Số phận Ukraine và lời "cầu cứu khẩn thiết" trước hành trình lột xác tính bằng thập kỷ

11/03/2022 08:45 AM | Xã hội

Ukraine sẽ phải đối mặt với một con đường chông gai, một "hành trình lột xác" có thể phải tính bằng thập kỷ.

Mới đây, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã khẩn thiết đề nghị Liên minh Châu Âu đẩy nhanh quá trình gia nhập cho Ukraine."Tôi chắc chắn điều này là công bằng. Tôi chắc chắn chúng tôi xứng đáng", ông Zelensky nói trước báo giới, "Tôi chắc chắn mọi chuyện đều có thể".

Bước đầu sóng gió

Năm 2008, Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner và người đồng cấp Thụy Điển khi đó Carl Bildt đã viết trên tờ Le Figaro như sau: "Chắc chắn Serbia sẽ sớm trở thành thành viên EU, bởi không có con đường nào khác. Điều này phù hợp với tiến trình lịch sử".

Serbia đã đệ đơn gia nhập Liên minh châu Âu ngay năm sau đó - năm 2009. Thế nhưng, tới nay, đã 13 năm trôi qua mà nước này vẫn chưa đóng được chương đàm phán nào sau 8 năm thương thảo, dù Serbia được coi là 1 trường hợp sáng giá trong số 5 quốc gia ứng viên của EU ở thời điểm hiện tại.

Hành trình kéo dài chưa thấy điểm kết của Serbia là một minh chứng cho thấy con đường gia nhập EU không dễ dàng.

Một quốc gia muốn trở thành thành viên của Liên minh châu Âu bước đầu phải đáp ứng được 1 hệ thống tiêu chuẩn, còn được gọi là Tiêu chuẩn Copenhagen. (bao gồm: Ổn định thể chế đảm bảo nền dân chủ, pháp trị, nhân quyền và tôn trọng - bảo vệ các nhóm thiểu số; Có nền kinh tế thị trường vận hành tốt cùng năng lực xử lý áp lực cạnh tranh và các tác động của thị trường trong khối; Có khả năng đảm nhiệm các nghĩa vụ của thành viên về chính trị, kinh tế và tiền tệ).

Tuy nhiên, bước đầu tiên này cũng đầy rẫy khó khăn. Như trường hợp của Serbia, nước này phải mất 6 năm sau khi đệ đơn gia nhập mới vượt qua được quá trình này để khởi động vòng đàm phán. Trong khi đó, Bắc Macedonia - 1 ứng viên EU khác - mất tới 16 năm. Đệ đơn từ 2004 nhưng mãi 2020, Bắc Macedonia mới tiến tới đàm phán gia nhập.

Số phận Ukraine và lời cầu cứu khẩn thiết trước hành trình lột xác tính bằng thập kỷ - Ảnh 1.

Lộ trình gia nhập EU của Bắc Macedonia vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: Alexandros Michailidis

Ngoài khó khăn trong quá trình đáp ứng Tiêu chuẩn Copenhagen, nguyên do của sự trì hoãn còn nằm ở 1 cụm từ trong quy định của EU về đàm phán:

"Khi một nước sẵn sàng, nước đó trở thành ứng viên chính thức - nhưng điều này không đồng nghĩa với việc quá trình đàm phán chính thức được khởi động. Các cuộc đàm phán về tư cách thành viên không thể bắt đầu cho đến khi toàn bộ các chính phủ EU đồng lòng nhất trí về khung đàm phán với nước ứng viên" - EU đăng trên website chính thức của khối.

Điều này có nghĩa là, quá trình đàm phán không thể tiến hành kể cả khi chỉ có 1 quốc gia trong khối phản đối. Thậm chí, đang đàm phán mà nảy sinh bất đồng thì bất cứ nước EU nào cũng có thể lập tức đình chỉ tiến trình gia nhập của nước ứng viên.

Bắc Macedonia là 1 trường hợp như vậy. Thực ra, nước này vượt qua vòng xét duyệt tương đối nhanh. Chỉ 1 năm sau khi đệ đơn gia nhập, Bắc Macedonia đã được EU cấp tư cách ứng cử viên. Thế nhưng nước này mất 14 năm "giậm chân tại chỗ" với EU vì tranh chấp tên gọi với Hy Lạp.

Tới 2019, khi Bắc Macedonia chấp nhận đổi tên (tên cũ là Macedonia) và quá trình thương thảo bắt đầu le lói triển vọng khởi động thì lại bị Bulgaria dùng quyền chặn đàm phán do không giải quyết triệt để về vấn đề lịch sử và tranh chấp bản sắc. Hiện nay, Bắc Macedonia vẫn chưa mở được chương đàm phán nào.

"Hành trình lột xác" tính bằng thập kỷ

Vậy đi được đến bước đàm phán rồi thì mọi chuyện có dễ dàng hơn không? Hãy thử xem xét trường hợp của Croatia - nước cuối cùng gia nhập EU tính tới thời điểm hiện tại.

Tháng 7 năm 2013, Croatia trở thành thành viên thứ 28(*) của Liên minh Châu Âu sau một thập kỷ nỗ lực, tiến hành quá trình cải tổ sâu rộng chính sách đối nội, lẫn đối ngoại. Ngoài ra, việc đối phó với những mối lo ngại của EU về tham nhũng và pháp quyền cũng là một thách thức khổng lồ.

Tiếp nối là 1 quá trình dài hơi mở ra rồi khép lại 35 chương đàm phán, áp dụng luật lệ mới, thành lập các tổ chức mới và thay đổi thực trạng khắp đất nước trong bối cảnh khủng hoàn kinh tế toàn cầu và thắt chặt ngân sách.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, lập trường đồng lòng về mong muốn cải cách đã giúp Croatia vượt qua được những giai đoạn trì hoãn và nhiều đời lãnh đạo liên tiếp của Croatia phải đưa ra các lựa chọn chiến lược, chấp nhận những rủi ro chính trị.

Số phận Ukraine và lời cầu cứu khẩn thiết trước hành trình lột xác tính bằng thập kỷ - Ảnh 2.

Người dân Croatia vẫy cờ EU sau khi nước này gia nhập liên minh năm 2013. Ảnh: Getty

Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng Croatia chỉ là 1 "ngoại lệ".

James Ker-Lindsay, học giả nghiên cứu cấp cao tại Đại học Kinh tế London cho biết, xét trên một số khía cạnh, Croatia đã "gặp may". Ông cho biết, Đức và Áo luôn giữ lập trường tương đối chắc chắn về tư cách thành viên của Croatia.

Theo học giả, một số nước thành viên EU đã nhắm mắt cho qua nhiều vấn đề của Croatia để ủng hộ biểu tượng chính trị mà quá trình mở rộng EU ở Tây Balkan đại diện. Việc Croatia gia nhập EU sẽ thúc đẩy các nền dân chủ non trẻ ở Balkan và những nơi khác gia nhập vào luồng vận động của châu Âu, cải cách cho phù hợp với châu Âu.

Thực ra, bản thân Ủy ban Châu Âu cũng thừa nhận trong báo cáo cuối cùng về quá trình chuẩn bị gia nhập của nước này rằng: Zagreb vẫn chưa giải quyết được tình trạng tham nhũng, buôn lậu và tội phạm có tổ chức.

Vậy tương lai nào cho Ukraine?

Tiến trình gia nhập đặc biệt cho Ukraine?

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal chia sẻ trên Twitter rằng, Ukraine "đang đăng ký tư cách thành viên EU theo một thủ tục đặc biệt" và "thời điểm xử lý mọi chuyện trên giấy tờ đã tới".

Trên thực tế, mong muốn của Ukraine được nhiều một số nước EU ủng hộ, đặc biệt là khu vực Đông Âu. Các lãnh đạo của Slovakia, Slovenia và Cộng hòa Séc đã lên tiếng hối thúc EU tạo ra một "lộ trình hoàn toàn mới", cho phép Ukraine nhanh chóng gia nhập EU.

"Họ chiến đấu vì chính bản thân mình, họ chiến đấu vì chúng ta - họ chiến đấu vì tự do", Thủ tướng Slovakia Eduard Heger nói, "Chúng ta phải hiểu rằng họ đang bảo vệ hệ thống của chúng ta, giá trị của chúng ta và chúng ta phải sát cánh cùng họ. Giờ không phải lúc đề lưỡng lự".

Mặc dù tiến trình đăng ký phức tạp và thường kéo dài, nếu các nước thành viên muốn đẩy nhanh tiến trình thì hoàn toàn có thể, Bloomberg dẫn lời 1 quan chức thạo tin cho hay. Nhưng thủ tục gia nhập EU có thể đơn giản hóa tới mức nào thì vẫn còn là câu hỏi đang để ngỏ.

Trả lời trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Pháp BFM, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cho biết, quá trình thảo luận gia nhập sẽ diễn ra và ông muốn thắt chặt quan hệ với Ukraine, cũng như người dân Ukraine, nhưng hiện có nhiều ý kiến và cảm xúc khác nhau trong số các thành viên EU về việc Ukraine gia nhập.

Số phận Ukraine và lời cầu cứu khẩn thiết trước hành trình lột xác tính bằng thập kỷ - Ảnh 3.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel. Ảnh: Reuters

"Tư cách thành viên vốn là yêu cầu lâu nay từ phía Ukraine", ông Michel nói, "Nhưng có những quan điểm và cảm xúc khác nhau trong nội bộ EU về vấn đề mở rộng khối". Phát ngôn của ông Michel khiến người ta phải đặt ra câu hỏi: Liệu toàn bộ các chính phủ EU có đồng lòng nhất trí về tiến trình đặc biệt cho Ukraine gia nhập hay không?

The Dispatch nhận định: Tư cách thành viên cho Ukraine không phải là cách để châu Âu giải quyết ngay chiến dịch quân sự của Nga. Một số chuyên gia lo ngại đây sẽ là sai lầm nếu châu Âu quyết định những việc như vậy với sự nhiệt tình trong bối cảnh hiện tại.

"Tôi lo ngại rằng, sự đoàn kết này có thể là tạm thời", học giả về chính sách và chuyên gia về EU tại Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Quốc tế Pawel Zerka nói với The Ditpatch, "Rõ ràng là anh sẽ đồng lòng với người Ukraine khi anh trông thấy chiến tranh đã ở ngay phía bên kia biên giới. Thật dễ để đoàn kết với Ukraine ở thời điểm hiện tại và thậm chí cũng dễ để mở cửa châu Âu đón người tị nạn từ Ukraine".

"Nhưng hãy tưởng tượng nếu cuộc xung đột này kéo dài hơn", Zerka nói, "Sẽ có tác động về mặt kinh tế từ cuộc xung đột bởi cấm vận nhằm vào Nga đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp ở châu Âu không thể giao thương với Nga nữa. Có nguy cơ giá năng lượng sẽ tăng cao hơn, đặc biệt nếu Nga quyết định ngừng hoặc hạn chế nguồn cung năng lượng mà châu Âu tương đối phụ thuộc".

Khi cú shock của cuộc chiến lùi xa, có thể những rào cản về cấu trúc sẵn có đối với tiến trình gia nhập của Ukraine sẽ hiển hiện rõ nét hơn, học giả Zerka nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, không thể loại trừ khả năng EU mạnh mẽ đưa ra 1 tiến trình mới dành riêng cho Ukraine trong bối cảnh thực địa nóng bỏng hiện tại. Điều này có thể sẽ phần nào được giải đáp trong hội nghị đang diễn ra của Hội đồng Châu Âu (10-11/3) với 1 trong những chương trình nghị sự chính là tiềm năng gia nhập của EU của Ukraine.

Ukraine đã tiến tới hội nhập với châu Âu trong 2 thập kỷ qua, nhưng đặc biệt rõ rệt kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2014.

Ukraine chưa được tiếp cận hoàn toàn vào thị trường đơn nhất của EU nhưng kể từ năm 2017, nước này đã có một thỏa thuận thương mại đáng chú ý với EU, trong đó cả 2 bên cùng thúc đẩy loại bỏ thuế quan. Cũng trong năm 2017, EU cho phép công dân Ukraine di chuyển giữa các nước EU trong thời gian ngắn (lên tới 90 ngày) mà không cần visa. Mặc dù chế độ miễn visa này không đồng nghĩa với việc công dân Ukraine được làm việc ở EU nhưng trên thực tế, nó đã tạo ra những cơ hội việc làm ngắn hạn không chính thức cho công dân Ukraine ở những nước như Ba Lan.

Theo các chuyên gia, Ukraine chưa đáp ứng được Tiêu chuẩn Copenhagen và cũng chưa trở thành ứng viên gia nhập EU.

(*) Croatia là thành viên thứ 28 của EU nhưng hiện tại EU chỉ có 27 thành viên do Anh rời khối.

Theo Thi Anh

Cùng chuyên mục
XEM