14 bức ảnh mang tính biểu tượng định hình thế giới năm 2015

11/12/2015 16:33 PM | Sống

Từ hình ảnh cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter bị ném tiền vào mặt cho tới thi thể của cậu bé Syria trôi dạt vào bờ biển Hy Lạp, dưới đây là 15 hình ảnh có sức mạnh tương đương hàng nghìn câu từ đã tạo nên những thay đổi lớn nhất của thế giới trong năm 2015.

Bức ảnh cậu bé di cư 3 tuổi đã khiến cả thế giới nghẹn ngào. Aylan Kurdi mới chỉ 5 tuổi và đã bị chết đuối khi cùng mẹ và anh trai cố gắng chạy khỏi Syria để tới Hy Lạp. Bức ảnh đồng loạt xuất hiện trên trang nhất của các báo, khiến cả thế giới phải xót thương cho những người di cư. Cha của Kurdi là người duy nhất trong gia đình Kurdi còn sống sót nhưng ông đã trở về Syria.

Hồi tháng 6, Caitlyn Jenner xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Vanity Fair. Đây là lần đầu tiên bà xuất hiện với thân phận của một người phụ nữ chứ không phải với tư cách là nam vận động viên HCV Olympic hay 'cha dượng' của Kim Kardashian như xưa. Bà đã khơi dậy một cuộc tranh luận ở mức độ chưa từng có về quyền của nhóm người LGBT (đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới) và thái độ của người Mỹ cũng như toàn thế giới đối với người chuyển giới. Bà cũng lập kỷ lục thế giới mới khi có được 1 triệu người theo dõi trên Twitter chỉ trong 4 tiếng 3 phút.

Ngày 7/1, hai tay súng đã bước vào tòa soạn của tạp chí biếm họa Charlie Hebdo (Pháp) và sát hại 12 nhà báo nhằm trả thù cho bức ảnh châm biếm nhà tiên tri Mohammed. Trong số báo phát hành ngay sau thảm họa này, Charlie Hebdo đã đăng bức vẽ nhà tiên tri cầm một tấm biển có tựa đề "Je Suis Charlie" (tạm dịch: Tôi là Charlie). Câu khẩu hiệu này sau đó đã được sử dụng rộng rãi để thể hiện tinh thần cứng rắn, không chùn bước trước những kẻ tấn công bất chính.

Sát thủ gốc Anh Mohammed Emwazi, được biết đến nhiều hơn với tên gọi “John Thánh chiến”, đã trở thành hình ảnh biểu tượng cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (ISIS) sau khi xuất hiện trong một vài đoạn video ghi lại cảnh hành quyết các con tin người Anh, Nhật, Mỹ và Syria trong 2 năm 2014 và 2015. Tên này đã bị tiêu diệt trong một cuộc không kích nhằm vào Al-Raqqa, Syria hôm 12/11.

Tháng 6/2015, Mỹ thông qua đạo luật chính thức công nhận kết hôn đồng giới là hợp pháp. Để kỷ niệm quyết định mang tính lịch sử này, nhiều địa điểm nổi tiếng trên khắp nước Mỹ đã thắp đèn có ánh sáng màu cầu vồng (là biểu tượng của cộng đồng LGBT).

Biểu tượng Pray for Paris (cầu nguyện cho Paris) – gồm hình ảnh tháp Eiffel được bao quanh bởi một vòng tròn tượng trưng cho hòa bình – đã trở thành biểu tượng thể hiện tình đoàn kết của toàn thế giới sau vụ khủng bố đẫm máu ở Paris hôm 13/11. Tổng cộng 130 người đã thiệt mạng khi những tay súng khủng bố Hồi giáo tấn công các tiệm café, quán bar, sân vận động và nhà hát ở thủ đô của nước Pháp. Biểu tượng này được thiết kế bởi họa sĩ người Pháp Jean Jullien và bản gốc đã được chia sẻ 28.000 lần trên Facebook.

2015 là năm mà căng thẳng về chủng tộc nổi cộm ở Mỹ sau sự kiện người Mỹ gốc Phi có tên Freddie Gray thiệt mạng sau khi bị cảnh sát Baltimore bắt giữ. Tạp chí TIME đã đưa bức ảnh được chụp bởi công dân Devin Allen của Baltimore lên trang bìa. Trong ảnh là một người biểu tình da màu đang chạy trốn khỏi cảnh sát khi các cuộc bạo động đang bao trùm thành phố này. Bức ảnh của Allen xuất hiện trên cả CNN và BBC, và được chia sẻ hàng nghìn lần trên mạng xã hội.

Đây là một bức ảnh khác nhắc nhở chúng ta về sự tàn khốc của cuộc khủng hoảng di cư vẫn đang tiếp diễn ở châu Âu. Trong cơn mưa nặng hạt, người đàn ông Syria này đang bế đứa con trai nhỏ chạy tới biên giới giữa Hy Lạp và Macedonia. Anh đang kêu gọi những người đi trước hãy chờ đợi mình.

Bức ảnh này thể hiện rõ nét sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Nga và Mỹ. Ông Obama và ông Putin đã có một cuộc gặp hiếm hoi tại trụ sở Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York. Sau cuộc gặp này, hai bên đã thống nhất sẽ tổ chức các cuộc đàm phán để ngăn chặn xung đột ở Syria.

Nhờ "công chúa bé" Charlotte, Hoàng tử William và công nương Kate Middleton đã giúp nền kinh tế Anh quốc có thêm 3,4 tỷ bảng trong năm 2015.

Nhiếp ảnh gia người New York Brandon Stanton đã đem đến cho chúng ta một vài trong số những bức ảnh được lan truyền mạnh nhất trong năm 2015. Khi ông hỏi cậu bé Vidal (13 tuổi) ai là người truyền cảm hứng cho cậu nhiều nhất, Vidal đã trả lời đó là cô hiệu trưởng Lopez. “Một lần cô đã yêu cầu từng bạn học sinh đứng lên và liệt kê lý do vì sao ai cũng là người quan trọng”. Hình ảnh và câu chuyện này đã lan truyền rất mạnh. Vài tuần sau, 1 triệu USD đã được quyên góp để giúp đỡ Học viện Mott Hall Bridges đưa học sinh tới tham quan ĐH Harvard trong 10 năm tới. Vidal và cô Lopez cũng được mời tới Nhà Trắng và một học bổng mang tên Vidal đã ra đời.

Câu chuyện đằng sau bức ảnh này có 300.000 lượt chia sẻ trên Facebook. Người phụ nữ (mà tên không được nhắc đến) nhớ lại hành trình đáng sợ từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp. Hai vợ chồng được bọn buôn người đưa lên một chiếc thuyền cùng với 152 người di cư khác vào giữa đêm. Chiếc thuyền đâm phải một hòn đá và bị chìm. Chồng của cô đã đưa áo phao cứu sinh của mình cho một người phụ nữ khác và cố gắng bơi vào bờ. Tuy nhiên anh đã quá mệt và nói với vợ rằng anh cần phải nghỉ ngơi. Đó cũng là lần cuối cùng cô nhìn thấy chồng mình.

2015 là một năm đáng nhớ đối với Giáo hoàng Francis. Dù đã 78 tuổi, ông đã tới thăm tổng cộng 12 quốc gia và làm lễ rửa tội cho hàng trăm nghìn người.

Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), một trong những cơ quan quản lý lớn nhất của giới thể thao, đã trải qua một năm đầy bê bối. Hồi tháng 5, 7 quan chức FIFA bị bắt giữ vì tội tham nhũng, rửa tiền và lừa đảo. 1 tháng sau, Chủ tịch Sepp Blatter từ chức dù vài ngày trước đó ông vừa mới đắc cử nhiệm kỳ thứ 5. Tại một buổi họp báo của FIFA, diễn viên hài Simon Brodkin đột ngột xuất hiện trên sân khấu và ném tiền về phía ông Blatter.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM