Số liệu ung thư ở Việt Nam thấp hơn cả Âu, Mỹ. Hiểu sao cho đúng?

28/03/2016 09:41 AM | Kinh tế vĩ mô

Ung thư đang là nguyên nhân trong "sổ Nam Tào" của nhiều người Việt nói riêng và nhiều quốc gia trên thế giới.

Sự ra đi của nghệ sỹ Trần Lập mới đây cùng rất nhiều thông tin về thực phẩm bẩn ở Việt Nam - nguồn cơn của nhiều căn bệnh, trong đó có ung thư - đang dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cả xã hội.

Ung thư đang là nguyên nhân trong "sổ Nam Tào" của nhiều người Việt nói riêng và nhiều quốc gia trên thế giới nói chung.

Thống kê ung thư ở Việt Nam: Dù đáng sợ nhưng vẫn chưa đáng tin?

Mới đây, theo số liệu công bố của Viện nghiên cứu phòng chống ung thư, trong 15 năm qua, số lượng các loại bệnh ung thư tại Việt Nam đều tăng rất nhanh.

Số lượng các ca mắc ung thư mới vào năm 2000 mới chỉ ở mức 69 nghìn, đến năm 2010 con số này đã lên tới 126 nghìn và ước tính vào năm 2020 sẽ là 200 nghìn ca.

Nam giới chủ yếu mắc bệnh ung thư phổi, dạ dày, đại-trực tràng, thực quản; còn với nữ giới đó là ung thư vú, đại - trực tràng, dạ dày, tuyến giáp, cổ tử cung.

Trên thực tế, số lượng người chết và người mắc ung thư có thể cao hơn thế gấp nhiều lần bởi hạ tầng ngành y tế của Việt Nam còn nhiều hạn chế trong cả phát hiện và điều trị bệnh.

Nếu trình độ phát triển của ngành y tế Việt Nam tương đương như các nước phát triển thì con số thực tế có thể cao gấp 3 đến 4 lần. Vì sao vậy?

Đó là bởi sự khác nhau trong việc thống kê các dữ liệu y tế. Theo đó, chất lượng thống kê dữ liệu về ung thư của nhóm nước đang và kém phát triển được các tổ chức nghiên cứu y tế quốc tế đánh giá rất thấp. Ví như Trung tâm nghiên cứu ung thư của Vương quốc Anh chỉ chấm điểm 4/6 cho chất lượng dữ liệu y tế của Việt Nam, Trung Quốc.

Theo đó, mức 6 tức là mức kém tin tưởng nhất đối với dữ liệu y tế của toàn bộ các nước ở châu Phi. Mức 1 thể hiện cho độ khả tín cao nhất của số liệu chỉ được áp dụng cho chất lượng thống kê y tế của các nước phát triển như Mỹ, Canada, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Nhật.

Như vậy ở hiện tại nếu chỉ nhìn vào mặt số liệu thì Việt Nam ở mức trung bình của thế giới về số ca mắc ung thư hàng năm và tỷ lệ chết vì ung thư. Nhưng nếu nhìn từ góc độ chất lượng số liệu thống kê y tế thì Việt Nam còn ở dưới mức trung bình.

Theo Global Cancer Map, tỷ lệ tử vong vì ung thư ở Việt Nam ở mức 138,7 người trên 100 nghìn dân, còn tỷ lệ tử vong do ung thư tại các nước phát triển lại ở mức cực kỳ cao, ví như Mỹ ở mức 300 người/100 nghìn dân hay Nhật Bản là 201,1 người/100 nghìn dân. Cùng lúc đó tỷ lệ tử vong do ung thư tại phần lớn các nước thuộc lục địa đen châu Phi lại chỉ ở mức thấp, thậm chí rất thấp.

Lý giải về điều này, các chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ trong báo cáo nghiên cứu có tên “Cancer Control Opportunities in Low- and Middle-Income Countries” đã chỉ ra rằng, chính trình độ phát triển rất kém của hệ thống y tế các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp khiến số liệu ung thư được công bố thấp hơn rất nhiều lần so với thực tế.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra ngay ở mức độ sơ khai của các con số thống kê về các nước đang và kém phát triển như hiện tại thì với 7 triệu cái chết vì ung thư mỗi năm, có đến 5 triệu tại các nước đang và kém phát triển.

Hi vọng được sống sau điều trị ung thư

Nếu chỉ tập trung vào con số tỷ lệ tử vong vì ung thư, có lẽ là chưa đủ. Cái người bệnh và người nhà bệnh nhân ung thư quan tâm thực ra là ở khả năng và hi vọng sống sau phát hiện và điều trị đến đâu.

Nhật Bản đứng đầu thế giới về tỷ lệ sống sau ung thư, lên đến hơn 52%, tức là cứ 10 người bị phát hiện ung thư thì có 5 người được cứu sống. Còn với nhóm nước thu nhập thấp và trung bình thấp, tồi tệ nhất là ở khu vực sa mạc Sahara với chỉ 6% người bị ung thư sống được thêm 5 năm.

Và trong khi tỷ lệ ung thư dạ dày ở các nước phát triển như Mỹ và nhiều nước Tây Âu giảm đều từ năm 1950 đến nay thì tỷ lệ này lại tăng ở nhóm nước có thu nhập thấp và trung bình thấp. Hơn 80% ca ung thư gan xảy ra ở nhóm nước có thu nhập thấp và trung bình thấp.

Năm 1998, nhà nghiên cứu R. Sankaranarayanan, R.J.Black, D.M.Parkin thuộc Viện nghiên cứu ung thư quốc tế đã tiến hành tìm hiểu bệnh nhân ung thư tại 10 thành phố lớn thuộc các nước Trung Quốc, Cuba, Ấn Độ, Philippines, Thái Lan.

Theo nghiên cứu đó, tỷ lệ sống sót của phụ nữ mắc bệnh ung thư vú ở các thành phố trên tại thời điểm thực hiện nghiên cứu chỉ tương đương với phụ nữ Mỹ thời kỳ từ 1974-1986. Duy nhất tỷ lệ sống sót sau ung thư vú ở Thượng Hải là tương đương châu Âu (72,7% sống thêm được 5 năm), còn lại tất cả các thành phố khác đều thấp hơn rất nhiều.

Nghiên cứu mang tên “Global Patterns of Cancer Incidence and Mortality Rates and Trends” do các chuyên gia Ahmedin Jemal, Melissa M. Center, Carol DeSantis and Elizabeth M. Ward thuộc tổ chức American Cancer Society cho thấy, tỷ lệ số người sống thêm được 5 năm sau khi bị phát hiện ung thư đại trực tràng ở các nước đang phát triển dao động từ 28% đến 42%, có nghĩa là cứ 10 người phát hiện ung thư thì chỉ có 3-4 người sống được thêm 5 năm. Trong khi đó tỷ lệ này tại Mỹ, Nhật và Thụy Sỹ cao gấp rưỡi đến gấp đôi.

Tóm lại, dù ung thư là một căn bệnh phổ biến trên thế giới, nhưng ở nước giàu, khoảng nửa số bệnh nhân sẽ được cứu và sống thêm được 5 năm, còn ở nước nghèo tỷ lệ tử vong thường rất cao.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM