Số liệu đang cho thấy sống ở nước nghèo dễ thành tỉ phú hơn ở nước giàu

30/05/2016 15:22 PM | Kinh doanh

Rất có thể đây là kết quả của quá trình tái cấu trúc chuyển đổi cơ cấu và phát triển nhanh chóng tại các quốc gia đang phát triển.

Theo một báo cáo mới từ Viện nghiên cứu Quốc tế Peterson thì tài sản của các tỉ phú tại những nền kinh tế đang phát triển đã tăng từ khoảng 500 tỉ USD năm 1996 lên đến khoảng 2.000 tỉ USD vào năm 2015. Trong khi đó, tổng tài sản của các tỉ phú ở những quốc gia phát triển là khoảng 3.000 tỉ USD.

Cũng trong năm 2004, những nền kinh tế đang phát triển chiếm 20% trong tổng số 587 tỉ phú theo thống kê của Forbes. Tuy nhiên tới năm 2014, con số này đã tăng lên 43% trong số 1.645 tỉ phú.

Ngoài ra, tại các nước phát triển, tỷ lệ tỉ phú tự thân (thay vì thừa kế tài sản) gần như không đổi trong giai đoạn từ 2000 – 2014 ở mức 60%. Tuy nhiên tại các quốc gia đang phát triển, con số tương tự lại tăng từ 56% - 79%.

Nhiều chuyên gia không ngần ngại đưa ra nhận định rằng không lâu nữa khối tài sản mà các tỉ phú ở nước nghèo sẽ đuổi kịp các nước giàu. Thực tế đây là một nhận định hoàn toàn có cơ sở bởi những lý do dưới đây được trích dẫn từ cuốn "Rich People Poor Countries" của tác giả Caroline Freund:

Đầu tiên, rất có thể đây là kết quả của quá trình tái cấu trúc chuyển đổi cơ cấu và phát triển nhanh chóng tại các quốc gia đang phát triển. Khi nền kinh tế của họ được mở rộng – giống như những gì nước Mỹ đã làm được vào cuối thế kỷ 19, các công ty lớn bắt đầu hình thành– tạo lập sự giàu có đồng thời đóng góp vào tốc độ phát triển toàn cầu bằng những sản phẩm tiên phong và tạo ra việc làm.

Ví dụ điển hình có thể kể đến là Terry Gou – nhà sáng lập của tập đoàn Hon Hai – một gã khổng lồ điện tử vào năm 1974 với số vốn ban đầu là 7.500 USD. Sự mở rộng lớn mạnh tại Trung Quốc của tập đoàn này đã khiến họ trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất Trung Quốc với lực lượng lao động đạt gần 1 triệu người.

Thứ 2, theo sự phân loại của tiến sỹ Caroline Freund đến từ viện Peterson thì tỉ phú tự thân được phân thành 4 loại gồm: Những người có tài sản từ quản lý chuyển nhượng hay những hình thức cho thuê khác; Những người hoạt động trong lĩnh vực tài chính và bất động sản; Những nhà sáng lập của các doanh nghiệp cạnh tranh công bằng trên thị trường; Và những lãnh đạo làm thuê ở các công ty lớn được trả mức lương cao.

Theo tiến sĩ Freund thì chỉ 2 hình thức tỉ phú cuối cùng mới được coi là những doanh nhân thật sự. Và thực tế thống kê cho thấy nếu như trong năm 2001, chỉ 12% tỉ phú tại những quốc gia đang phát triển được xếp vào hàng ngũ này thì đến năm 2014, con số này đã tăng lên 35%.

Rõ ràng những câu chuyện tay trắng lập nghiệp được thực hiện dễ dàng hơn bao giờ hết tại các quốc gia đang phát triển, thậm chí là các nước nghèo. Sự nổi lên của “những công ty khổng lồ” này giống như giai đoạn xuất hiện những công ty lớn ở Mỹ và châu Âu vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 hay ở Nhật Bản những năm 1950 - 1960 hay Hàn Quốc giai đoạn 1960 – 1970.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM