Sống ở 'rốn ngập' Nguyễn Hữu Cảnh: 'Giữa TP.HCM mà tôi nghĩ mình như ở vùng lũ miền Trung vậy'

16/11/2020 10:52 AM | Xã hội

Là tuyến đường huyết mạch nối liền cửa ngõ phía Đông với trung tâm TP.HCM, thế nhưng, nhiều năm nay, cư dân sống ở đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn không thoát khỏi tình trạng ngập úng nặng. Chống ngập, nâng đường... nhà họ biến thành hầm.

"Hễ mưa là chắp tay trước bàn thờ tổ tiên cầu nguyện"

Ngày 31/10, cơn mưa như trút cuối buổi chiều khiến gia đình bà Vương Thị Lệ (75 tuổi, ngụ đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM) bồn chồn mãi không yên.

Công trình nâng cao mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh cùng hệ thống cống thoát nước công suất lớn được triển khai hơn năm thắp lên hy vọng trong lòng bà Lệ, "năm nay sẽ không còn sống chung với ngập". Thế nhưng, chỉ vài tiếng sau, nước đã tràn vào nhà.

Bà Lệ vội vàng tìm ván gỗ chắn ngang cửa, kê cao thùng gạo, đồ đạc bằng điện… Nhưng chút sau, căn nhà đã trở thành một bể chứa nước. Bà Lệ chỉ còn biết cúp cầu dao điện, ngồi bó giò trên giường sắt chịu trận suốt đêm.

"6h sáng hôm sau, nước rút bớt, tôi mới dám bước chân xuống giường. Gạo thóc trôi đầy nhà, sình đóng thành một lớp dày. Lúc đó, tôi thực sự không còn nhận ra căn nhà mình đã sống nữa…".

 Sống ở rốn ngập Nguyễn Hữu Cảnh: Giữa TP.HCM mà tôi nghĩ mình như ở vùng lũ miền Trung vậy - Ảnh 1.

Là cư dân sống ở đường Nguyễn Hữu Cảnh từ những năm 1969, bà Lệ chưa từng nghĩ, có ngày bà phải trải qua tuổi già cùng việc sống chung với ngập úng ngay trung tâm thành phố - cách phố đi bộ Nguyễn Huệ chừng vài kilomet.

Cách đây 2 năm, sau một trận ngập lịch sử khiến vật dụng trong nhà bị hư hại hoàn toàn, bà Lệ đành kê gạch dưới chân tất cả vật dụng cao hơn mặt đất 20 cm. Từ đó, viên gạch trở thành vật công cụ chống ngập hữu hiệu trong gia đình bà.

"Mình đâu biết hôm nào trời mưa, khi nào triều cường, nước lớn nên đâu dám bỏ gạch ra. Nước vào, bàn ghế, giường tủ hư hại,… có năm tôi mất vài chục triệu đồng, nên giờ cứ để vậy luôn cho chắc ăn. Ở ngay thành phố mà nhiều lúc tôi nghĩ như mình đang sống ở vùng bão lũ miền Trung vậy…" - bà Lệ thở dài rồi cười.

 Sống ở rốn ngập Nguyễn Hữu Cảnh: Giữa TP.HCM mà tôi nghĩ mình như ở vùng lũ miền Trung vậy - Ảnh 2.

10 ngày sau trận ngập, căn phòng của bà Lệ giờ vẫn nặc mùi ẩm mốc. Chiếc tủ bằng gỗ ngấm nước mục như giấy. Nhiều lần người con trai khuyên mẹ bỏ, nhưng bà tiếc rẻ. Với bà Lệ, những ngày thành phố đổ mưa, đó là ngày bà buồn nhất. Bà hay đứng trước bàn thờ tổ tiên, chắp tay cầu nguyện mưa nhỏ, chóng tan.

Đó là cách duy nhất người phụ nữ đã 75 tuổi còn có thể chống chọi với những trận ngập úng tại thành phố.

Sống chung với ngập úng

Ông Vũ Đức Tô Châu (68 tuổi) cũng ám ảnh mãi cái đêm cách đây 2 năm. Sau khi ăn tối trở về, cơn mưa lớn làm tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh trước nhà ông ngập chìm trong biển nước. Ông Châu len vào dòng xe chết máy, vội vã về nhà.

"Vừa vào hẻm thì nước đã lên tới mắt cá chân. Lúc đó, bao nhiêu đồ đạc, sách vở quý tôi sưu tầm đựng trong tủ kiếng đều ngập nước…".

Nhìn phía góc tường, thấy bàn thờ ông địa còn nhấp nháy ánh đèn trái ớt xanh đỏ trên nước, ông chạy tới tắt ngay. Thế nhưng, một dòng điện mạnh làm ông giật bắn. Ông Châu vội chạy ra khỏi nhà, gọi hàng xóm giúp đỡ.

Ông lão 68 tuổi gọi cú "hích" điện đó là cú "hích" điện "may mắn". Bởi chỉ cần sơ sảy một chút nữa, không chỉ ông mà nhiều người hàng xóm trong khu có thể nhiễm điện.

30 phút sau, mưa dứt, máy bơm nước đặt trên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh hoạt động... cư dân mừng thầm vì thoát ngập. Ông Châu vào nhà, tiếc đứt ruột nhìn đống tài sản ướt nhẹp vì trở tay không kịp.

Ông Minh (60 tuổi, cư dân tại 28E Nguyễn Hữu Cảnh) chia sẻ: Khi khu vực được giải toả, bà con liền xây dựng nhà. Thế nhưng, ngay sau đó, công trình cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh xây  lên cao hơn hẳn khiến toàn bộ tầng 1 gia đình ông bị "nuốt chửng" thành hầm.

Vừa kể, ông Minh vừa tiếc hùi hụi vì đằng sau bức tường hướng ra mặt đường chính, trước đây, ông từng có một vườn cây đầy hoa kiểng. "Giờ nó bịt kín, thiếu ánh sáng, nóng bức khiến gia đình tôi sinh hoạt rất bất tiện. Chúng tôi muốn đổ lên cao với mặt đường thì đất nền lại cao quá so với trong hẻm…" - ông Minh kể.

 Sống ở rốn ngập Nguyễn Hữu Cảnh: Giữa TP.HCM mà tôi nghĩ mình như ở vùng lũ miền Trung vậy - Ảnh 3.

Nhà dân bị bít cửa ra vào sau khi đường Nguyễn Hữu Cảnh được sửa.

Với nhiều cư dân ở đây, "sống chung với ngập úng" từ lâu đã là điều quen thuộc. Mỗi năm, cứ đến tháng 3, họ phải chuẩn bị đầy đủ phương án "chạy ngập". Người thì kê đồ đạc trên ghế, gạch để tránh nước vào đột ngột, người tôn nền nhà cao hơn mặt đường 60 tấc. Nói ra, nhiều người bảo: "Chuyện này là thường xuyên. Đường lớn không thoát nước được thì trong hẻm phải chịu ngập…".

 Sống ở rốn ngập Nguyễn Hữu Cảnh: Giữa TP.HCM mà tôi nghĩ mình như ở vùng lũ miền Trung vậy - Ảnh 4.
 Sống ở rốn ngập Nguyễn Hữu Cảnh: Giữa TP.HCM mà tôi nghĩ mình như ở vùng lũ miền Trung vậy - Ảnh 5.
 Sống ở rốn ngập Nguyễn Hữu Cảnh: Giữa TP.HCM mà tôi nghĩ mình như ở vùng lũ miền Trung vậy - Ảnh 6.
 Sống ở rốn ngập Nguyễn Hữu Cảnh: Giữa TP.HCM mà tôi nghĩ mình như ở vùng lũ miền Trung vậy - Ảnh 7.

Quay cuồng nâng đường, nhà dân cứ ngập

Bà Thuỷ là một thổ địa lâu đời ở hẻm 179 Nguyễn Hữu Cảnh, khi đã sống ở đây gần 50 năm. 60 tuổi, 1/3 cuộc đời khi về già của bà là chuỗi ngày sống chung với ngập.

Năm 1972, sau có ít tiền tích góp, bà Thuỷ mua lại mảnh đất hiện tại. Hồi ấy, đường Nguyễn Hữu Cảnh chỉ là con đường đất đỏ, xung quanh chằng chịt kênh rạch, ruộng vườn dẫn ra sông nên không bao giờ xảy ra úng nước.

Đến năm 2001, khi thành phố xây dựng công trình cơ sở hạ tầng thì tình trạng ngập bắt đầu xuất hiện. Lần đầu tiên, nước tràn vào hẻm, cư dân đồng lòng góp mỗi người hơn 1 chỉ vàng để cùng nâng đường.

Vài năm sau, nước vẫn vào hẻm, cư dân lại góp tiền. Riêng bà Thuỷ thì nhượng hẳn rảnh đất chiều ngang 0,5 mét làm hẻm cho bà con ra vào.

 Sống ở rốn ngập Nguyễn Hữu Cảnh: Giữa TP.HCM mà tôi nghĩ mình như ở vùng lũ miền Trung vậy - Ảnh 8.

Thế nhưng, sang năm 2004, mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh tiếp tục nâng cao, nhận thấy tình trạng có thể ngập, bà con tiếp tục góp từ 500.000 - 1,5 triệu đồng để cùng đổ đất nâng hẻm. Qua 3 lần, bà Thuỷ mừng vì tưởng đã thoát cảnh "sống chung với ngập". Thế nhưng, mùa mưa mỗi năm, nhà bà vẫn phải đối diện với tình trạng nước tràn vào không lối thoát.

Cách đây vài năm, trong một trận mưa lớn, nước tràn vào nhà khi các con đều đi làm, một mình bà Thuỷ sức yếu chỉ khuân vác được vài món đồ nhẹ để tránh rỉ nước. Rồi bà bỏ tất cả, ngồi trên giường, đợi nước rút.

Gần đây, những ngôi nhà mới xây cạnh nhà bà đều đổ đất nền cao 50-60 cm để sẵn sàng chống ngập. Bà Thuỷ nhìn, cũng muốn lắm! Nhưng ngặt nỗi, sức bà yếu, sợ dắt cái xe vào không nổi nên bà chỉ dám nâng thêm 20 cm trước cửa. Mưa to, nước vẫn vào nhà.

"Không biết còn nâng nhà tới bao giờ, mỗi lần nghe tin sắp nâng đường là bà con đều sẵn sàng chuẩn bị nâng hẻm nếu không muốn ngập…", bà Thuỷ thở dài.

Tháng 10/2019, Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đã khởi công dự án sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh. Tổng mức đầu tư cho dự án hơn 470 tỷ đồng, tiếp tục nâng mặt đường 0,3-0,5 m, riêng đoạn trước tòa nhà The Manor đến chân cầu Sài Gòn có nơi phải nâng đến 1,2 m.

 Sống ở rốn ngập Nguyễn Hữu Cảnh: Giữa TP.HCM mà tôi nghĩ mình như ở vùng lũ miền Trung vậy - Ảnh 9.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh đang được tu sửa, sẽ nâng cao 0,3-0,5 m sau khi hoàn thành.

"Mỗi lần đợi máy bơm chạy, nước đã tràn qua mắt cá chân rồi"

Năm 2017, thành phố ký hợp đồng trị giá 14 tỷ/năm, thuê máy bơm thoát nước của Công ty cổ phần Tập đoàn Quang Trung với suất 97.000 m3/giờ. Ngay thời điểm ấy, cư dân đường Nguyễn Hữu Cảnh đều hy vọng đây sẽ là biện pháp chống ngập hiệu quả. Thế nhưng, nhiều năm sau đó, nước vẫn tràn vào nhà.

"Nghe có hệ thống thoát nước hiện đại, cả xóm vui lắm vì biết sẽ không còn ngập nữa. Thế nhưng, mỗi lần đợi máy chạy thì nước đã tràn qua mắt cá chân rồi, nên bà con vẫn tự vận động cả thôi…", một người dân chia sẻ.

 Sống ở rốn ngập Nguyễn Hữu Cảnh: Giữa TP.HCM mà tôi nghĩ mình như ở vùng lũ miền Trung vậy - Ảnh 10.

Nhân viên môi trường phải nạo vét cống thường xuyên khi mưa lớn để nước thoát nhanh.

Từ khi sống ở khu vực Nguyễn Hữu Cảnh, bà Thuỷ có thói quen đi thăm dò đường. Nghe tin ở đâu nâng đường, bà lại tới, lấy gang tay đo đạc tỉ mẩn.

Mấy ngày nay, xe xúc làm việc dưới chân cầu xuyên đêm để thi công công trình cống thoát nước, bà con trong hẻm lại thêm phần hy vọng. Cảm giác ấy, bà bảo như năm 2017 khi máy bơm chống ngập được gắn trên trục đường.

Ông Châu, bà Lan thì khẳng định: "Vẫn sẽ ở lại hẻm, sống chung với ngập thôi", vì họ đã qua nửa cuộc đời cùng ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm.

 Sống ở rốn ngập Nguyễn Hữu Cảnh: Giữa TP.HCM mà tôi nghĩ mình như ở vùng lũ miền Trung vậy - Ảnh 11.

Vợ chồng bà Lan nói vẫn ở lại đây, sống chung với ngập vì tuổi già sức yếu.

Còn bà Thuỷ thì nghĩ khác đi. Con dâu bà sắp sinh, nhà sau khi nhường đất mở hẻm chỉ còn 25m2, bất tiện sinh hoạt. Bà đang tính bán căn nhà 50 năm tuổi, ra vùng ngoại thành mua một căn nhỏ dưỡng già, còn lại cho vợ chồng con trai sinh cháu. Nhưng qua dịch Covid-19, giá đất rớt thê thảm, bà Thuỷ vẫn chần chừ.

Trên bức tường xi-măng, tấm biển "Bán nhà" kèm số điện thoại, bà Thuỷ đã dán từ lâu với hy vọng tìm được một món tiền xứng đáng với ngôi nhà kỷ niệm. Giờ, nó đã chuyển vàng.

 Sống ở rốn ngập Nguyễn Hữu Cảnh: Giữa TP.HCM mà tôi nghĩ mình như ở vùng lũ miền Trung vậy - Ảnh 12.

Bà Thuỷ thì mong ước bán được căn nhà để chuyển đi một nơi ở tốt hơn.

Đánh giá tình trạng ngập úng nặng trên trục đường Nguyễn Hữu Cảnh, TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn (Chủ tịch NgoViet Architects & Planners) cho rằng, một trong những nguyên nhân là khu vực này có mật độ xây dựng cao, song hạ tầng lại không phát triển đồng bộ.

"Tuyến đường dài hơn 3 km, nhưng khi phát triển các khu cao tầng 2 bên lại làm cao hơn mặt đường nhiều. Điều quan trọng nữa là hệ thống cống thoát ra sông đã bị bít hết. Bê tông hoá khiến nước không thoát được ra sông mà còn đổ ngược lại đường", ông Sơn phân tích.

"Muốn Nguyễn Hữu Cảnh hết ngập cần phải có sự hợp tác công, tư. Không chỉ cải tạo tuyến đường này mà phải cải tạo cả nền của các khu cao tầng ở hai bên. Nếu mình cứ xây cao lên, bê tông hoá thì sẽ biến thành hai cái đê ở hai bên, nước sẽ dồn vô giữa... và ngập", ông Sơn nêu quan điểm.

 Sống ở rốn ngập Nguyễn Hữu Cảnh: Giữa TP.HCM mà tôi nghĩ mình như ở vùng lũ miền Trung vậy - Ảnh 13.

Ở góc nhìn khác, TS. Võ Kim Cương (nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM) lại cho rằng, ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh không phải do nhà cao tầng.

"Dù ở đây có đến 100 khu phức hợp cũng chả ảnh hưởng gì" - ông Cương nói.

Nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, thành phố cần xem lại hệ thống cống của đường Nguyễn Hữu Cảnh như thế nào, thay vì lý do hệ thống xây dựng làm chắn dòng chảy. 

"Lỗi không phải ở nhà cao tầng, mà lỗi do không làm cống, là trách nhiệm của cơ quan thoát nước", ông Cương nói.

 Sống ở rốn ngập Nguyễn Hữu Cảnh: Giữa TP.HCM mà tôi nghĩ mình như ở vùng lũ miền Trung vậy - Ảnh 14.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh nhìn từ trên cao.

Huy Hậu-Kỳ Hoa

Cùng chuyên mục
XEM