Những hình ảnh của Thương xá Tax trong 130 năm qua

18/08/2014 17:30 PM | Sống

Được xây dựng từ năm 1880, Thương xá Tax đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn trong suốt hơn 130 năm qua.

Tháp đồng hồ cổ kính

Thương xá Tax ngày ấy được mang tên Les Grands Magazins Charner (GMC) được xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp với những nét chấm phá mang đậm đường nét văn hóa Á Đông. Les Grands Magazins Charner tọa lạc tại vị trí đẹp nhất của trung tâm Sài Gòn, kinh doanh các mặt hàng bazar sang trọng được nhập khẩu chủ yếu từ Anh, Pháp và các nước phương tây nhằm phục vụ cho giới thượng lưu Sài thành và các đại điền chủ Lục tỉnh Nam kỳ vào thời kỳ đó.

(Hình ảnh tòa nhà GMC những năm 40)

Cùng với việc kinh doanh tại GMC rất hưng thịnh, để tận dụng tối đa công năng và hiệu quả sử dụng tòa nhà, người chủ GMC đã quyết định đập bỏ tháp đồng hồ và xây thêm một tầng nữa, đồng thời chữ GMC được đặt trên nóc tòa nhà, quan khách có thể nhìn thấy từ rất xa.

Tòa nhà Tax vào thời kỳ Mỹ

Đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, tòa nhà GMC được Hội Mậu Dịch đổi tên thành Thương xá Tax, mặt bằng được chia nhỏ và cho các tiểu thương thuê vị trí để buôn bán. Vào thời kỳ này, việc mua bán vẫn rất nhộn nhịp, hàng hóa không khác mấy so với trước, đồng thời các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới bắt đầu được du nhập nhiều hơn vào Việt Nam.

Sau ngày giải phóng 30/4/1975 tòa nhà Thương xá Tax được giao lại cho UBNDTP, Tòa nhà không còn là địa điểm kinh doanh sầm uất; mặt bằng thỉnh thoảng được tận dụng làm không gian trưng bày các mặt hàng, máy móc công nghiệp do các đơn vị quốc doanh của thành phố sản xuất.

 

Đúng ngày Quốc tế Thiếu nhi 01/6/1978, một lần nữa Thương xá Tax được đổi tên thành Cửa hàng Phục vụ Thiếu nhi Thành phố, với đội ngũ mậu dịch viên khăn quàng đỏ, đánh dấu sự náo nhiệt trở lại của tòa nhà tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh sau một thời gian trầm lắng.


Cửa hàng bách hóa tổng hợp thành phố (1981-1990)

Đến năm 1981, trên cơ sở sáp nhập Cửa hàng Phục vụ Thiếu nhi và các quầy hàng chuyên doanh trong tòa nhà trước đó, UBNDTP quyết định thành lập Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố trực thuộc Sở Thương Nghiệp để nâng tầm hoạt động, đáp ứng việc phục vụ rộng rãi nhu cầu người tiêu dùng và tòa nhà là một trong những cửa hàng lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ.

(Hình ảnh giai đoạn sau khi cải tạo mặt tiền)

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử cùng biến động của thành phố, tòa nhà vẫn tiếp tục tồn tại một cách bền vững và lặng lẽ. Tuy nhiên, dấu ấn thời gian ngày một in hằn trên từng cây cột và từng mảng tường… bản thân tòa nhà cần được đầu tư sửa chữa một cách tổng thể.


Những năm cuối thập niên 90 của Thế kỷ 20, tòa nhà một lần nữa được cải tạo và chuẩn bị cho giai đoạn buôn bán tấp nập, thịnh vượng mới. Thời điểm này, tòa nhà trở thành một trung tâm giao dịch thực sự, hàng hóa tại đây vô cùng phong phú, từ hàng may mặc, mỹ nghệ đến những mặt hàng xa xỉ đều xuất hiện. Việc giao thương với người Nga rất được chú trọng nên thời kỳ này tòa nhà còn có một tên gọi khác là “chợ Nga”.


Ngày 18/10/1997, Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố được đổi tên thành Công ty Bán lẻ Tổng hợp Sài Gòn, trực thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA)


Ngày 19/01/1998, dòng chữ THƯƠNG XÁ TAX chính thức được đặt trên nóc tòa nhà thay thế dòng chữ Cửa Hàng Bách Hóa Tổng Hợp Thành Phố, đánh đấu sự trở lại của một thương hiệu đã tồn tại và ăn sâu vào nếp nghĩ của người Sài Gòn xưa.


Bước vào thời kỳ đổi mới, trước sự cạnh tranh từ các trung tâm thương mại do người nước ngoài đầu tư và quản lý, một lần nữa áp lực cạnh tranh đã buộc Thương xá Tax phải tự làm mới mình.

Ngày 26/4/2003, một Trung tâm Thương mại hiện đại mang tên THƯƠNG XÁ TAX được khánh thành trên cơ sở đại tu toàn bộ tòa nhà đã đáp ứng được sự mong đợi của lãnh đạo cũng như đông đảo nhân dân thành phố và du khách đến từ khắp nơi trên Thế giới.


(Hình ảnh Thương xá Tax năm 2003)

Tòa nhà với câu chuyện hơn “100 năm lịch sử” đã và đang là một trung tâm thương mại sầm uất, lâu đời nhất tại Việt Nam; một địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng của Thành Phố Hồ Chí Minh, kết nối với những di tích vang bóng một thời như: Bưu điện Trung tâm Thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát lớn Thành phố, Chợ Bến Thành, Dinh Độc lập và các Bảo tàng đã và đang cùng nhau góp phần quảng bá hình ảnh và con người Việt Nam nói chung và Thành Phố Hồ Chí Minh nói riêng đến với bạn bè thế giới.



Theo Thương Xá Tax

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM