Sốc: một nửa Trái Đất đang lạnh đi nhanh chóng

17/03/2021 08:57 AM | Xã hội

Các nhà khoa học Na Uy đã phát hiện ra sự mất nhiệt không đồng đều giữa 2 bán cầu của Trái Đất, khiến lớp phủ 2 bên hành tinh chênh nhau tới 50 độ C.

Nghiên cứu công bố trên Geophysical Research Letters chia Trái Đất thành 2 bán cầu: một bán cầu bao phủ Thái Bình Dương, bán cầu còn lại chủ yếu là lục địa với trung tâm là châu Phi. Trong vòng 400 triệu năm qua, lớp phủ ở bán cầu chứa Thái Bình Dương đã được làm mát nhiều hơn tới 50 độ C so với bên còn lại, điều này cũng ảnh hưởng đến sự làm mát tổng thể trên toàn khu vực. Lớp phủ chính là tầng cấu trúc nằm ngay bên dưới vỏ Trái Đất.

 Sốc: một nửa Trái Đất đang lạnh đi nhanh chóng  - Ảnh 1.

Bản đồ thế giới với đường chấm chấm đánh dấu bán cầu chứa nhiều lục địa, với trung tâm là châu Phi. Phần còn lại chính là bán cầu chứa Thái Bình Dương. Khu vực viền cam đang nóng nhất vì ít mất nhiệt, trong khi khu vực viền xanh đang mát nhất vì thất thoát nhiệt nhanh - Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp

"Trái đất sở hữu chất lỏng màu đỏ, nóng bỏng giúp sưởi ấm toàn bộ hành tinh từ trong lõi. Lõi lỏng này cũng chuyển động, tạo ra cả trọng lực và từ trường của Trái Đất, bảo vệ bầu khí quyển Trong thời gian cực kỳ dài hạn, phần bên trong này sẽ tiếp tục lạnh đi cho đến khi Trái Đất trở nên giống Sao Hỏa ngày nay hơn" - nhóm tác giả dẫn đầu bởi Đại học Oslo (Na Uy), viết trong báo cáo.

Quá trình nguội dần đi này xảy ra thông quan hiện tượng thất thoát nhiệt lượng ra bên ngoài. Theo các mô hình máy tính mô tả sự tiến hóa nhiệt 400 triệu năm qua, quá trình mất nhiệt đang xảy ra nhanh hơn đến 25% so với dự kiến và chủ yếu sự thất thoát nằm ở bán cầu chứa đại dương, đó là lý do lớp phủ được làm mát nhiều.

Trích dẫn nghiên cứu trên Popular Mechanics cho biết nguyên nhân chủ yếu là độ dày của lớp vỏ Trái Đất. Vỏ Trái Đất ở các khu vực có lục địa dày hơn rất nhiều nên trở thành một tấm cách nhiệt vững chãi, ngăn nhiệt lượng từ lớp phủ thất thoát lên trên. Ngược lại, vỏ Trái Đất bên dưới Thái Bình Dương rất mỏng, chưa kể bên trên nó là một khối nước liên tục làm mát.

Tuy nhiên không phải lúc nào bán cầu đang chứa Thái Bình Dương cũng mát như vậy. Nghiên cứu chỉ ra rằng có một thời gian nó đã nóng hơn bên kia. Lần tìm theo các manh mối địa chất, họ phát hiện ra rằng đó là do sự khắc nhập - khắc xuất các lục địa.

Như nhiều nghiên cứu cho thấy, các lục địa đã nhiều lần tái hợp thành siêu lục địa rồi lại phân rã thành nhiều châu lục như ngày nay. Vì vậy, trong quá khứ nóng nực ấy, bán cầu này có thể chứa cả một siêu lục địa chứ không phải biển khơi. Thời điểm bán cầu chứa Thái Bình Dương ngày nay bắt đầu nguội nhanh là khoảng 230 triệu năm về trước.

Anh Thư

Cùng chuyên mục
XEM