Tập thể dục nhiều có nguy cơ đột tử?

01/07/2015 20:02 PM | Sống

Tập thể dục thường xuyên là phương pháp hữu hiệu giúp bạn nâng cao sức khỏe. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tập thể dục có tác dụng lâu dài đến tuổi thọ cũng như khả năng phòng chống suy tim, ung thư và nhiều bệnh khác.

Nội dung nổi bật:

- Những trường hợp ngưng tim đột ngột trong hoặc ngay sau khi tập thể dục khiến nhiều người lo ngại về tác hại của các hoạt động rèn luyện cơ thể.

- Theo các chuyên gia, tập thể dục đều đặn rất tốt cho sức khỏe và không có gì đáng lo. Tuy nhiên, bạn nên khám sức khỏe định kỳ và chú ý các triệu chứng bệnh tim trước khi chơi thể thao hoặc tập thể dục.


Tập thể dục thường xuyên là phương pháp hữu hiệu giúp bạn nâng cao sức khỏe. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tập thể dục có tác dụng lâu dài đến tuổi thọ cũng như khả năng phòng chống suy tim, ung thư và nhiều bệnh khác.

Đột tử trong hoặc ngay sau khi tập thể dục là điều hiếm xảy ra. Tuy nhiên, trường hợp mới đây của phó chủ tịch tập đoàn J.P. Morgan Chase & Co, James B. Lee Jr., khiến nhiều người lo ngại.

Ông vừa qua đời cách đây không lâu ở tuổi 62 do khó thở trong lúc tập thể dục. Dù được đưa vào bệnh viện nhưng ông vẫn không qua khỏi. Được biết trước đó, ông thường xuyên tham gia các hoạt động rèn luyện thân thể.

“Tập thể dục không phải là liều vắc xin phòng bệnh tim”, Michael Joyner – chuyên gia sinh lý học thuộc tổ chức Mayo Clinic cho biết. Tuy không nhắc trực tiếp đến trường hợp của ông Lee nhưng Michael Joyner lưu ý rằng những chứng bệnh nguy hiểm như huyết áp cao và lượng cholesterol cao ngày càng phổ biến khi người ta có tuổi.

Ông khuyên: “Bạn cần điều trị các chứng bệnh này. Những người ở tuổi trung niên và phải làm việc căng thẳng nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên”.

Ngày càng có nhiều người qua tuổi trung niên vẫn chơi thể thao và tập thể dục thường xuyên. Các bác sĩ cũng khuyến khích mọi người tham gia để nâng cao sức khỏe. Những trường hợp như ông Lee có thể khiến mọi người e ngại, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng không có gì đáng lo.

Có những bằng chứng rõ rệt cho thấy thường xuyên tập thể dục và tham gia các hoạt động thể chất đem lại nhiều ích lợi hơn hẳn tác hại”, Jonathan A. Drezner, giám đốc trung tâm Sports Cardiology, cho biết.

Phần lớn tình trạng ngưng tim đột ngột do hoạt động thể thao xảy ra ở những người trên 35 tuổi. Đa số nạn nhân là đàn ông và đã mắc bệnh tim từ trước, dù có thể họ không nhận ra.

Tiến sỹ Drezner nói: “Rủi ro sức khỏe còn lớn hơn với người không thường xuyên rèn luyện cơ thể”. Những người hiếm khi hoặc chỉ vận động nhiều vào cuối tuần sẽ dễ gặp rủi ro hơn so với người tập đều đặn 3 – 5 lần mỗi tuần.

Những người ở tuổi trung niên và thường xuyên ngồi một chỗ không nên đột ngột tập luyện quá nhiều. Sumeet Chugh, phó giám đốc Viện Tim thuộc Trung tâm y tế Cedars Sinai, nhận xét: “Bạn nên đặt mục tiêu rèn luyện thân thể, nhưng phải dần dần”. Bạn có thể tăng cường độ sau vài tuần hoặc hơn.

Một nỗi lo khác là bệnh tim thường khó phát hiện. Tiến sĩ Chugh khuyên mọi người nên khám tổng quát tim trước khi quyết định chơi thể thao hoặc tham gia một chương trình tập luyện nào đó, nhất là khi có các dấu hiệu: lượng cholesterol quá cao, tiểu đường, gia đình có tiền sử mắc bệnh tim hoặc đột tử do ngưng tim, chỉ số BMI trên 28.

Các nhà nghiên cứu cho biết, những người bị ngưng tim đột ngột thường không biết hoặc phớt lờ các dấu hiệu bệnh tim. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra, hơn 1/3 số bệnh nhân đã có triệu chứng từ tuần trước đó.

Tiến sĩ Drezner nhắc nhở: “Những ai đang tập thể thao cần nhận thức được các triệu chứng bất ổn của cơ thể”. Các triệu chứng như hơi đau ngực, khó thở, tim đập nhanh hoặc mệt mỏi hơn bình thường dường như không mấy nghiêm trọng, nhưng lại là dấu hiệu bạn nên đi kiểm tra sức khỏe.

Nhiều nghiên cứu cho thấy lợi ích của hoạt động thể chất đến từ sự đều đặn chứ không phải cường độ. Theo Michael Roizen, giám đốc tại Cleveland Clinic, mọi người có thể đạt đến hơn 50% hiệu quả của việc tập luyện nghiêm ngặt chỉ nhờ đi bộ thường xuyên.

Trước khi tập luyện, mọi người nên khởi động từ từ. Michael Roizen cũng cảnh báo không nên tập quá nhiều. Ông nhận định: “Mọi người sẽ nghĩ: “Nếu mình làm được 30 phút, tại sao không làm hẳn 40 phút?”. Họ sẽ tập luyện quá nhiều và quá nhanh nếu không ai can ngăn”.

Một nghiên cứu mới đây về các trường hợp ngưng tim ở Portland, bang Oregon do tiến sĩ Chugh chỉ đạo cho thấy những rủi ro như vậy rất hiếm. Nghiên cứu được thực hiện trên 1247 trường hợp ngưng tim xảy ra ở độ tuổi 35 – 65, tiến hành trong suốt 11 năm và kết thúc vào năm 2013. Kết quả là chỉ 5%, tương ứng với 63 trường hợp, liên quan đến các hoạt động thể thao.

Báo cáo phân tích đăng trên tạp chí Circulation tháng 4 chỉ ra, tỷ lệ ngưng tim khi tập thể thao là 21.7 trên 1 triệu người mỗi năm, trong khi tỷ lệ ngưng tim không liên quan đến thể thao là 555 trên 1 triệu.

Cuối cùng, tiến sỹ Chugh kết luận: “Bạn không thể lấy nguy cơ đột đột tử làm cớ để khỏi phải tập thể dục”.

Thu Thảo

Cùng chuyên mục
XEM