Anh, Pháp và cả Mỹ phải học hỏi quốc gia nhỏ bé Bhutan điều gì?

18/12/2015 10:48 AM | Sống

Chỉ số Hạnh phúc năm 2015 của Bhutan đang phát đi một thông điệp rõ ràng: Tiền không mua được hạnh phúc.

Bhutan – vương quốc Phật giáo hẻo lánh ở châu Á sử dụng một thước đo độc đáo để tính toán sự tiến bộ của nền kinh tế thay vì GDP. Và Chỉ số Hạnh phúc năm 2015 đang phát đi một thông điệp rõ ràng: Tiền không mua được hạnh phúc.

Nằm ở dãy Himalayas giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Bhutan là quốc gia nghèo và lạ lẫm với người nước ngoài nhất là khi vị vua thứ 4 của nước này đã tuyên bố vào năm 1970 rằng “Chỉ số hạnh phúc” quan trọng hơn GDP.

Không quan tâm tới việc du lịch và năng lượng hydro có thể làm tăng thu nhập và giúp phát triển đất nước hay nền kinh tế của Bhutan đang phát triển ở tỷ lệ khá cao là 7%. Các nhà lãnh đạo quốc gia này lo ngại rằng xu hướng cuộc sống hiện đại sẽ khiến mọi thứ trở nên mất cân bằng.

Vì vậy, những người khảo sát về mức độ hạnh phúc của Bhutan nghĩ rằng việc trả lời những câu hỏi dưới đây là rất quan trọng:

“Bạn có tin tưởng hàng xóm của mình không?”

“Nói dối liệu có chính đáng không?”

“Bạn có cảm thấy như người xa lạ trong chính ngôi nhà của mình không?”

Chỉ số này cũng khảo sát về kỹ năng của những người thợ thủ công như người thợ thêu thùa, thợ mộc hay làm giấy.

Nếu “chúng ta đang đẩy mạnh giàu có mà thiếu đi yếu tố hạnh phúc, mọi người cảm thấy không hài lòng thì rõ ràng không ổn”, theo Thủ tướng Tshering Tobgay.

Bhutan hiện có dân số 750.000 người và vẫn rất lạc hậu từ lối kiến trúc tới phong cách ăn mặc của người dân. Chương trình cầu nguyện vào mỗi sáng sớm là một trong những chương trình phổ biến nhất trong mạng lưới truyền hình được điều hành bởi chính phủ.

“Cuộc sống ở đây rất chậm”, theo Tsheeang Norbu – một người đại diện của Ngân hàng phát triển châu Á tại Bhutan.

Tuyên bố về Chỉ số hạnh phúc của vị vua thứ 4 của Bhutan được hiện thực hóa vào năm 2010 khi quốc gia này tính toán được chỉ số hạnh phúc đầu tiên. Sau đó, ông đã từ bỏ ngai vàng và trao lại cho con trai của mình là Jigme Khesar Namgyel Wangchuck.

Trong khoảng thời gian đó, triết lý của ông đã tạo cảm hứng cho nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới. Trong năm 2008, vị tổng thống của Pháp là Nicolas Sarkozy đã yêu cầu nghiên cứu một công cụ thay thế để tính toán “sức khỏe” nền kinh tế.

Trong khi đó, Anh bắt đầu tính toán “Chỉ số thịnh vượng quốc gia” vào năm 2010 và một số thành phố của Mỹ như Santa Monica, California cũng đi theo trào lưu này. Liên hợp quốc cũng vừa công bố Chỉ số hạnh phúc thế giới lần thứ 3.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa quốc gia nào tính toán được Chỉ số hạnh phúc đầy đủ và đặc biệt như Bhutan.

Dasho Karma Ura – “kiến trúc sư trưởng” của chỉ số này tự hào nói rằng điểm khác biệt lớn nhất giữa chỉ số hạnh phúc của Bhutan với các nước phương tây đó là Bhutan không can dự vào cuộc sống tinh thần và xã hội của người dân. Họ chỉ hỏi ví dụ, trong 4 tuần vừa qua, bạn có thường xuyên cảm thấy bình lặng, điềm tĩnh hay không?

Để tính toán chỉ số hạnh phúc năm 2015, Trung tâm nghiên cứu Bhutan đã kêu gọi sự tham gia của 7.135 người với 33 chủ đề từ sức khỏe và sự giàu có tới sức mạnh cộng đồng và cân bằng cảm xúc.

Kết quả cho thấy trên 77% số người tham gia tự xếp hạng mình vào mức “cực kỳ hạnh phúc”. Dù vài người có thể không hài lòng trong một số điểm nhưng về tổng thể họ vẫn cảm thấy hạnh phúc.

Nhiều hộ gia đình đã có thu nhập cao hơn gấp 3 lần, lên mức 350 USD/người mỗi năm. Ít người phàn nàn về những loài vật phá hoại mùa màng và họ cũng nói rằng mình được ngủ đủ giấc hơn.

Tiêu chí bị sụt giảm lớn nhất trong năm nay là sự hài lòng với cách cai trị đất nước của chính phủ (xuống còn 34% từ mức 78% từ 5 năm trước). Điều đáng nói là điều này xảy ra ngay cả khi tỷ lệ khá cao những người nói họ đã được tiếp cận với những dịch vụ công cộng tốt hơn như chăm sóc sức khỏe và nguồn điện.

Các nhà lãnh đạo Bhutan nói rằng chỉ số hạnh phúc đang tìm kiếm sự cân bằng – giữa hiện đại và truyền thống, giữa thịnh vượng và hài hòa đời sống... Một số còn hy vọng rằng Bhutan có thể ngừng công bố những chỉ số kinh tế.

“Cá nhân tôi không muốn biết dữ liệu GDP của Bhutan’, Norbu Wangchuk – bộ trưởng bộ kinh tế nói. Tuy nhiên, “Bhutan vẫn cần tuân thủ theo những chuẩn mực của thế giới và không thể cô lập chính mình”.

Thay vào đó, thủ tướng Tobgay chia sẻ ông muốn tăng cường nền giáo dục phật giáo trong trường học, thúc đẩy kinh tế nông thôn và giảm tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tuổi.

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM