Lý giải cho hiện tượng bóng đè

01/09/2015 21:25 PM | Sống

“Khi bạn bị bóng đè, bạn thức giấc.” – Daniel Denis, một nghiên cứu sinh ngành nhận thức khoa học thần kinh và nhà nghiên cứu cho Dự án Bóng đè, nói với tờ Business Insider. “Nghĩa là não bạn thức dậy nhưng cơ thể bạn thì không.”

Trong số chúng ta, có rất nhiều người đã từng gặp hiện tượng “bóng đè”. Người bị bóng đè thấy mình tỉnh giấc nhưng không thể cử động được. Mắt giật giật nhưng nặng chịch. Ngực như bị một vật đè nặng lên, không thở nổi. Sau đó, một bóng đen bắt đầu xuất hiện trong tầm nhìn. Đó chắc chắn không phải là một giấc mơ, vì bạn thực sự thấy nó và vô cùng hoảng sợ. Nhiều người cho rằng đó là ma quỷ đến tìm mình.

Ngày nay, hiện tượng bóng đè đã có được lời giải thích khoa học xác đáng. Một bài báo ra mắt năm 2011 đã tìm ra hơn 36.000 yếu tố xã hội và tâm lý tác động lên giấc ngủ của con người và dẫn đến hiện tượng bóng đè. Tác giả bài báo đó cũng cho biết 7,6% người bình thường từng bị bóng đè, còn trong nhóm nguy cơ cao, tỷ lệ này là 28,3% - ví dụ như học sinh bị thiếu ngủ vì ôn thi. Còn nhóm những người bị rối loạn tâm thần như lo âu và trầm cảm có tỷ lệ lên đến 31,9%.

“Khi bạn bị bóng đè, bạn thức giấc” – Daniel Denis, một nghiên cứu sinh ngành nhận thức khoa học thần kinh và nhà nghiên cứu cho Dự án Bóng đè, nói với tờ Business Insider. “Nghĩa là não bạn thức dậy nhưng cơ thể bạn thì không.”

Vì sao bạn không thể cử động?

Giấc ngủ chia làm bốn giai đoạn: ba giai đoạn non-REM (rapid eye movement: chuyển động mắt nhanh) và một giai đoạn REM. Mặc dù con người có thể nằm mơ ở bất kỳ giai đoạn nào, giai đoạn REM liên quan chặt chẽ nhất đến những giấc mơ sống động như thật của con người.

Não bộ cũng hoạt động trong giai đoạn REM tương tự như ban ngày. Con người bị tê liệt trong giai đoạn REM, có lẽ là để ngăn cản họ hành động như trong giấc mơ của mình. Quá trình này gọi là REM atonia. Người tỉnh giấc trong giai đoạn REM chỉ cần mở mắt rồi đi lại được ngay, nhưng những người bị bóng đè thì tiếp tục bị REM antonia ảnh hưởng sau khi thức dậy. Phần lớn sẽ kết thúc sau vài giây đến một phút, nhưng cũng có khi kéo dài đến 10 hoặc 15 phút trước khi người cử động lại được.

Về phần bóng đen xuất hiện trong giai đoạn bóng đè: khoa học vẫn chưa có lời giải thích phù hợp. Một nghiên cứu của UC San Diego cho rằng khi đó, bộ não đang tự diễn giải hiện tượng theo kinh nghiệm của mình. Các thùy đỉnh có thể vẫn chỉ đạo các tế bào thần kinh để cử động tứ chi nhưng tứ chi không cử động được nên não bộ tạo ra ảo giác về cử động.

Denis thì giải thích rằng hình ảnh người bị bóng đè nhìn thấy có thể là sản phẩm do hạch hạnh nhân tạo ra. Hạch hạnh nhân (amygdala) nằm ở phần trung tâm của não, chịu trách nhiệm xử lý các yếu tố cảm xúc của con người, bao gồm cả sự sợ hãi. Khi amygdala hoạt động quá mạnh, đánh giá xung quanh có nguy hiểm, thì não của bạn cũng phải tạo ra gì đó để khắc phục nghịch lý rằng hạch hạnh nhân cảnh báo không nguyên nhân.” Vì hạch hạnh nhân vẫn hoạt động trong giấc ngủ giai đoạn REM, tứ chi tê liệt sẽ khiến hạch hạnh nhân “rung chuông cảnh báo”.

Trải nghiệm

Một trong những nghiên cứu chuyên sâu đầu tiên về bóng đè vào năm 1999 đã phân chia bóng đè thành ba loại: đè nặng (incubus), kẻ xâm lược (intruder) và trải nghiệm bất thường (unusual bodily experiences).

Trong trường hợp “đè nặng” (incubus), người bị bóng đè cảm thấy có gì đó đè lên ngực mình, khiến họ khó thở.

Theo tác giả bài nghiên cứu, bóng đè chỉ tác động lên “nhận thức về hô hấp”. Hít thở là phản xạ của cơ thể, người bị bóng đè không hề thiếu oxy mà họ khó thở vì quá sợ hãi mà thôi.

“Trong giai đoạn REM, bạn thở rất nông và khí quản hẹp hơn, vì vậy đàng nào cũng khó thở hơn bình thường.” – Denis giải thích – “Tuy nhiên nếu bạn nhận thức được điều đó thì lại thành rất kinh khủng.”

Còn những người trải nghiệm loại 2 – kẻ xâm lược (intruder) – thì cảm thấy “sự hiện diện mơ hồ, nỗi sợ hãi, cùng ảo giác của thị giác và thính giác”. Về cơ bản, não bộ của họ tự tạo ra những hình ảnh để giải quyết sự mâu thuẫn trong não dưới ảnh hưởng của bóng đè. Tỉnh trạng này được gọi là “sự sợ hãi quá mức của não giữa” dẫn đến dù kích thích nhỏ nhất cũng được coi là “tín hiệu đe dọa hoặc nguy hiểm.” Điều này lý giải nguyên nhân chỉ một âm thanh nhỏ cũng trở nên đáng sợ với người bị bóng đè.

“Đè nặng” và “kẻ xâm lược” thường đi kèm với nhau. Triệu chứng của cả hai loại này đều chịu tác động của hạch hạnh nhân. Có một số người còn cảm thấy rằng họ cảm thấy như có ai đó xuất hiện rồi bóp cổ mình.

Loại 3, loại cuối cùng – “trải nghiệm bất thường” – là loại hiếm gặp nhất. Những người trải nghiệm bóng đè loại 3 sẽ thấy mình “thoát xác”, bay trong không trung và lượn quanh phòng. Theo một nghiên cứu năm 2013 với 133 bệnh nhân bị chứng rối loạn sợ hãi, hiện tượng này xuất hiện trong giai đoạn REM, tích hợp với việc cuống não, tiểu não và các trung tâm tiền đình vỏ não đều đang hoạt động.

Các cầu não ức chế chuyển động khi ngủ nằm ở vùng đó. Bạn cảm thấy mình đang di chuyển dù không phải vậy vì vùng não điều phối đó hoạt động quá mức mà thôi.

Tin đồn và văn học dân gian

Tín ngưỡng văn hóa cũng có tác động lên ảo giác và trải nghiệm khi bị bóng đè, dẫn đến những lời đồn đại cũng như sự ra đời của nhiều tác phẩm văn học dân gian. Tuy nhiên những tin đồn cũng như tác phẩm này đã thêm thắt nhiều yếu tố hư cấu, đi xa sự thật. Ví dụ như những câu chuyện về Boto – một chú cá heo màu hồng ở Amazon Basin – tối đến sẽ biến thành một kẻ cướp “sắc”, hoặc ở Việt Nam có truyện ngắn “Bóng đè” nổi tiếng một thời nói về một người phụ nữ quan hệ với người đã khuất trong lúc bị bóng đè.

Từ những nghiên cứu của mình, Denis nói rằng người sống trong “văn hóa phương Tây hiện đại” thường thấy kẻ cướp, kẻ hiếp dâm và người ngoài hành tinh trong khi bị bóng đè.

Cách phòng ngừa

Mặc dù bóng đè mang tính di truyền, ai cũng có thể gặp phải. Các nguyên nhân gây ra hiện tượng bóng đè có thể là thiếu ngủ, rối loạn giấc ngủ, lệch múi giờ hay đổi ca làm viêc cũng có thể gây ra bóng đè. Một vài nhóm người, chẳng hạn như người  Mỹ gốc Phi có thể thường xuyên bị bóng đè hơn. Bóng đè cũng có dẫn đến một số chứng bệnh như tăng huyết áp, co giật, chứng ngủ rũ (narcolepsy) – một chứng bệnh khiến một người mất khả năng tự điều chỉnh giấc ngủ và có thể ngủ vào bất cứ lúc nào.

Và mặc dù biết căng thẳng, lo âu, trầm cảm là những nguyên nhân dẫn đến bóng đè, chúng ta cũng không thể kiểm soát hoàn toàn các yếu tố này. Vì thế, bên cạnh việc giảm căng thẳng và ngủ đủ, chúng ta cũng có thể thử một số phương pháp khác giúp bản thân ngủ ngon hơn.

Không nằm ngửa khi ngủ là một cách. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người ngủ nằm ngửa bị bóng đè nhiều gấp 3 đến 4 lần những người ngủ nghiêng. Có người còn mặc đồ ngủ khiến cho việc nằm ngửa khó chịu hơn nhiều lần.

Còn nếu như bạn tỉnh giấc và thấy mình không thể cử động được, hãy cố tập trung toàn bộ sức lực để nhúc nhích một ngón chân hoặc một ngón tay. Chỉ cần bạn cử động được một cơ, hiện tượng bóng đè sẽ biến mất.

Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM