Nhìn người Trung Quốc ăn táo cả vỏ

15/11/2015 10:02 AM | Sống

Hình ảnh một chú bé khoảng bốn năm tuổi vừa nhảy lò cò ở công viên Hàng Châu vừa gặm quả táo khiến tôi cứ nhìn mãi.

Một cậu bé Trung Quốc đang ăn một quả táo còn nguyên vỏ dưới cặp mắt của người mẹ trẻ thật lạ, bởi lâu nay nhiều người nhìn quả táo ấy rất giống táo bà phù thủy tặng cho Bạch Tuyết.

Trong nhiều ngày sau đó, tôi vẫn nhìn thấy nhiều người Trung Quốc ăn táo không hề gọt vỏ, không chỉ với bữa ăn tại khách sạn 5 sao, cả ngoài phố, quán cà phê và trong nhà một người bạn tôi đến thăm ở Thượng Hải.

Tất cả đều mỉm cười khi nghe hỏi về chất bảo quản, về ngưỡng độc hại thực phẩm. Họ trả lời, hãy ăn táo đi và đừng quá sợ hãi bà phù thủy. Và sau rất nhiều năm tôi ăn trở lại quả táo, với vỏ, mùi thơm dậy nồng nàn, vẫn với cái tặc lưỡi, ăn một ít, chắc không sao!

Trong một tuần lễ ở Thượng Hải và Hàng Châu, cảm giác của tôi giống như lâu ngày bước ra ánh sáng, soi sắc diện vào một tấm gương lớn. Có những nét tương đồng còn rơi rớt lại, có những điều quá nhiều đổi thay. Nhìn vào đó có lẽ thấy rất nhiều con đường nước mình sắp đi tới, hoặc cũng đang đi cùng tốc độ.

Tôi nhìn một trung tâm Thượng Hải giữ lại khoảng 1.800 mét con đường dọc bờ sông Hoàng Phố, với những kiến trúc cũ của người châu Âu, ban đêm những tòa nhà được chiếu sáng nghệ thuật lộng lẫy, ban ngày uy nghiêm lạnh lùng.

Ngoài con đường này, trung tâm thành phố là quận Hoàng Phố không chút đẹp đẽ bởi nó tự quàng vào cổ những chiếc khăn quàng bê tông là cầu vượt cho người đi bộ ở trên không. Nó nối các cao ốc ở hai bên đường với nhau. Thượng Hải cho cảm giác ngán ngẩm bởi thiếu vắng gương mặt trẻ con tươi cười. Đâu đâu cũng chỉ những gương mặt chìm đắm vào chiếc smartphone bên các trạm chờ xe buýt.

Nhìn vào đó bỗng nhớ Sài Gòn, mong khu trung tâm đừng vì phát triển mà quàng khăn bê tông lên các nóc nhà thành phố như Thượng Hải. Mong Sài Gòn giữ được bến cảng Ba Son, mong con đường đi bộ Nguyễn Huệ phải đẹp đến mức những khách du lịch Việt cũng tìm đến để thưởng thức đặc sản "đi bộ" đã biến mất trong dòng chảy của văn minh xe máy.

Đúng là mỗi bước đi mỗi bước nhớ quê nhà. Mong nụ cười Việt đừng biến mất trong dòng chảy của dòng tin tức xấu đang tràn ngập xã hội và báo chí.

Tôi nhìn ngắm họ mỗi bước đi. Một Thượng Hải với hàng ngàn, chục ngàn tòa cao ốc nhưng nhân viên khách sạn 4 sao nói tiếng Anh như bị đau răng, nhân viên khách sạn 5 sao nói không sõi, lại thiếu thái độ lịch sự lễ phép đặc trưng của người Á Đông. Taxi Thượng Hải xấu xí, cũ nát, nhưng phóng 80 km/h trên phố.

Khắp nơi trong cái dòng chảy của văn hóa chiều thẳng đứng, một lối sống bó hẹp trong các cao ốc, vẫn thấp thoáng lối sống cũ, khi các cao ốc bình dân tràn ngập mùi hương liệu tẩm ướp thức ăn, kiểu như mùi của món vịt quay Bắc Kinh trứ danh.

Quần áo phơi ngoài ban công ở khắp các con phố chính trong thành phố, nhưng cà phê cóc thì tuyệt đối không thấy, có lẽ không có khách ngồi cà phê suốt ngày.

Nhưng vẫn thấy thích cái thái độ tự tôn dân tộc, thấu hiểu vị thế đất nước trong mỗi công dân, từ người thành đạt làm chủ cả tập đoàn dệt may đến một nhân viên trong siêu thị.

Tôi nhớ lời một người bạn làm việc bảo tàng, giải thích chuyện ăn táo cả vỏ của người Trung Quốc: "Người dân ở các thành phố lớn phần đông đã đủ tiền để trả cho những quả táo "sạch". Các công ty kinh doanh phải có đủ thông tin để khách hàng biết điều đó". Tôi thích thái độ tự tin đó của người tiêu dùng Trung Quốc!

Theo BÍCH HỒNG

Cùng chuyên mục
XEM