Nữ nhà văn Mỹ gốc Ấn, nói tiếng Anh, viết văn tiếng Ý: Tôi phải thay đổi để bớt cảm giác "an toàn"

08/03/2016 16:07 PM | Sống

Từ quan điểm sáng tạo, không có gì nguy hiểm hơn là cảm giác an toàn

Bà Jhumpa Lahiri về cơ bản là một người phụ nữ không có "tiếng mẹ đẻ". Tác giả người Mỹ gốc Ấn này lớn lên trong một gia đình gồm toàn người nói tiếng Bengal, nhưng lại dùng tiếng Anh ở trường học.

Và trong cuốn sách mới nhất của mình “In Other Words”, nữ nhà văn đã từng giành giải Pulitzer không dùng đến 2 ngôn ngữ kể trên, mà viết hoàn toàn bằng tiếng Ý.

Lahiri cho biết cô đã chuyển đến Rome cùng cả gia đình để hoàn toàn đắm mình trong thứ ngôn ngữ mới này. Cô bỏ lại sau lưng cả thư viện của mình và ngừng đọc mọi thứ bằng tiếng Anh.

Có nhiều lý do cho cuộc hành hương này, gồm cả mối liên hệ với tiếng Ý, và nhu cầu tái tạo chuyến du hành giữa các nền văn hóa mà cha mẹ mình đã thực hiện khi chuyển từ Ấn Độ sang Mỹ sinh sống. Nhưng Lahiri cũng nói rằng có những lý do nghệ thuật liên quan đến việc học để viết văn được bằng một ngôn ngữ mới.

Trong cuốn tự truyện của mình, bà viết “Từ quan điểm sáng tạo, không có gì nguy hiểm hơn là cảm giác an toàn”.

“Theo bản năng tôi cảm thấy là có gì đó không đúng. Rất không đúng khi cảm thấy an toàn”, bà chia sẻ trong một sự kiện do New York Public Library tổ chức. “Tôi nhận thấy thời điểm mà tôi muốn rời New York, khi tôi bắt đầu cảm thấy cần phải đi thật xa và bỏ nó lại phía sau, đó chính là lúc mà cuộc đời tôi bắt đầu trở nên rất ổn định. Một khi tôi nhận thấy cuộc sống đã vào guồng và bắt đầu trôi theo, đó là lúc tôi có ham muốn bất chợt là phải thoát ra”.

Lahiri nhấn mạnh, nhờ gắn mình vào tiếng Ý, bà cũng tìm thấy một phương tiện để trưởng thành theo những định hướng khác.

Mặc dù không phải tất cả chúng ta đều có khuynh hướng hoặc khả năng đi sang nước ngoài và mở rộng các kỹ năng ngôn ngữ bằng cách học một ngôn ngữ hoàn toàn mới, nhưng quan điểm của Lahiri về mối liên hệ giữa cảm giác an toàn và sự sáng tạo vẫn cực kỳ có ý nghĩa.

John Cabra, phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Sáng tạo tại Đại học Buffalo State, cũng cho biết những trải nghiệm mới và rời bỏ khu vực an toàn là hết sức cần thiết để tạo nên một bộ óc uyên bác và phong phú. Điều này, đến lượt mình, lại cho phép bộ não tiếp tục tạo ra những sự kết hợp bản nguyên, và từ đó nảy sinh sự sáng tạo.

Ông cho biết “Trải nghiệm của bạn càng phong phú thì các kết nối càng có chất lượng khi bộ não bắt đầu tìm kiếm những sự kết hợp cần thiết để châm ngòi cho sự sáng tạo”.

Theo Cabra, sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu cứ đắm mình trong khu vực an toàn của mình vì thế giới đang thay đổi rất nhanh. Những người không muốn thay đổi và thích ứng với trải nghiệm mới cuối cùng sẽ cảm thấy như bị tê liệt bởi những thay đổi chóng mặt đang diễn ra quanh họ.

Rốt cuộc, điều làm chúng ta sợ hãi có khi còn không đáng sợ bằng việc cứ tìm cách tránh nỗi sợ đó. Vì thế những ai muốn có một cuộc sống đầy sáng tạo thì hãy làm theo Lahiri, và vượt ra khỏi nỗi sợ cảm thấy an toàn.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM