[Chuyện đẹp] Phương trình tình yêu của Nash

14/07/2015 15:56 PM | Sống

Trong rất nhiều ảo ảnh của cuộc đời, có một điều chắc chắn có thật: Tình yêu.

Phía sau một thiên tài

John Forbes Nash là một thiên tài. Điều này được thừa nhận ngay từ lúc ông 19 tuổi. Nhưng nếu câu chuyện về Nash chỉ đơn giản là câu chuyện về một thiên tài, hẳn nó đã không đặc biệt đến mức trở thành cảm hứng cho cả một tiểu thuyết và sau này là bộ phim đoạt giải Oscar đến vậy…

Cuộc đời ấy, phía sau những phút giây vinh quang, cũng là những ngày tháng tăm tối, như thể số phận cố tình sắp đặt để nó phải đủ đầy và kéo dài như thế, mặc bệnh tật hay thậm chí cái chết cũng không ngăn cản được sức sống đã duy trì hơn 87 năm qua.

Thư giới thiệu của John Nash

Bậc thầy của Lý thuyết trò chơi sinh ngày 13/6/1928 tại Virginia trong một gia đình có bố làm kỹ sư điện tử và mẹ là giáo viên. Từ bé, Nash đã tỏ ra khác người khi không thích chơi đùa mà chỉ thích đọc sách. Ở tiểu học, vì hay dùng những cách kỳ quặc để giải toán, cậu bị thầy giáo chê là “có vấn đề”.

Lên trung học, biểu hiện đó càng rõ, trong khi thầy giáo viết đầy bảng để giải bài tập thì Nash chỉ dùng vài thao tác đơn giản để tìm ra lời giải. Nhờ học giỏi, Nash nhận được học bổng của Học viện Công nghệ Carnegie. Tại đây, mọi người gọi anh là Guass trẻ với hàm ý thần đồng. (*)

Năm 20 tuổi, Nash lấy bằng thạc sĩ và được 4 trường đại học cùng lúc nhận làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Trong thư giới thiệu, Giáo sư Duffin của Học viện Carnegie chỉ giới thiệu về Nash bằng một câu: Người này là một thiên tài toán học.

Nhận xét ấy khiến Chủ nhiệm khoa Toán của Đại học Princeton hết sức quan tâm. Ông lập tức viết thư mời Nash sớm đến Priceton và hứa cấp học bổng 1.500 USD cho Nash - một số tiền rất lớn thời bấy giờ.

Tại Princeton, ngôi trường của Albert Einstein vĩ đại và Von Neumann đại tài, với không khí học thuật đầy tự do, John Nash thỏa sức vẫy vùng và bắt đầu những nghiên cứu đầu tiên của mình về lý thuyết cân bằng, một phần trong lý thuyết trò chơi ngày ấy còn mới lạ.

John Nash nhanh chóng trở thành ngôi sao mới trên bầu trời Princeton. Các bạn học xì xào: anh chàng này có chút lập dị nhưng cực kỳ thông minh. Lloyd Stowell Shapley (sau này là chuyên gia lý thuyết trò chơi nổi tiếng) nhận xét Nash là người khó hòa hợp nhưng tư duy logic của anh rất sắc bén và tuyệt đẹp.

Trong hai năm 1950 và 1951, Nash công bố mấy bài báo khoa học, trong đó có 2 bài quan trọng: Điểm cân bằng trong trò chơi N người và Trò chơi bất hợp tác. Ông đề xuất và định nghĩa khái niệm Cân bằng bất hợp tác (sau này gọi là Cân bằng Nash ), một đột phá khuôn khổ của Trò chơi kết cục bằng không. Định nghĩa này cùng với định nghĩa Tình cảnh khó khăn của tù nhân do Albert W. Tucker xác lập năm 1950 đã đặt nền móng cho lý thuyết trò chơi bất hợp tác.

Đúng sinh nhật thứ 22 của mình, Nash được trao học vị Tiến sĩ Toán. Thành tựu của Nash xuất sắc tới mức giới toán học thế giới đều coi anh là bậc thầy về lý thuyết trò chơi. Tạp chí Fortune gọi John Nash là ngôi sao mới sáng nhất của nền tân toán học nước Mỹ.

Nhưng cuộc đời thú vị ở chỗ, ta chẳng bao giờ biết điều gì là chắc chắn. Ngay giữa đỉnh vinh quang, người ta bắt đầu thấy Nash thơ thẩn viết những ký tự khó hiểu lên cửa kính, tự nhận mình là lãnh đạo phong trào hòa bình thế giới và từ chối lời mời của Đại học Chicago với lý do ông phải đi làm “Hoàng đế Châu Nam Cực”.

Và trong khi thế giới tưởng như đã quay lưng lại với người đàn ông điên dại này thì điều bất ngờ (và không kém phần đẹp đẽ) lại xuất hiện tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT)…

Anh có biết điều gì là thật không?

Tôi tin cuộc sống có bù đắp.

Như cách mà Stephen Hawking khi tưởng chỉ còn 2 năm để sống thì gặp Jane và có thêm hàng chục năm, như cách mà Yves Saint Laurent với cuộc sống của một người đồng tính chưa được xã hội chấp nhận thì Pierre Bergé xuất hiện và an ủi: “Anh cứ lo phát triển sự sáng tạo của anh, phần còn lại để tôi lo”. Nash cũng có Alicia. Bà xuất hiện, và tất cả những cô độc, đau khổ trước kia của Nash như được bù đắp hết.

Năm 1951 Nash tới MIT và gặp Alicia Lopez- Harrinson de Larde, một sinh viên vật lý từ El Salvodor. Cô gái xinh tươi kém Nash 5 tuổi nhanh chóng có cảm tình với vị giáo sư tài giỏi, điển trai và phong thái lịch lãm, thông minh. Mùa hè 1956 Nash được cử đến Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton làm việc; Alicia đi cùng ông. Khi trở lại MIT, ông và Alicia làm lễ thành hôn vào tháng 2/1957.

Cuộc hôn nhân của đôi uyên ương trẻ những tưởng sẽ là điểm khởi đầu cho một tổ ấm hạnh phúc thì không lâu sau, căn bệnh tâm thần phân liệt của John Nash trở nên trầm trọng và tới năm 1959, Alicia phải đưa Nash tới bệnh viện để điều trị trong khi bà một mình chuẩn bị cho việc sinh con đầu lòng.

Hạnh phúc, với mỗi người là lựa chọn. Với Alicia, lựa chọn của bà là tiếp tục đi bên cạnh chồng mình, dù đó là một Tiến sĩ Toán học hay một bệnh nhân tâm thần phân liệt, không lao động được, thậm chí còn tốn kém tiền chữa trị, với niềm tin hay một thứ động lực mà hẳn chỉ có mình bà biết rõ.

“Người ta nói rằng rất nhiều người bị bỏ lại trong các phòng bệnh phía sau bệnh viện tâm thần” – Alicia nói về quyết định đưa Nash về nhà. “Và những cơ hội vốn đã ít ỏi của họ cũng sẽ không còn nữa. Họ chỉ còn cách là kết thúc cuộc đời ở đó. Đó là một trong những lý do mà tôi nói rằng ‘Chà, tôi có thể mang anh trở lại’”.

Nhưng sẽ có lúc, mọi lựa chọn trở nên tương đối. Đến năm 1963, quá mệt mỏi với cảnh gia đình hỗn loạn Alicia và Nash chính thức li di mặc dù bà vẫn để Nash ở nhà mình và dùng đồng lương ít ỏi của một nhân viên chương trình máy tính để chăm sóc ông.

Cảnh khiến tôi xúc động nhất trong Một tâm hồn đẹp là cảnh, khi đã rất chán nản với việc bệnh tình của Nash ngày càng xấu, Alicia đã quyết định bỏ đi. Nhưng rồi chính bà lại chủ động quay lại, chỉ để hỏi chồng mình rằng:

 “Anh có biết điều gì là thật không?”

Và khi Nash lắc đầu không trả lời được thì bà chỉ tay vào ngực trái của chồng, mỉm cười và bảo chính là điều này.

Chẳng ai dám khẳng định tình yêu là tất cả lý do khiến Nash hồi phục. Nhưng rốt cuộc, chuyện thần kỳ đã xảy ra: từ cuối thập niên 80 Nash bắt đầu trò chuyện với mọi người, thậm chí có thể bàn bạc vài vấn đề toán học có ý nghĩa.

Ngày 11 tháng 10 năm 1994, Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tuyên bố: ba nhà khoa học John F. Nash Jr., John C. Harsanyi và Reinhard Selten được trao giải Nobel Kinh tế “vì các phân tích mở đường của họ về khái niệm cân bằng trong lý thuyết Trò chơi bất hợp tác.”

Sau hơn 30 năm im tiếng trong các hoạt động khoa học, tại lễ nhận giải Nobel, John Nash phát biểu:

Tôi đã luôn tin vào những con số, trong những phương trình và logic dẫn tới lẽ phải. Nhưng sau cả một cuộc đời theo đuổi, tôi tự hỏi cái gì là logic thật sự? Ai quyết định lẽ phải? Câu hỏi của tôi đã đưa tôi vào một trạng thái, một trạng thái siêu vật lý. Và tôi đã có được khám phá quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình. Khám phá quan trọng nhất trong cuộc đời của tôi. Nó chỉ có thể tồn tại trong các phương trình kì diệu của tình yêu, tất cả những lẽ phải đều có thể được tìm thấy: Tối nay anh đến đây chỉ vì em. Em là lý do để tôi tồn tại. Em là lẽ phải của đời tôi”.

Mùa xuân năm 2001, Alicia và John tái hôn sau 38 năm ly hôn.

Khi được phỏng vấn trước quyết định tái hôn, Alicia chia sẻ khá đơn giản. “Chúng tôi nghĩ rằng đó là một ý hay. Sau mọi chuyện, chúng tôi lại cùng nhau đi hết cuộc đời”.

14 năm sau, họ đã cùng nhau thực hiện ước nguyện đó theo đúng nghĩa đen.

Và có lẽ với Alicia, điều đó là quá đủ! (**)

Đàm Linh

Bài viết nhân dịp tưởng nhớ Nhà toán học John Forbes Nash cùng vợ ông Alicia Nash, đã qua đời vì tai nạn giao thông hôm 23.5.2015 tại New Jersey, Mỹ.

(*) Bài viết có sử dụng tư liệu “Chuyện thần kỳ ở Princeton” tác giả Nguyễn Hải Hoành, Tạp chí Tia Sáng, T1/2011.

(**) Tôi chẳng dám bình luận gì về câu chuyện này, bởi bản thân nó (câu chuyện ấy), chỉ đơn giản cứ là chính nó, đã đủ đẹp mà không cần thêm bất cứ tô vẽ nào rồi. Nhưng có một điều tôi biết, John Nash và Alicia Nash giúp tôi tiếp tục vững tin vào những điều đẹp đẽ và tử tế, vẫn còn rất nhiều ở quanh thế giới này!

Cùng chuyên mục
XEM