8 nguyên tắc tiêu tiền mang lại hạnh phúc

12/11/2014 11:24 AM | Sống

Tiền sẽ mang đến cơ hội của hạnh phúc. Bởi vì người có tiền sẽ có đảm bảo tài chính vững chắc cho một cuộc sống khỏe mạnh, đầy đủ và lâu dài hơn người không có tiền.

“Chúng ta thường quan niệm: Tiền bạc không mua được hạnh phúc. Tuy nhiên, đây có thể là một quan điểm sai lầm” - Daniel Gilbert, nhà tâm lý học thuộc Đại học Havard cho biết.

Theo Daniel, tiền sẽ mang đến cơ hội của hạnh phúc. Bởi vì người có tiền sẽ có đảm bảo tài chính vững chắc cho một cuộc sống khỏe mạnh, đầy đủ và lâu dài hơn người không có tiền. “Nhiều người cho rằng tiền bạc không mang lại hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu điều đó là sự thật, nó chỉ do cách tiêu tiền chưa đúng và chưa hiệu quả”.

Dưới đây là 8 nguyên tắc tiêu tiền giúp mang lại hạnh phúc mà Daniel và các đồng sự đã kết luận.

1. Mua những thứ đã trải nghiệm thay vì những món đồ mới

Trong một cuộc khảo sát 1000 người Mỹ, có 57% số người tham gia trả lời khảo sát nói rằng họ sẽ hạnh phúc hơn khi tiêu tiền vào những trải nghiệm, ví dụ đi xem phim, nghe nhạc, đi du lịch. 43% còn lại muốn dùng tiền để mua những món đồ mới như xe ô tô, máy bay, du thuyền… Kết quả khảo sát đã cho thấy, tiêu tiền vào những thứ đã trải nghiệm hạnh phúc hơn những món đồ mới lạ.

2. Dùng tiền để giúp đỡ người khác

Hạnh phúc của con người xuất phát từ chính những kết nối xã hội. Vì thế, thay vì chi tiền cho những nhu cầu “không thực sự cần thiết” của bản thân, chúng ta có thể dùng tiền để giúp đỡ những người gặp khó khăn hoặc làm từ thiện. Đó cũng là một cách tiêu tiền giúp mang lại hạnh phúc.

3. Mua những thứ có giá trị rất nhỏ

Sở hữu một chiếc Iphone đắt tiền sẽ là một điều tuyệt vời đối với bất cứ tín đồ công nghệ nào. Tuy nhiên, chỉ sau vài tuần, chiếc Iphone của bạn có thể trở nên lỗi thời sau khi có dòng sản phẩm mới ra đời. Do vậy đôi khi những món đồ có giá trị lớn không mang lại sự thỏa mãn cho chủ nhân bằng những món đồ nhỏ, như một tách cà phê hay một bản nhạc buổi sáng …

4. Không nên dành quá nhiều tiền để mua bảo hiểm

Chúng ta thường có xu hướng mua bảo hiểm để đề phòng những rủi ro, bất chắc trong tương lai. Tuy nhiên, có một nguyên tắc mà chúng ta thường không chú ý: Mua bảo hiểm cũng chính là mua cơ hội rủi ro. Khi mua bảo hiểm, “tin xấu” là khi rủi ro không xảy ra và bạn bị mất trắng số tiền đã chi cho bảo hiểm. Và ngược lại, “tin tốt” là khi bạn gặp rủi ro, được bảo hiểm chi trả.

“Con người thường có xu hướng tìm kiếm những đảm bảo từ các hình thức bảo hiểm để đề phòng rủi ro trong tương lai. Tuy nhiên, điều này không thực sự cần thiết. Đôi khi việc mua bảo hiểm giống như việc bạn đang tích trữ và mong chờ rủi ro đến” – Daniel cho biết.

5. Thanh toán ngay và tiêu dùng sau

Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, không phải ai cũng có điều kiện mua những thứ mình thích. Do đó nhiều người thường mua trả góp, mua chịu, mua để dùng trước và thanh toán sau. Tuy nhiên, đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Việc tiêu dùng trước, thanh toán sau không khác gì việc mua nợ vào người. Bởi vì chúng ta sẽ luôn cảm thấy lo lắng và mệt mỏi với áp lực trả nợ.

6. Mua những thứ bạn thực sự cần, chứ không phải những thứ bạn muốn

Khi tiêu tiền, chúng ta thường xuyên phải băn khoăn lựa chọn giữa thứ mình thực sự cần và thứ mình muốn. Đôi khi, những thứ bạn muốn mua không mang lại bất cứ lợi ích và giá trị sử dụng nào. Do vậy, thay vì chọn những thứ muốn mua, chúng ta nên chọn những thứ mình thực sự cần mua.

7. Không nên so sánh giá cả

Thói quen của hầu hết mọi người khi mua sắm đó là so sánh giá cả. Việc cân nhắc, xem xét và lựa chọn sản phẩm nào phù hợp về chất lượng, mẫu mã và giá cả là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu quá quan tâm đến vấn đề giá cả, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc quyết định và lựa chọn sản phẩm thực sự tốt. Đôi khi so sánh giá sẽ làm bạn mất đi niềm hạnh phúc khi tiêu tiền.

8. Tham khảo ý kiến bạn bè

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, kinh nghiệm luôn là người thầy đáng quý. Do đó, trước khi định tiêu tiền vào việc gì, chúng ta có thể tham khảo ý kiến của bạn bè hoặc những người đi trước. Những lời khuyên và trải nghiệm thực tế của họ sẽ giúp chúng ta đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

>> Những trường hợp càng tiêu tiền, càng tiết kiệm

Theo Nguyệt Quế

Cùng chuyên mục
XEM