Tại sao phải nhịn thói quen ăn mì gói?

11/12/2015 08:55 AM | Sống

"Chị đồng nghiệp năm 1975 vào Nam kể lúc đó bánh mì và mì ăn liền ở Sài Gòn ngon nhất trên đời" - bạn Huỳnh Hoa. Còn PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (ĐH Y dược TP.HCM) thú thiệt "thỉnh thoảng cũng ăn mì gói và thấy ngon".

Dư luận mấy ngày qua xôn xao trước câu chuyện mì ăn liền, ăn nhanh, bệnh nhanh. Nhiều ý kiến cho rằng tại sao nhà sản xuất không làm cho mì gói an toàn mà người ăn phải thay đổi thói quen?

Nhiều ý kiến của bạn đọc cho rằng nói đến mì gói là nói đến món ăn quen thuộc của người Việt lâu nay. Tại sao người dân phải từ bỏ thói quen mà không bắt đầu thay đổi từ chất lượng sản phẩm từ các nhà sản xuất?

TTO xin giới thiệu ý kiến của bạn đọc Đỗ Thị Huỳnh Hoa xung quanh câu chuyện này.

Hại hay không hại?

Trong thời buổi đạo đức kinh doanh bị xem nhẹ, nhiều nhà sản xuất kinh doanh thực phẩm, hàng tiêu dùng... sẵn sàng làm mọi thứ sao cho kiếm lợi được nhiều nhất, ít để ý đến sức khỏe, tính mạng của cộng đồng.

Người tiêu dùng thì không biết phải tin vào đâu, nhiều người chỉ dựa vào nhà đài, nhà báo và…Facebook để loại dần các thức ăn được cho là độc hại, trong đó có mì ăn liền, hay được gọi ngắn gọn là mì gói.

Tôi là một người dân bình thường, không phải là một nhà khoa học để có thể làm các thí nghiệm và có thời gian để kiểm chứng trước khi đưa ra kết luận về một thực phẩm nào đó. Nhưng vốn kiến thức lâu nay cho tôi biết một điều: thức ăn hay thức uống nào cũng vậy, dù ngon cách mấy, bổ dưỡng cách mấy nhưng lạm dụng nhiều quá, dùng thường xuyên quá cũng không tốt, nhất là trong điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm là chuyện… sáng nắng chiều mưa.

Tôi ăn mì gói từ đầu thập niên 1970, lúc đó chỉ có mì Vị Hương và ăn chay thì có mì Bồ Đề chứ không có nhiều nhãn hiệu như bây giờ. Có một chị đồng nghiệp cuối năm 1975 xuống tàu vào Nam. Chị kể lúc đó với chị, bánh mì và mì ăn liền là hai món ăn ngon nhất trên đời.

Bẵng đi một thời gian dài bao cấp, 20 năm gần đây mì gói xuất hiện trở lại ồ ạt trên khắp thị trường với nhiều mẫu mã, chủng loại đa dạng để thu hút người tiêu dùng.

Không ai phủ nhận được sự tiện lợi của mì ăn liền, nhất là những lúc nhiều vùng trong cả nước gặp thiên tai như bão lụt.

Hình ảnh những em bé gỡ ngói leo lên nóc nhà, tay cầm gói mì ăn liền vừa nhận được, bẻ nhai nhồm nhoàm giữa bốn bề mênh mông là nước, mưa gió dầm dề khiến cộng đồng không ngăn được nước mắt.

“Đùng một cái”, mì ăn liền trở thành loại thực phẩm… "ăn nhanh bệnh nhanh” khiến mọi người hoang mang.

Trách nhiệm của nhà sản xuất

Ngay từ năm rồi, trước khi vác balô đi bụi ở châu Âu gần một tháng, tôi có mua một thùng mì “làm từ khoai tây” định vác theo cho cả nhóm nhưng bạn đi chung ngăn lại vì “ăn mì gói là… ăn rác đó” làm tôi chỉ đem theo nửa thùng mì cho mình.

Đầu tiên đến Đức rồi Hà Lan, những lúc trời lạnh tím da tím thịt thì pha gói mì trong lon guigoz mang theo, húp lấy húp để lon mì nóng thơm nghi ngút khói xong là người cũng ấm trở lại. Bạn đi chung cũng bắt chước nên đi chưa được một tuần, nửa thùng mì cũng sạch sẽ.

Vào siêu thị cũng có mì gói của Việt Nam nhưng quy từ tiền euro, giá một gói mì gần… 50.000 đồng, còn mì Nhật thì đắt gấp đôi.

Lúc trước, tôi có một dãy nhà trọ cho công nhân thuê. Tối rảo qua đem báo cho mấy em đọc, thấy nhiều em lúi húi nấu mì thay cơm. Công nhân tan ca về đến nhà đã tối mịt, tay chân mệt mỏi rã rời nên buổi tối thường qua loa cho xong bữa rồi ngủ vùi lấy sức sáng sớm đi làm.

Hôm nào ngán thì ghé mấy xe hủ tiếu gõ, chè cháo gì đó mà ăn. Chỉ đến ngày nghỉ mới đi chợ “ăn tươi” bù lại.

Trong cơ quan cũng vậy, nhiều đồng nghiệp trong tủ lúc nào cũng để sẵn vài gói mì để những lúc hết giờ mà chưa hết việc, phải ở lại làm tiếp thì chế nước sôi có sẵn là xong tô mì ăn liền để cầm cự đến khi về nhà.

Nói gì thì nói, qua đó cũng thấy mì ăn liền là thức ăn tiện lợi nhất của người lao động và cả học sinh sinh viên.

Vấn đề là làm sao cho mọi người hiểu thức ăn nào cũng vậy, ăn nhiều quá sẽ không tốt cho cơ thể nói chung, khi ăn nên thêm rau cải, thịt trứng vào để đảm bảo dinh dưỡng cần thiết.

Các nhà sản xuất nghĩ gì khi các anh đã có một thị trường lớn như vậy mà không mạnh dạn thay đổi dùng công thức sạch để cho mì gói thành thực phẩm ngon, an toàn, bổ dưỡng?

Và quan trọng nhất là khâu kiểm tra an toàn thực phẩm để làm sao loại bỏ được những hóa chất không tốt cho sức khỏe trong gói mì để giúp người tiêu dùng an tâm hơn.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (ĐH Y dược TP.HCM):

Làm sao tạo ra những gói mì không phụ gia

Bản thân tôi thỉnh thoảng cũng ăn mì gói và thấy ngon. Tuy nhiên, phải hết sức lưu ý rằng ăn cũng phải có chừng mực, không thể ngày nào cũng ăn mì gói được vì sẽ không đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Thành phần chủ yếu của mì gói chỉ là bột mì và hương liệu, không cung cấp được lượng đạm cho cơ thể. Khi ăn mì phải ăn thêm rau xanh, miếng thịt, con tôm, con cá để cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể.

Trách nhiệm của nhà sản xuất là phải làm sao tạo ra những gói mì không có chất phụ gia gây hại cho cơ thể, đảm bảo chất dinh dưỡng. Nếu một gói mì có thể cung cấp luôn các chất có trong rau, thịt, tôm cá… thì tốt và bảo đảm vệ sinh.

Bác sĩ Lê Quang Hào, Viện Dinh dưỡng quốc gia:

Kỳ vọng mì gói không gây hại cho cơ thể

Người tiêu dùng có nhiều mong đợi từ gói mì mình ăn. Tuy nhiên, mì gói là thức ăn đáp ứng được các tiêu chí: nhanh, rẻ, tiện lợi, bảo quản được lâu.

Và với một loại thức ăn vừa rẻ, vừa bảo quản được lâu, vừa ăn tiện lợi thì không thể nào đáp ứng đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cho một bữa ăn.

Ngay cả những gói mì rất đắt tiền (có khi lên đến vài chục nghìn một gói) cũng không thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Do đó, kỳ vọng của người tiêu dùng đối với nhà sản xuất chỉ có thể dừng lại ở mức độ là những gói mì đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở mức độ cao nhất (bột mì tốt, không sử dụng dầu chiên tái chế , gói rau, gói dầu trong mì cũng đảm bảo vệ sinh…) và không gây hại cho cơ thể.

Theo ĐỖ THỊ HUỲNH HOA - TRÀ MY

Cùng chuyên mục
XEM