10 điều mà chỉ những tỷ phú mới có thể làm

12/08/2014 09:43 AM | Sống

Có căn biệt thự sang trọng ở một thành phố lớn hay nhâm nhi một chai Cognac có giá 2 triệu USD, thậm chí sở hữu một hòn đảo tư nhân... Đó là những điều chỉ tỷ phú mới có khả năng để thực hiện.

Với một tỷ phú, tiền bạc không bao giờ là vấn đề khiến họ lăn tăn khi định làm một điều gì đó. Và có thể nói, tỷ phú có trọn thế giới trong tầm tay bởi “có tiền mua tiên cũng được”.

Giàu có đi kèm với nhiều ưu đãi và đặc quyền. Ví dụ như, bạn không phải chờ đợi hay xếp hàng ở sân bay mà có thể tự do đi đến bất cứ nơi nào vào bất kỳ thời điểm nào bạn thích bằng máy bay cá nhân với đầy đủ tiện nghi.

Bạn thường tưởng tượng về rất nhiều thứ mà bạn có thể làm nếu trở nên giàu có. Tuy nhiên, giàu có thôi chưa đủ, ít nhất bạn phải có trong tay hàng tỷ USD thì mới có đủ khả năng làm được những việc dưới đây:

Xây dựng tòa nhà trong mơ

Nhà riêng cao 27 tầng của tỷ phú Ấn Độ Mukseh Ambani ở Mumbai.

Có rất nhiều người có thể tự tay thiết kế và xây dựng ngôi nhà của riêng mình, nhưng không phải ai cũng có thể trang trí những nội thất tiện nghi và sang trọng bậc nhất như những tỷ phú. Trong căn nhà đáng mơ ước ấy bạn có thể thiết kế cả một hồ bơi, một bãi đậu trực thăng cá nhân, và cả một thư viện.

Tỷ phú Mukseh Ambani - người có khối tài sản 22,7 tỷ USD cùng với vợ đã quyết định xây dựng ngôi nhà mơ ước của họ ở Mumbai. Ngôi nhà cao 27 tầng. Có những tỷ phú còn xây dựng nhà cao gấp 2, gấp 3 lần như thế.

Tỷ phú có quỹ đầu cơ khổng lồ như John Paulson đã không ngần ngại mua cả căn biệt thự Aspen Saudi Prince, được gọi là Hala Ranch, trị giá 49 triệu USD. Trang trại xa hoa này từng được liệt kê trong danh sách top bất động sản đắt nhất tại Mỹ. 

CEO của tập đoàn Oracle, ngài Larry Ellison sở hữu tòa nhà lên đến 100 triệu USD tại Woodside, California  với kiến trúc Nhật Bản, gồm 7 tòa nối tiếp và một hồ nước nhân tạo.

Thưởng thức rượu ngon và đồ ăn thượng hạng

Chai Henry IV Dudognon Heritage Cognac Grande với giá 2 triệu USD.

Tỷ phú có thể đi du lịch thế giới và dùng bữa tại những nhà hàng tốt nhất có khung cảnh đẹp nhất. Họ không ngần ngại gọi một chai rượu sâm banh Gout de Diamants có giá 1,8 triệu USD, 1 chai Henry IV Dudognon Heritage Cognac Grande với giá 2 triệu USD hay dùng món trứng cá quý hiếm (25.000 USD) tại nhà hàng Caviar House & Prunier, London, món rib-eye ( phần thịt bò được cắt từ vạt sườn) hảo hạng ( 2.800 USD) tại nhà hàng Craftsteak,  New York.

Có chuỗi nhân viên phục vụ riêng

Có rất nhiều điều mà tỷ phú không cần tự tay làm. Họ có đủ đặc quyền để thuê những người khác làm việc cho mình. Đó là đầu bếp cá nhân, tài xế, nhân viên vệ sinh, kế toán, trợ lý, quản gia, người làm vườn, nhà thiết kế trang phục,…

Họ còn đi du lịch mà không cần phải lo ngại về vấn đề an ninh với đội ngũ bảo vệ 24/7. Tỷ phú thường tập trung vào du lịch và thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Họ đủ khả năng để làm bất kỳ điều gì họ muốn.

Có những thú "chơi ngông"

Tỷ phú thích những gì có tính phiêu lưu mạo hiểm như nhảy dù hay lướt sóng. Họ muốn thiết lập những kỷ lục mới và thích tham dự các môn thể thao sang trọng bậc nhất.

Tỷ phú Sir Richard Branson thích chụp hình với những pha nguy hiểm. Ông đã cố gắng lập kỷ lục vượt Đại Tây Dương bằng thuyền buồm và khinh khí cầu.

Tỷ phú Jeff Bezos, Giám đốc điều hành của Amazon, chủ sở hữu của tờ The Washington Post, đã dành khá nhiều tài sản để xây dựng một đồng hồ bên trong ngọn núi ở phí Tây Texas. Theo đánh giá của trang web Bezos Expedition, chiếc đồng hồ này được thiết kế để trở thành “một biểu tượng cho tư duy dài hạn”.

Có bảo tàng hoặc thị trấn riêng

Tỷ phú William "Bill" Koch có giá trị tài sản 4 tỷ USD đang xây dựng một thị trấn để trưng bày bộ sưu tập miền Tây hoang dã đáng nhớ của mình. Thị trấn Koch này có 50 tòa nhà, có chuồng ngựa, quán rượu và rất nhiều thứ đặc biệt khác.

Nhà đồng sáng lập Microsoft, tỷ phú Paul Allen thành lập cả một bảo tàng rock and roll và khoa học viễn tưởng.

CEO của tập đoàn sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ đồ thủ công mỹ nghệ - Hobby Lobby - David Green dự định xây dựng một Bảo tàng Kinh Thánh để trưng bày bộ sưu tập trên 30.000 hiện vật tôn giáo phong phú của mình. 

Tất cả sẽ chỉ là vấn đề thời gian khi mà giới siêu giàu muốn có một nơi để lưu giữ những thứ vô giá mà họ đã sưu tập.

Mua một hòn đảo tư nhân

Trong khi mua một chiếc xe hay một ngôi nhà thường là chi phí lớn nhất cho hầu hết mọi người, mua một hòn đảo nằm trong danh sách “công việc phải làm” của một tỷ phú. Giá một hòn đảo dao động từ 10 - 45 triệu USD.

Tỷ phú Richard Branson nổi tiếng sở hữu hòn đảo Necker trong quần đảo Virgin, Anh với diện tích 74 mẫu Anh (khoảng 30.000 m2).

Tỷ phú Larry Ellison đã trả 600 triệu USD để sở hữu 98% của hòn đảo Lanai.

Tỷ phú Ted Turner và David Murdock cũng đã mua hòn đảo tư nhân.

Sở hữu những bộ sưu tập hàng triệu đô la

Các tỷ phú thường có những bộ sưu tập của riêng mình như: tem, đồ cổ, xe, đồ trang sức,…

Tài sản ròng của Leon Black là 3,4 tỷ USD. Tỷ lệ đầu tư cho nghệ thuật trên tài sản ròng của ông là 22,1% (tương đương 750 triệu USD). Black cũng là nhà sáng lập của Apollo Global Management, một trong những công ty quản lý đầu tư lớn nhất thế giới. 

Năm 2012, ông được tiết lộ chính là người đã mua bức tranh The Scream của Edvard Munch với giá 120 triệu USD. Bộ sưu tập của ông gồm nhiều tác phẩm thuộc trường phái ấn tượng, tranh hiện đại, điêu khắc Trung Quốc và nghệ thuật đương đại… Ông cũng là thành viên ban quản trị của Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan và Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại.

Tỷ phú Ralph Lauren đã có hơn 70 loại xe sang trọng. James Irsay có một bộ sưu tập guitar rock 'n' roll, trong đó có một cây đàn guitar trị giá 970.000 USD.

Alan Casden có sở thích sưu tầm tiền xu của người Do Thái. Bộ sưu tập của ông bao gồm hơn 1.500 đồng tiền cổ và có giá trị hơn 40 triệu USD. 

Ronald Lauder, người thừa kế  công ty mỹ phẩm Este Lauder, có một bộ sưu tập nghệ thuật trị giá 650 triệu USD. 

Bill Gates chi nhiều tiền sưu tầm tranh và mua một cuốn sổ tay của Leonardo da Vinci – cuốn Codex Leicester. Đây là cuốn sách có giá bán đắt nhất lịch sử. Năm 1994, Bill Gates mua cuốn sách này với mức giá kỷ lục 30,8 triệu USD. Đây là một trong những vật thuộc sở hữu cá nhân của thiên tài trên nhiều lĩnh vực Leonardo da Vinci.

Là chủ của một đội bóng

Đứng sau các đội bóng danh tiếng là những ông chủ tỷ phú sở hữu khối tài sản kếch xù. Nhiều tỷ phú đến lĩnh vực kinh doanh thể thao bằng cách trở thành chủ sở hữu của một đội bóng. Nó có thể là một đội bóng chày, bóng rổ, bóng đá hay khúc côn cầu,…

Tỷ phú Mark Cuban sinh năm 1958, là ông chủ của đội bóng rổ Dallas Maverricks, hệ thống rạp chiếu phim Landmark Theater. Ông nổi tiếng là người chịu chơi, dám vung tiền cho những bữa tiệc xa hoa. Khi đội bóng của mình dành chức vô địch giải đấu NBA, Cuban, ông không ngại chi 110.000 USD để tổ chức bữa tiệc kéo dài 4 giờ ăn mừng chiến thắng.

Paul Allen là nhà sáng lập tập đoàn Microsoft nổi tiếng cùng với Bill Gates. Ông còn là người sở hữu cùng lúc hai CLB thể thao gồm CLB bóng bầu dục Seattle Seahawks và câu lạc bộ bóng rổ Portland Trail Blazers chơi ở giải nhà nghề NBA, Mỹ. 

Bên cạnh đó, Paul Allen cũng có cổ phần trong câu lạc bộ bóng đá Seattle Sounders FC. Với tài sản lên tới 15 tỷ USD, Paul Allen là người giàu thứ 53 trên thế giới năm 2013.

Sở hữu siêu du thuyền đẳng cấp và máy bay “khủng”

Chiếc du thuyền Eclipse của tỷ phú Nga Roman Abramovich đứng đầu danh sách 100 du thuyền lớn nhất thế giới của tạp chí Forbes.

Tỷ phú Abramovich tậu chiếc Eclipse năm 2010 với giá hơn 250 triệu USD. Chiếc du thuyền này dài 162m với chiều dài boong là 56m và một bể bơi dài 16m – bể bơi du thuyền lớn nhất thế giới hiện nay. Đáy bể còn có thể được nâng lên biến thành một sàn nhảy. 

Siêu du thuyền này có đầy đủ tiện nghi phục vụ cho 92 thành viên trong thủy thủ đoàn, đội ngũ nhân viên riêng của tỷ phú Abramovich và chứa được tới 3 chiếc trực thăng.

Tỷ phú, đạo diễn phim James Cameron đã mua một chiếc tàu ngầm để có thể thoải mái phiêu lưu dưới đáy biển.

Hoàng tử Al-Waleed bin Talal sở hữu một máy bay Airbus A380 có giá trên 500 triệu USD. 

Là nhà từ thiện hào phóng

Làm từ thiện cũng là một cách để các tỷ phú “khẳng định tên tuổi”. Bill Gates cùng vợ là bà Melinda đã thành lập một quỹ từ thiện riêng mang tên Bill & Melinda Gates Foundation  vào năm 1994. Ông bà đã đóng góp 28 tỷ USD cho từ thiện và đang lên kế hoạch giành 95% tài sản cho công tác từ thiện trong tương lai.

Tỷ phú giàu thứ 3 thế giới, Warren Buffett, cũng đã dành tới gần 23 tỷ USD làm từ thiện và cam kết dành tới 99% tài sản làm từ thiện sau khi chết.

Ông trùm facebook, Mark Zuckerburg là nhà từ thiện hào phóng nhất năm 2013 với việc hiến tặng 18 triệu cổ phiếu Facebook trị giá 992 triệu USD cho quỹ cộng đồng Silicon Valley Community Foundation hồi tháng 12/2013. 

Ở châu Á, một tỷ phú hào phóng nổi tiếng khác là Azim Premji, Chủ tịch tập đoàn Wipro, ông đã dành tặng 2 tỷ USD để hỗ trợ giáo dục trẻ em ở vùng nông thôn Ấn Độ.

>> Cách duy nhất trở thành triệu phú, tỷ phú và siêu tỷ phú

Theo Lan Oanh

vandoan

Cùng chuyên mục
XEM