Tại sao con người có những hành động kỳ quặc như cười trong đám tang hoặc thích tỏ ra hiểu biết ?

18/02/2016 20:04 PM | Sống

Đa số chúng ta có nhiều hành động kỳ quặc mà nhiều khi ngay đến bản thân chúng ta cũng không tự nhận ra được cho đến khi chúng ta thực sự nhìn lại chính mình một cách khách quan.

Vậy, đâu là lý do cho những hành động khó hiểu đó của con người.

1. Cười không đúng lúc

Đa số chúng đều có lần lầm lỗi vì lỡ cười trong một tình huống không đúng lúc như khi nhìn thấy ai đó bị té nhào, bị thương hay thậm chí khi nghe một tin xấu. Dù vẫn biết chẳng có gì đáng cười trong đám tang hay chuyện con bà hàng xóm bị giẫm phải đinh, nhưng chúng ta vẫn bật ra tiếng cười một cách vô thức.

Hành vi đó không có nghĩa là chúng ta lạnh lùng hay thiếu tôn trọng. Sự thật thì đó là một dấu hiệu cho thấy rằng chúng ta đang phải chịu đựng những căng thẳng hay cảm xúc nhất định và tiếng cười là một trong những phản ứng mà cơ thể dùng để giải tỏa chúng.

Cười khúc khích hay cười thầm khi nhìn thấy ai đó té nhào vì giẫm phải vỏ chuối được cho là tín hiệu để cảnh báo những người khác trong “nhóm” rằng tình huống vừa rồi không có gì đáng lo ngại cả và rằng sự cố bất ngờ nhưng không đến nỗi phải gọi cứu hỏa hay cứu thương.

Tiến sĩ thần kinh học Sophie Scott cũng có giải thích rằng, cười là một phản ứng, một phương pháp xã hội học liên kết để cho mọi người biết rằng chúng ta thích họ, chúng ta đồng ý với họ hoặc chúng ta cùng một đội-nhóm với nhau.

2. Cắn những vật dễ thương

“Ôi, hai cái má phúng phính chưa này, thèm quá, chỉ muốn ngoạm một cái thôi!”. Đừng ngại nói với tôi là rất nhiều khi, bạn thèm được cắn hay ngoạm vào má, chân, tay một em bé kháu khỉnh và đáng yêu mỗi khi nhìn thấy chúng! Bởi bạn không phải là người duy nhất có hành động kỳ quặc này đâu.

Không ít giả thuyết về hành vi này được các nhà khoa học giải thích. Tuy nhiên, nguyên nhân chính được cho là do chất dopamine trong não gây ra. Bằng cách nào đó, các dây thần kinh cảm xúc (hay khoái cảm) cùng gặp gỡ và đi ngang qua nhau trong não bộ. Khi chúng ta (đặc biệt là phụ nữ) nhìn hay ngửi thấy mùi hương phát ra từ một em bé, lượng dopamine trong não sẽ tăng cao như khi chúng ta nhìn hoặc ngửi thấy đồ ăn ngon. Vậy là hễ nhìn thấy những vật dễ thương, chất xúc tác khoái cảm dopamine sẽ kích thích chúng ta muốn đưa chúng vào miệng một cách vô thức.

3. Thích tỏ ra nguy hiểm, hiểu chuyện

Hầu hết chúng ta đã không ít lần ở trong một tình huống mà khi được hỏi “ Này, cậu nghe tin về cái anh gì đẹp trai đóng hoàng tử tên Legolas trong phim Chúa tể những chiếc nhẫn chưa?”. Gần như không suy nghĩ, chúng ta trả lời “ Ừ” mặc dù nếu có thời gian nghĩ lại chúng ta nhận ra là chúng ta chẳng hiểu người đó đang nói về cái gì. Tương tự như vậy, một số người gần như có thói quen tỏ ra hiểu biết nhưng trên thực tế, họ chẳng biết gì hơn ngoài việc “ừ” cho qua chuyện rồi sau đấy mới về nhà lật đật mở google ra tìm kiếm.

Giáo sư David Dunning của trường Đại học Cornell đã giải thích rằng, đa số mọi người giả vờ hiểu chuyện để khẳng định bản thân họ. Khi ngay lập tức bị ai đó hỏi liệu chúng ta có biết điều gì đó, não của chúng ta bắt đầu suy luận, giả định và “phát minh” ra lời giải thích. Một phần chúng ta không muốn ngắt quãng cuộc trò chuyện, một phần não của chúng ta cho rằng nên biết điều gì đó về chủ đề và hướng chúng ta đến một kết luận giả với câu trả lời là “Có”.

Nhà thần kinh học Robert A. Burton thì giải thích rằng xã hội của chúng ta luôn tôn vinh tri thức và chúng ta được coi trọng nếu là một người hiểu biết. Thế nên cũng không ngoa khi nói “Cảm giác là người-biết-tuốt” trở thành một cơn nghiện như bao chất gây nghiện khác. Trên thực tế, một phần não sáng lên và con đường khen thưởng làm kích hoạt chất dopamine trong não khi chúng ta được tán dương bởi một câu trả lời đúng cũng như khi dùng chất kích thích hay chơi cờ bạc.

Hoàng Hà

Cùng chuyên mục
XEM