​Học sử qua bảng thuyết minh tên đường

14/02/2016 14:00 PM | Sống

Bằng những số tiền nhỏ cùng nhau gom góp, các cựu binh của Hội cựu chiến binh khối phố 6, phường An Sơn (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã đưa mô hình bảng thuyết minh tên đường len lỏi đến từng ngả đường, con phố.

Ông Phạm Công Chức - chủ tịch Hội cựu chiến binh phường An Sơn, người đầu tiên khởi xướng mô hình này - kể lại tình cờ một lần cùng ban quản lý đô thị đi khảo sát vệ sinh môi trường tại phường, một người nhìn vào bảng ghi tên lạ hoắc gắn trên trục chỉ đường rồi hỏi ông về thân thế nhân vật.

Câu hỏi quá đột ngột, do chưa tìm hiểu nên ông xin khất lại câu trả lời. “Từ hôm đó, tôi mới nảy ra ý tưởng làm bảng thuyết minh tên đường và cùng với các cựu chiến binh ở khối phố 6 thực hiện mô hình này” - ông Chức kể.

Sau ba tháng trình đơn lên các cấp chính quyền bày tỏ ý tưởng cũng như nguyện vọng của các cựu chiến binh, tháng 8-2015 mô hình gắn bảng thuyết minh tên đường được lãnh đạo TP Tam Kỳ đồng thuận và đưa vào triển khai.

Khối phố 6 là nơi đầu tiên ở TP Tam Kỳ áp dụng mô hình đặt tên đường gắn với tiểu sử chí sĩ cách mạng, danh nhân. Kinh phí để làm mô hình này chỉ vọn vẹn 7 triệu đồng từ sự đóng góp tự nguyện của các cựu chiến binh ở khu phố.

Giờ đây, 38 bảng thuyết minh đặt trên 11 tuyến đường ở khối phố 6 không chỉ đơn thuần là bảng tên đường mà còn là nơi để người dân, học sinh tìm hiểu, ghi nhớ công lao của những người đã hi sinh, đóng góp công sức trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.

Bảng thuyết minh đã trích dẫn thông tin chính yếu về tiểu sử nhân vật như ngày sinh, ngày mất, quê quán, vai trò của họ trong từng giai đoạn lịch sử.

Việc này sẽ giúp người dân hiểu sâu hơn về những công lao của họ đối với đất nước. Từng mốc lịch sử được tái hiện nằm ngay dưới bảng chỉ đường, đó thật sự là bài học lịch sử cho người dân, nhất là giới trẻ.

Bảng thuyết minh tên đường được rất nhiều người dân, nhất là các em học sinh, dừng lại để xem. Ông Lê Đình Phùng (62 tuổi, khối phố 6) bộc bạch: “Thú thật, nhờ bảng tên đường này mà mình mới hiểu được thân thế và sự nghiệp cũng như đóng góp của các chí sĩ yêu nước, danh nhân, anh hùng cách mạng”.

Em Nguyễn Thị Nhung (lớp 8 Trường THCS Chu Văn An, TP Tam Kỳ) chia sẻ: “Mỗi lần đi học về, em cùng các bạn thường đố nhau về các vị anh hùng ghi trên bảng tên đường. Từ thông tin sẵn có, chúng em liên hệ với những kiến thức đã học liên quan đến sự kiện gắn với tên tuổi của các danh nhân. Điều này giúp chúng em học môn lịch sử tốt hơn”.

Ông Chức cho biết thêm trong thời gian tới Hội cựu chiến binh phường An Sơn sẽ huy động sự đóng góp của các hội viên nhiều khối phố khác để nhân rộng mô hình này ở toàn phường.

 

Theo LÊ TRUNG - VÕ DUNG

Cùng chuyên mục
XEM