Kiểu sếp đáng ghét nhất là kiểu luôn nghĩ nhân viên phải biết ơn mình!

23/02/2016 13:48 PM | Sống

“Nói xấu sếp” luôn là chủ đề bất tận của nhân viên khi tụ tập. Nếu mọi người đều trung thực thì rõ ràng những nhà quản lý tệ hại có ở khắp mọi nơi. Tại sao những nhà quản lý tồi tệ lại phổ biến đến vậy?

Đó là vì môi trường làm việc trên thế giới vẫn không ngừng biến đổi. Tuy vậy, các nhà quản lý, nhân sự hay cả CEO đều không nhận ra rằng thế giới ngoài kia đang thay đổi.

Người giỏi sẽ không ở lại để bị ngược đãi, nhưng đáng buồn thay, con số dám từ bỏ lại không nhiều. Các vị CEO thấy nhân viên ngồi tại bàn, cúi mặt và làm việc; họ thấy rằng mọi thứ đều ổn. Không, không hề ổn một chút nào. Có thể đến hơn nửa số người đang cúi gằm xuống bàn và nghĩ: “Tôi ghét công việc này và tôi đang mong chờ thời cơ để nghỉ việc!”

Điểm chung của những vị sếp tệ hại là họ vận dụng cách quản lý đã lỗi thời. Có vẻ như họ đang nghĩ đây là năm 1935 và nhân viên sẽ phải biết ơn họ khi có được một công việc. Họ đang nghĩ rằng tiền lương họ trả đủ khiến người ta vui mừng và hạnh phúc, kể ra khi phải làm những việc vô lý mà sếp yêu cầu. Thực ra là các sếp đang tự huyễn hoặc bản thân mình.

Ngày nay mọi người đã tính táo hơn, họ biết được đâu là người xứng đáng cho mình cống hiến. Con người không phải máy móc. Nhân viên chỉ thực sự dành hết trí tuệ và tâm huyết của mình nếu công việc thực sự thú vị, được thiết kế kỹ lưỡng. Đáng tiếc rằng không phải công việc nào cũng làm được điều này.

Đơn giản là sếp tốt sẽ quản lý nhân viên một cách nhân ái. Đa phần những người làm tốt điều này không học theo những quy tắc truyền thống của quản trị kinh doanh. Họ làm theo bản năng và trực giác, đúng với cách thức họ muốn quản lý bản thân.

Dưới đây là năm khác biệt lớn nhất giữa nhà quản lý tốt và tồi tệ:

1. Sếp tốt sẽ khuyến khích nhân viên cố gắng thực hiện tốt công việc. Sếp tồi sẽ không làm vậy, họ nghi ngờ cả những kế hoạch của mình. Do vậy, khi có điều gì sai xảy đến, họ sẽ nhảy vào để đổ lỗi và trừng phạt nhân viên ngay lập tức.

Người quản lý tốt sẽ tìm hiểu từ nhân viên: “Tại sao khách hàng này lại tức giận? Vậy có cần thay đổi quy trình hay cách thức giao tiếp không? Thật may khi có người phản hồi với chúng ta.”

2. Sếp giỏi sẽ hiểu được mối liên quan giữa niềm đam mê và chất lượng công việc. Khi ai đó trong nhóm bật lên ý tưởng, sếp chính là người xóa đi các trở ngại, chướng ngại vật. Họ sẽ không nói: “Đây không phải chính sách của chúng ta.” Thay vào đó là: “Để làm được điều này thì có lẽ cần phải điều chỉnh chính sách một chút. Anh sẽ trao đổi thêm với một số người để điều chỉnh lại nhé.”

Sếp tồi không bao giờ muốn làm những việc khó khăn. Họ luôn nói: “Đừng làm mọi việc rắc rối thêm nữa. Cứ theo theo luật mà làm thôi. Tại sao em không có ý tưởng nào khác? Công ty không trả lương cho em chỉ để ngồi nghĩ đâu.”

3. Sếp tốt không bao giờ quá để tâm vào những điều nhỏ nhặt. Họ luôn cố gắng tập trung vào những kế hoạch lớn của bản thân, nhóm và cả công ty.

Sếp tồi không hề có tầm nhìn chiến lược. Họ không thể thoát khỏi “bầu trời nho nhỏ” để đạt được những thành tích lớn hơn. Họp đắm chìm vào những điều nhỏ nhặt. Họ gửi cho nhân viên những mẩu mail đại loại như: “Ngày hôm qua, em đã đến muộn 7 phút, bởi vậy anh sẽ ghi vào hồ sơ nhân sự của em.” Nhưng họ không quan tâm đến việc tối hôm qua bạn đã phải ở lại đến tận 8h tối (đương nhiên không được trả lương) để hoàn thành một dự án cấp bách.

4. Sếp tốt tin tưởng bản thân đủ để tin tưởng nhân viên dưới quyền mình. Sếp tồi thậm chí còn chẳng tin tưởng bản thân mình được như thế. Chính vì lẽ đó họ cũng chẳng tin nhân viên trong nhóm. Họ đặt “chế độ cảnh báo” với bất kỳ hành vi nào của nhân viên. Họ không ngừng đếm vi phạm, thậm chí là đe dọa nhân viên dưới quyền, nói cho nhân viên biết việc không chấp hành quy định sẽ đem lại hâu quả ra sao.

5. Sếp tốt thường nói sự thật, ngay cả khi có thể khá khó khăn. Họ sẽ báo cấp trên nếu có gì đó vướng mắc.

Sếp tồi lại giữ im lặng trong những trường hợp này. Họ lo sợ có thể làm xáo trộn tình hình, cũng đừng mơ họ sẽ ủng hộ tích cực cho nhân viên. Thực sự thì họ không biết lãnh đạo là gì. Tất cả những thứ họ biết là mệnh lệnh và cách kiểm soát đã lỗi thời.

Không công ty nào có thể thành công nếu không có kế hoạch được chia sẻ cùng nhân viên hay những ý kiến hay không được coi trọng. Hiện nay, xu hướng quản lý dựa trên lòng tin đang lên ngôi. Các công ty cũng không còn nỗi sợ hãi phải đóng kín cửa doanh nghiệp nhằm tránh “chảy máu chất xám”.

Mai Lâm

Cùng chuyên mục
XEM