Kinh doanh bận thật đấy, nhưng ăn mì gói ít thôi!

11/12/2015 10:30 AM | Sống

Việt Nam là nước tiêu thụ mì gói nhiều thứ 2 thế giới. Nhưng sản phẩm này hầu như không cung cấp bất cứ dưỡng chất nào cho cơ thể, trong khi lại làm tăng nguy cơ huyết áp cao và đột quỵ.

Theo một thống kê mới đây của Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc, so với năm 2012, Việt Nam tăng 2 bậc trên thống kê các nước tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất thế giới với tỷ lệ trung bình mỗi người ăn 55 gói mì một năm.

Theo số liệu của, Việt Nam là nước tiêu thụ mì ăn liền nhiều thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Hàn Quốc. Tiếp đến là Indonesia và Thái Lan.

Rẻ, tiện và… ngon?

Mì ăn liền vốn là món ăn thay thế ngũ cốc phổ biến, tiện dụng và kinh tế đối với nhiều gia đình.

Vì rẻ? Một gói mì chỉ tầm 3.000 – 10.000 đồng.

Vì tiện? (1 gói mỳ + 1 bát nước sôi) x 3 phút = 1 bữa ăn

Vì ngon? Mỗi người một khẩu vị khác nhau. Nhưng đa số cho rằng chỉ cần 1 gói mỳ vị bạn thích + nước sôi + rau sống + ớt + thịt/hải sản, thêm chút măng ngâm nữa thì rất khó cầm lòng.

Cho nên, có nhiều lý do để người Việt chọn mì gói, từ sinh viên nghèo, công nhân hay ngay cả các CEO Startup quá đỗi bận rộn.

Dễ gây đột quỵ và ung thư?

Ăn nhiều mì ăn liền sẽ gây hại cho sức khỏe. Một gói mì có thể chứa đến 2.000 mg muối, nhiều hơn 4 lần so với lượng muối Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị cơ thể cần mỗi ngày, làm tăng nguy cơ huyết áp cao và đột quỵ. Ngoài ra mì ăn liền hầu như không cung cấp bất cứ dưỡng chất nào cho cơ thể.

Bên cạnh đó, bác sĩ Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm tư vấn Dinh dưỡng - Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cũng khuyến cáo: Mì ăn liền rất mặn, sự dư thừa muối do ăn nhiều cũng dễ nguy cơ cao huyết áp, tim mạch. Ngoài ra, có thể tổn thương chức năng thận và dễ tạo sỏi thận.

Sở dĩ mì ăn liền ngon, theo đánh giá của các chuyên gia là nhờ cho nhiều các gói gia vị, bột nêm đi kèm.

Trong các gia vị này thường có chất phosphate, nếu lạm dụng sẽ dễ bị loãng xương. Hơn nữa, thành phần của các gói gia vị mì có chất điều vị (MSG) giúp ăn ngon miệng, tạo vị giác ngon. Nhưng có một số ít người có thể bị dị ứng gây triệu chứng như mệt mỏi, nhức đầu, hồi hộp, tê nhức chân tay sau khi ăn.

Cũng theo bác sĩ Hải, việc ăn mì ăn liền ngày qua ngày dẫn đến có nguy cơ bị ung thư cao, nhất là ung thư hệ tiêu hóa do thiếu chất xơ và rau xanh.

Nên ăn mì thế nào?

- Ăn mì ăn liền với tốc độ vừa phải, 1 tuần ăn một vài gói thì không sao, ăn nhiều hơn sẽ không tốt cho sức khỏe.

- Khi ăn cần bỏ bớt gia vị, nhất là không nên dùng gói mỡ kèm theo bên trong sản phẩm, vì gói mỡ đó có mùi khét, "chất béo không tốt" này dễ gây nên thừa cân, béo phì, béo bụng, bệnh tim mạch.

- Trước khi ăn, lưu ý phải trần nước sôi, bỏ bớt lớp mỡ béo bên ngoài bởi vốn dĩ, mì ăn liền được chế biến theo phương pháp chiên, tích nhiều dầu mỡ gây béo.

- Thành phần của mì tôm lại chủ yếu là tinh bột và mỡ, do đó, để đủ vi chất, người ăn mì phải cho thêm rau, bổ sung thêm thịt.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM