Số phận những chiếc xe đạp hỏng sau sự sụp đổ của dịch vụ chia sẻ ở Trung Quốc: Bị tháo ra làm ghế, đèn và nhà cho mèo hoang
Một đơn vị của chính phủ Trung Quốc ước tính rằng có tới 20 triệu chiếc xe đạp được sử dụng trong ngành công nghiệp chia sẻ vào năm 2017.
Sau sự sụp đổ của dịch vụ chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc vào năm 2017, hàng triệu chiếc xe đã bị vứt bỏ, thậm chí tạo thành những núi kim loại khổng lồ nhiều màu sắc.
Cơn sốt chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc cách đây 5 năm đã thu hút hàng tỷ USD tiền mặt của các nhà đầu tư và tiền đặt cọc của khách hàng. Các startup dùng số tiền này để sắm sửa hàng triệu chiếc xe đạp mới để nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần.
Tuy nhiên, khi sự sụp đổ không thể tránh khỏi xảy ra, hầu hết các công ty đều rơi vào cảnh phá sản đồng thời khiến chính quyền thành phố phải chi tiền để dọn dẹp "đống lộn xộn" của họ.
Yang Tengfei, phó tổng giám đốc của một công ty tái chế cho biết: "Khi dịch vụ chia sẻ xe đạp được coi là đem lại lợi nhuận lớn, tất cả mọi người đều nhảy vào xâu xé miếng bánh. Vốn đầu tư đến tới tấp nhưng quản lý kém đã tạo ra một ngành công nghiệp đầy rẫy vấn đề".
Núi xe đạp đang được xử lý.
Số lượng những chiếc xe đạp bị vứt bỏ là rất lớn. Một đơn vị của chính phủ Trung Quốc ước tính rằng có tới 20 triệu xe được sử dụng trong năm 2017. Xiaoming, 1 trong 60 công ty cung cấp ứng dụng chia sẻ xe đạp đã phá sản, hiện còn khoảng 430.000 chiếc xe tại hơn 10 thành phố. Theo Tân Hoa xã, một trong những khu tập kết lớn nhất ở trung tâm Thượng Hải có khoảng 30.000 chiếc xe đạp "rác".
Yang cho biết công ty của anh đã loại bỏ hơn 4 triệu chiếc xe đạp như vậy kể từ năm 2017. Họ chi tới 10 triệu nhân dân tệ mỗi tháng để mua xe đạp "rác". Mục đích là tận dụng thép, kim loại và nhựa của những bộ phận còn dùng được.
Các công ty phá sản gần như đã biến hoàn toàn và tất nhiên, họ không thể trả lại tiền đặt cọc của khách hàng. Các khoản đầu tư cũng bị xóa sổ. Theo chính quyền Hàng Châu, chi phí để loại bỏ mỗi chiếc xe không sử dụng trên đường phố khoảng 9,6 nhân dân tệ (tương đương 1,4 USD).
Không kể những chiếc xe được tái chế, người ta nhìn thấy rất nhiều chiếc xe trên các con sông và bụi rậm. Ngoài ra, những công ty vẫn cung cấp dịch vụ chia sẻ đến thời điểm này vẫn phải tuân thủ một số quy tắc an toàn. Theo đó, họ sẽ phải thay thế những chiếc xe đang sử dụng vài năm một lần. Điều này đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều chiếc xe "rác". Tuy nhiên, các đơn vị này cho biết họ đã tìm ra cách mới để tái chế chúng.
Mobike và YUUE phát hiện ra rằng các khung và bộ phận tháo rời của xe đạp có thể tạo nên những chiếc ghế và đèn có thiết kế thú vị. Mobike cũng biến lớp cao su từ 7.800 chiếc lốp xe cũ thành bề mặt cho một đường chạy ở một thị trấn ở tỉnh Thiểm Tây.
Một số đồ nội thất làm từ các bộ phận của xe đạp cũ.
Một nhà hảo tâm người Myanmar đã mua những chiếc xe đạp đã qua sử dụng từ công ty Ofo của Trung Quốc và Obike của Singapore và tặng cho học sinh địa phương để giúp các em đến lớp.
Xie Peng, quản lý bộ phận chuỗi cung ứng xanh của Hellobike, một trong những công ty còn tồn tại cho biết: "Nhiều công ty xe đạp chia sẻ nhỏ không nhận thức được về sự bền vững. Khi hoạt động trong lĩnh vực này, điều quan trọng là bạn phải thân thiện với người dùng và môi trường".
Về phần mình, công ty này đã tìm ra một cách sử dụng thân thiện với những chiếc xe đạp đã "về hưu" của mình: Dùng lốp xe làm nơi trú ngụ cho mèo hoang.
Thời gian gần đây, đại dịch Covid-19 dường như đã đem lại hy vọng cho dịch vụ chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc do mọi người vẫn cảnh giác với các phương tiện giao thông công cộng.