'Sống chết cũng phải đẹp': Tôn chỉ của phụ nữ giúp các hãng mỹ phẩm nhẹ nhàng bỏ túi hàng chục tỷ USD

05/01/2022 08:19 AM | Kinh doanh

Falguni Nayar, thành lập công ty thương mại điện tử mỹ phẩm hàng đầu Ấn Độ Nykaa vào năm 2012, hiện là nữ tỷ phú tự thân giàu có nhất đất nước tỷ dân này. Nữ tỷ phú là “hiện thân” của sự bùng nổ của ngành công nghiệp làm đẹp ở Ấn Độ, được thúc đẩy bởi những người có ảnh hưởng (KOL) và sự phát triển của thương mại điện tử trong bối cảnh đại dịch Covid -19.

Chủ nhật hàng tuần, Sunita Sharma, 39 tuổi cùng con gái Priti và chị dâu Aarti quây xung quanh chiếc điện thoại trong hai giờ sau khi hoàn thành công việc gia đình để xem hướng dẫn trang điểm của những người có ảnh hưởng (KOL) hàng đầu về làm đẹp trên YouTube.

"Chúng tôi ghi lại, mua sắm trực tuyến một số sản phẩm giá cả phải chăng mà họ giới thiệu, thử nghiệm rồi nhận xét. Trong môi trường xã hội cạnh tranh ngày nay, điều tối quan trọng là phải trông thật xinh đẹp", Sunita, một giáo viên ở Noida, một thị trấn ở bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ, giải thích.

Từ sự bùng nổ của nền tảng mua sắm trực tuyến

Hàng trăm nghìn phụ nữ Ấn Độ thuộc tầng lớp thượng lưu và trung lưu như Sharmas là một trong số những người tiêu dùng quan tâm đến các sản phẩm chăm sóc cá nhân và sắc đẹp, vốn đang tăng theo cấp số nhân ở một thị trường khổng lồ như Ấn Độ.

Theo Statista, một công ty dữ liệu tiêu dùng dự báo, quy mô thị trường sẽ lên đến 122 triệu người vào năm 2025.

Các nhà phân tích tiếp thị cho rằng, sự bùng nổ làm đẹp này là do hàng triệu người dùng internet ở Ấn Độ lần đầu tiên tham gia vào thị trường trực tuyến trong những năm gần đây do các gói dữ liệu di động rẻ hơn, cùng với việc các hoạt động thương mại điện tự phát triển trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Trong khi Flipkart do Amazon và Walmart kiểm soát đã được hưởng lợi từ sự gia tăng nhu cầu đối với các mặt hàng thời trang, sức khỏe, sắc đẹp và chăm sóc cá nhân, thì các thương hiệu sản xuất trong nước như nền tảng thương mại điện tử thời trang Myntra cũng có mức tăng trưởng đáng kể.

Manish Taneja, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập thương hiệu chăm sóc cá nhân và sắc đẹp Ấn Độ Purplle cho rằng, sự phát triển của ngành công nghiệp làm đẹp là do thu nhập khả dụng cao hơn và khát vọng về vẻ đẹp ngày càng tăng: "Trước đó, người tiêu dùng không được tiếp cận để tìm hiểu về các cách thức làm đẹp. Nhưng truyền thông xã hội đã làm thay đổi điều đó. Giờ đây, bất kỳ ai từ nông thôn đến thành thị đều có thể theo dõi trực tuyến để nhận các thông tin về các sản phẩm mới nhất và cách sử dụng để trở nên xinh đẹp".

Sống chết cũng phải đẹp: Tôn chỉ của phụ nữ giúp các hãng mỹ phẩm nhẹ nhàng bỏ túi hàng chục tỷ USD - Ảnh 1.

Purplle tiên phong trong tạo ra trải nghiệm mua sắm kĩ thuật số được cá nhân hóa

Tương tự các thương hiệu làm đẹp đang phát triển nhanh chóng của Ấn Độ như Sugar, Plum và MyGlamm do Amazon hậu thuẫn, Purplle đã tìm cách tận dụng xu hướng này bằng cách tạo ra "trải nghiệm mua sắm kỹ thuật số được cá nhân hóa cao". Người mua sắm trên nền tảng nhận được các gợi ý từ ​​danh mục hơn 50.000 mặt hàng dựa trên lịch sử tìm kiếm, hành vi mua hàng trước đây và chi tiết tính cách của họ.

Purplle tự hào có hơn 7 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và dự kiến ​​đạt doanh thu 2 tỷ USD vào cuối năm tài chính hiện tại. Doanh thu bán hàng của nền tảng đã tăng gần gấp đôi lên 15 triệu USD/tháng kể từ năm ngoái. Ngay cả tập đoàn phần mềm Tata Group cũng có ý định tham gia vào cuộc chơi. Tháng trước, tập đoàn này cho biết đang xem xét kế hoạch tự tạo ra các dòng thương hiệu mỹ phẩm như một cách thức để có tăng trưởng, được phân phối bởi công ty chi nhánh bán lẻ Trent, hiện đang điều hành một chuỗi các cửa hàng bán lẻ truyền thống.

Tuy nhiên, "tấm gương sáng" về thành công trong lĩnh vực làm đẹp trực tuyến của Ấn Độ là Nykaa, được thành lập vào năm 2012 bởi Falguni Nayar – tỷ phú giàu nhất trong số các nữ tỷ phú tự thân của Ấn Độ, theo Bloomberg Billionaires Index. Công ty thương mại điện tử mỹ phẩm hàng đầu của Ấn Độ đã đạt doanh thu 334 triệu USD vào năm ngoái, tăng từ 236 triệu USD năm 2020. Trong đợt chào bán lần đầu ra công chúng vào tháng 11, công ty đạt mức định giá 32,55 tỷ USD – cao hơn 82 lần so với mức dự kiến. Nền tảng cung cấp khoảng 200.000 sản phẩm từ hơn 2.000 thương hiệu - bao gồm các dòng sản phẩm trang điểm và chăm sóc da của công ty.

Sống chết cũng phải đẹp: Tôn chỉ của phụ nữ giúp các hãng mỹ phẩm nhẹ nhàng bỏ túi hàng chục tỷ USD - Ảnh 2.

Falguni Nayar, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Nykaa (Ảnh: AFP)

Một số thương hiệu làm đẹp khác lại hướng tới xu hướng tạo ra các sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường như công ty chăm sóc cá nhân Earthyblend có trụ sở tại Bengaluru. Công ty đã tung ra thương hiệu thuần chay và thân thiện với môi trường True Frog vào đầu năm 2020. Những doanh nghiệp khác lại tập trung đưa các sản phẩm có lượng khí thải carbon thấp hơn hoặc tận dụng nhu cầu lớn về các sản phẩm mỹ phẩm thảo mộc và ayurvedic.

Plum, được kỹ sư hóa học Shankar Prasad thành lập vào năm 2013, tự hào là thương hiệu 100% thuần chay duy nhất ở Ấn Độ, với các thành phần được tạo ra đặc biệt cho làn da Ấn Độ và khí hậu của đất nước "hoàn toàn tự nhiên, thuần chay kết hợp nhiều loại tinh dầu và chiết xuất tự nhiên".

Đến xu hướng các KOL tiếp thị sản phẩm

Taneja, Giám đốc điều hành của Purplle, cho biết công ty đã tiếp cận những người mua tiềm năng bằng cách khai thác sức mạnh của mạng xã hội và có đội ngũ nhân viên nói được tám ngôn ngữ khu vực của Ấn Độ, bên cạnh tiếng Hindi và tiếng Anh, "để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường ở những khu vực có nhu cầu lớn đối với những sản phẩm như vậy ".

Ông nói: "Chúng tôi sử dụng những người nổi tiếng Bollywood cũng như những người có ảnh hưởng và người sáng tạo nội dung để hướng dẫn trang điểm và cũng tạo ra nhận thức về sản phẩm đối với người mua".

Sống chết cũng phải đẹp: Tôn chỉ của phụ nữ giúp các hãng mỹ phẩm nhẹ nhàng bỏ túi hàng chục tỷ USD - Ảnh 3.

Nikitha Khatri có hơn 73.000 người theo dõi trên Instagram

Nikitha Khatri, 28 tuổi, một doanh nhân và KOL sắc đẹp có hơn 73.000 người theo dõi trên Instagram, nhận định, các thương hiệu làm đẹp của Ấn Độ đang ngày càng chuyển hướng sang các ngôi sao trên mạng xã hội thay vì những người nổi tiếng để quảng cáo do độc giả của họ có xu hướng tham gia nhiều hơn và sẵn sàng chịu "chi tiền".

KOL và nghệ sĩ trang điểm Pallavi Namdeo, 30 tuổi, cho rằng, khi mạng xã hội bùng nổ, ngày càng có nhiều thương hiệu làm đẹp quốc tế gia nhập thị trường Ấn Độ và các sản phẩm chăm sóc da Hàn Quốc trở nên phổ biến. Và vẻ ngoài đẹp đẽ được mong muốn có thể nhìn thấy ở khắp mọi miền đất nước, từ thị trấn nhỏ đến thành phố lớn.

"Trước đó, phụ nữ Ấn Độ chỉ trang điểm trong những dịp trang trọng. Nhưng bây giờ, ngay cả khi họ đến thăm một người hàng xóm hay đi mua sắm ở một cửa hàng tạp hóa, họ đều chỉnh chu", Namdeo cho biết: "Nhận thức này đang tạo ra nhu cầu cho những người sáng tạo nội dung như chúng tôi, những người không chỉ kết nối thương hiệu với người tiêu dùng cuối mà còn cung cấp thông tin cho họ về việc sử dụng các sản phẩm khác nhau, cách ứng dụng chúng, mua chúng từ đâu [và v.v.]."

Một nghiên cứu về những người mua sắm làm đẹp tại Ấn Độ do Google, công ty tư vấn thông tin chi tiết Kantar và công ty truyền thông WPP thực hiện vào năm 2020 cho thấy, những người có ảnh hưởng trực tuyến đang bắt đầu trở thành động lực thúc đẩy quyết định của người mua sắm ở quốc gia tỷ dân này.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, đàn ông Ấn Độ mua nhiều sản phẩm chăm sóc tóc và chăm sóc da gần như phụ nữ - chứng tỏ "không có sự khác biệt về giới tính đối với công cuộc làm đẹp". Mức độ ô nhiễm không khí ngày càng tăng của Ấn Độ - quốc gia có 21 trong số 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, theo Tổ chức Y tế Thế giới - và tác động của điều này đối với làn da là lý do khiến nhiều đàn ông Ấn Độ quan tâm đến việc chăm sóc da. Nó cũng thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm unisex như kem chống nắng.

(Theo SCMP)

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM