinh cũng điều khiển việc cảm xúc nào đến nhanh hơn và mạnh mẽ hơn. Do vậy, cố gắng cảm nhận những cảm xúc tích cực thay vì tiêu cực sẽ thay đổi não bộ, giúp bạn trở nên tích cực hơn.

Các lựa chọn rất đơn giản: Yêu thương hay e sợ, chấp nhận hay hối tiếc, cho qua hay khao khát, lạc quan hay bi quan. Cảm xúc là do bạn quyết định.

Cuộc sống vốn không dễ dàng. Steven Parton, tác giả cuốn sách “Hello, world” nói: “Theo quan điểm Phật giáo, vũ trụ là khổ đau. Tôi tin nguyên nhân là vũ trụ vốn hỗn độn và nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Có vô số lúc mọi chuyện không như ta muốn”.

Vậy chúng ta phải làm gì nếu không thể kiểm soát thế giới xung quanh?

Ông chia sẻ: “Tôi bắt đầu tập cách chấp nhận dòng chảy tự nhiên bằng sự lạc quan. Với mỗi chuyện xảy đến với mình, dù tốt hay xấu, tôi đều nói: “Cám ơn đã cho tôi trải nghiệm và bài học này. Giờ hãy mang đến biến cố mới để tôi có thể đáp trả với cùng tình cảm như thế”.

“Dần dần, các khớp thần kinh tích cực ngày càng gần nhau, đến mức mọi cái gắn với nỗi buồn, sự tiếc nuối, bi quan, nỗi sợ, ước muốn, phiền muộn, trầm cảm trong não tôi chẳng còn nhiều cơ hội hoạt động trước khi các khớp thần kinh yêu thương chi phối phản ứng, suy nghĩ và tính cách của tôi. Vì thế, trạng thái mặc định của tôi trở thành lạc quan và biết ơn, gánh nặng cũng giảm đi”, Steven Parton kết luận.

Điều đó không có nghĩa mọi người sẽ không bao giờ cảm thấy tiêu cực nữa. Tuy nhiên, tập luyện như thế sẽ giúp bạn thấy cuộc sống bớt căng thẳng và hạnh phúc hơn. Căng thẳng là tình trạng vô cùng tai hại. Đã có rất nhiều bằng chứng về những tác động xấu của việc thường xuyên căng thẳng đến sức khỏe.

Liên kết với mọi người

Những người xung quanh cũng đóng vai trò nhất định tới hạnh phúc của bạn. Nếu một người luôn bị vây quanh bởi những kẻ hay than vãn, căng thẳng, người đó cũng sẽ căng thẳng theo. Thường xuyên trò chuyện và động viên bạn bè khi họ gặp chuyện là điều tốt. Tuy nhiên, nếu ai đó có xu hướng luôn “kéo chìm” bạn xuống, hãy nói cho họ sức mạnh của sự tích cực.

Căng thẳng và những cảm xúc tiêu cực có thể hủy hoại cuộc sống của bạn. Hãy thử tập cảm nhận mọi thứ tích cực hơn, cuộc sống sẽ thay đổi rất nhiều.

Thu Thảo

Cùng chuyên mục
XEM