Những quốc gia nào tại châu Á đón tết cổ truyền như Việt Nam?

18/02/2015 10:00 AM | Sống

Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Triều Tiên là những quốc gia tại châu Á cùng đón tết cổ truyền giống Việt Nam.

Trung Quốc

Cũng giống như Việt Nam, người Trung Quốc coi tết cổ truyền là một ngày lễ vô cùng quan trọng trong năm. Ai cũng không tiếc tiền mùa quà tặng, đồ trang trí, quần áo, thực phẩm... Mọi gia đình đều lau dọn nhà cửa sạch sẽ để quét đi những điều không may và chào đón các may mắn sắp tới. Cửa sổ, cửa ra vào đều được dán giấy đỏ với câu đối và những từ như "Phúc", "Lộc" và "Thọ" .

Vào đêm giao thừa, bữa tối trở thành đại tiệc của gia đình với các món ăn bao gồm lợn, vịt, gà và đồ ngọt. Sáng sớm hôm sau, trẻ em sẽ chào người lớn bằng những lời chúc Tết, chúc sức khỏe và nhận tiền trong phong bao lì xì.

Một điểm độc đáo trong thực đơn ngày Tết của người Trung Quốc là các loại bánh. Trong đó Nian Gao là loại bánh không thể thiếu trong mâm cơm truyền thống. Cái tên “Nian” nghĩa là thịnh vượng, vừa có nghĩa là “kết dính”. Người Trung Quốc ăn bánh này trong các bữa cơm gia đình với mong ước các thành viên luôn kết dính, anh em hòa thuận, gắn bó và gặp may mắn cả năm.

Hàn Quốc

Tết âm lịch cổ truyền của người Hàn Quốc theo tiếng Hàn gọi là Seol thường rơi vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 dương lịch, là đại lễ quan trọng nhất trong năm, còn có tên gọi là Won Dan theo âm tiếng Trung Quốc là Tết Nguyên đán.

Cũng như Việt Nam, mặc dù chính thức năm mới và cũng là bắt đầu vào Tết được tính từ thời khắc giao thừa song trên thực tế không khí Tết đã tràn ngập từ những ngày cuối năm âm. Vào ngày 30 Tết, các gia đình đều đã lo dọn vệ sinh sạch sẽ nhà cửa. Buổi tối trước giao thừa, họ thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần.

Đồ ăn để cúng Thần, Phật, tổ tiên được các gia đình chuẩn bị từ trước Tết, bao gồm cả thành phẩm hoặc mới chỉ là các nguyên phụ liệu hoặc bán thành phẩm sơ chế. Vào Đêm giao thừa, người Hàn phải hoàn tất các đồ ăn đã chế biến để đem đặt lên bàn thờ, có khi tới hơn 20 món, trong đó nhất thiết phải có món chính là ttok-kuk (là một loại phở nước được chế từ bò hay gà). Ngoài ra là cá khô, thịt bò khô, bánh bao hấp, hoa quả, rau, hồng khô và các loại bánh cổ truyền.

Trong những ngày Tết, mọi người đều mặc trang phục truyền thống hanbok hoặc chọn cho mình những bộ quần áo đẹp nhất, cả gia đình cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Sau nghi lễ này, những người ít tuổi trong gia đình sẽ cúi lạy những người lớn tuổi trong gia đình và nhận lì xì.

Singapore

Những ngày Tết ở Singapore thường diễn ra Lễ hội mùa xuân với 3 sự kiện nổi bật: Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay cùng nhiều hoạt động khác.

Trong suốt 15 ngày từ đêm Giao thừa cho đến hết ngày 15 tháng Giêng, trên đất nước Singapore đâu đâu cũng diễn ra các hoạt động vui xuân, là dịp để người ta đi thăm họ hàng, bạn bè và đãi tiệc nhau. Cha mẹ và những người thân đã lập gia đình sẽ gửi tặng tiền lì xì đựng trong các phong bao đỏ cho những người thân chưa lập gia đình là biểu thị một cách cầu chúc may mắn cho họ.

Triều Tiên

Một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng nhất trong năm của Triều Tiên là ngày đầu tiên của năm mới âm lịch. Tết Triều Tiên là ngày nghỉ đậm chất truyền thống gia đình. Sẽ có 3 ngày nghỉ dành cho người dân về quê, tham gia đình, họ hàng nơi họ thực hiện một nghi lễ tổ tiên. Nhiều người Triều Tiên mặc áo màu sặc sỡ gọi là hanbok .

Món ăn truyền thống trong dịp tết của người Triều Tiên là bánh gạo. Người dân nước này quan niệm rằng, Nếu bạn ăn xong phần Tteokguk của bạn, điều đó có nghĩa bạn già đi 1 tuổi.

>> Bán hàng Tết khó mơ bội thu!

Trà My (tổng hợp)

Đàm Vân

Cùng chuyên mục
XEM