Bầu lên - Bầu xuống

29/06/2015 12:13 PM | Sống

Khi bầu Hiển nhảy chân vào làng bóng thì bầu Đức đã là một thương hiệu. Và khi nhóm bầu Đức, bầu Kiên dựng cờ “khởi nghĩa”, thành lập VPF để thay VFF điều hành các giải đấu quốc gia thì bầu Hiển nói một câu nổi tiếng: "Các ông bầu nói ít thôi, hãy làm đi".

Không hiểu có phải vì những khác biệt như vậy hay không mà lâu nay giữa bầu Hiển với bầu Đức luôn tồn tại rất nhiều khác biệt. Năm 2010, khi Hà Nội T&T của bầu Hiển đã đoạt chức vô địch quốc gia và nhận cúp vô địch trong vòng đấu cuối cùng trên sân Pleiku thì Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức vẫn quyết đá “hết ga hết số”.

Kết quả, HAGL thắng đậm tới 4/1, và lễ đăng quang của HN T&T sau đó diễn ra không như ý.

Sau này, ngay cả những khi ra Hà Nội thi đấu trong cảnh đã hết mục tiêu thì HA.GL vẫn quyết đá với HN.T&T đến cùng. Và có trận đấu, vì thắng HN.T&T mà cầu thủ Hoàng Anh vẫn được thưởng lớn.

Nhưng trong hai lần đọ sức ở V.League và Cúp Quốc gia gần đây thì gió đã xoay chiều. Một HN.T&T nhiều "Tây" (cả Tây xịn lẫn Tây nhập tịch), lại có nhiều cầu thủ nội giàu kinh nghiệm đã dễ dàng "đè nghiến" lứa U.19+ tài năng nhưng non nớt và kém va cham của HA.GL ở cả trận địa V.League lẫn Cúp Quốc gia.

Sự khác biệt trên sân bóng dường như cũng tỉ lệ thuận với những sự khác biệt đằng sau sân bóng. Nói như dân sành sỏi thì các năm 2013, 2014 từng là năm của bầu Đức, bắt đầu từ việc ông Đức bắt tay với ông Lê Hùng Dũng đưa CLB Arsenal đến Việt Nam, rồi ông Đức ngồi vào ghế Phó Chủ tịch tài chính VFF đến việc lứa U.19 do ông ươm trồng, chăm bẵm đã tạo nên cả một cơn sốt trong lòng người.

Ngược lại, đấy là quãng thời gian mà ông Hiển về danh nghĩa đã rút tầm ảnh hưởng của mình khỏi các CLB HN.T&T, SHB.ĐN, nhưng cứ mỗi khi ông xuất hiện trên ghế VIP và xuống sân chia sẻ niềm vui - nỗi buồn với các cầu thủ thì vấn đề "một ông chủ, hai đội bóng" lại được xới lên.

Mặc dù nó không bị xới với cấp độ mạnh, quyết liệt giống như hồi bầu Đức, bầu Kiên mới thành lập VPF và tuyên bố kiên quyết xoá bỏ những hủ tục V.League tồn tại lâu năm thì nó cũng khiến hình ảnh của bầu Hiển ít nhiều bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, đến năm 2015 thì sự thăng - trầm của bầu Hiển - bầu Đức lại diễn ra ở chiều ngược lại. Với bầu Đức: lứa U.19+ của những Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn... mà ông đặt rất nhiều kỳ vọng lại đang phải đối diện với cuộc đua chống xuống hạng ở sân chơi V.League.

Ở phía thượng tầng, có vẻ mối quan hệ của ông với Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cũng không đi đúng như những gì ông muốn. Trước đây, bầu Đức từng bảo: "Tôi chỉ làm phó nếu anh Dũng làm chủ tịch".

Và ở thời kỳ đầu ông Dũng làm chủ tịch thì cả hai người đều đặt niềm tin lớn vào lứa U.19+, thậm chí còn có ý định cử đội bóng này tham dự SEA Games 28. Nhưng khi Tổng cục TDTT có ý kiến, và khi HLV trưởng ĐT U.23 QG Toshiya Miura không thật chuộng U.19 thì ông Lê Hùng Dũng lại giữ một niềm tin tuyệt đối vào Miura.

Còn với bầu Hiển, năm 2015 rất có thể sẽ ghi dấu sự nhảy vọt mang tính đột biến của ông, khi ông đã tận dụng cơ hội CLB Man City không thể đến Indonesia như kế hoạch để mời đội bóng này tới Việt Nam. Nếu quả thật là Man City sẽ tới Việt Nam và sẽ đá giao hữu với ĐTVN vào ngày 27/7 thì chắc chắn hình ảnh, vị trí của ông Hiển sẽ được nâng cao.

Tóm lại, từ năm 2014 đến 2015, từ bầu Đức đến bầu Hiển, bóng đá Việt Nam đang chứng kiến những sự thăng - trầm, lên - xuống khác nhau. Và đấy có thể là những sự lên - xuống không chỉ tạo ra những tác động đơn thuần ở góc độ cá nhân.

Cứ chờ xem sao!

Theo Diệp Xưa

Cùng chuyên mục
XEM