Sợ dịch tả, dân Sài Gòn chuyển sang ăn con 'hai chân, đang bơi'

03/04/2019 19:30 PM | Xã hội

Mặc dù dịch tả heo châu Phi chưa ghi nhận ở TPHCM nhưng nhiều bà nội trợ Sài Gòn e ngại, đã chuyển sang nhiều loại thực phẩm 'hai chân, đang bơi' như cá, thịt gia cầm, trứng…

Ghi nhận nhiều chợ tại TPHCM trong ngày 3/4, sức tiêu thụ thịt heo vẫn trong tình trạng ế ẩm. Chị Thủy, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Lê Văn Quới (Q.9) chỉ quầy thịt heo vẫn còn ê hề dù đã quá trưa, buồn hiu: “Mấy ngày nay thịt lợn rất ế ẩm, người đi chợ đa số chỉ ngó qua chứ không mua. Họ chuyển sang mua thịt bò, thịt gà hoặc cá hết rồi”.

Sợ dịch tả, dân Sài Gòn chuyển sang ăn con hai chân, đang bơi - Ảnh 1.

Nhiều loại thủy hải sản đã hết sớm ở chợ truyền thống


Đến nay, lượng heo về 2 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn đã giảm gần 2.000 con/ngày so với thời điểm chưa bùng phát dịch bệnh trên diện rộng. Dẫu vậy, giá thịt heo bán lẻ đến người tiêu dùng vẫn đứng ở mức cao: thịt ba rọi 110.000-120.000 đồng/kg, thịt nạc 100.000 đồng/kg, thịt đùi 80.000 đồng/kg.

Trong xu hướng giảm ăn thịt heo, nhiều gia đình tăng tiêu thụ thịt gà, vịt, bò, thủy hải sản… đẩy giá các mặt hàng này tăng nhẹ so với trước. Cụ thể, thịt bò hiện có giá 230.000-270.000 đồng/ kg (tùy loại), tăng khoảng 20.000 đồng/kg; giá gà công nghiệp tăng khoảng 10.000 đồng/kg, giá hiện tại là 55.000 đồng/kg; gà ta dao động lên 130.000-140.000 đồng/kg. Các loại cá như diêu hồng, chép, trê tăng 15.000-20.000 đồng/kg, tôm càng xanh giá 400.000-450.000 đồng/kg.

Sợ dịch tả, dân Sài Gòn chuyển sang ăn con hai chân, đang bơi - Ảnh 2.
Các loại trứng được chọn mua nhiều
Sợ dịch tả, dân Sài Gòn chuyển sang ăn con hai chân, đang bơi - Ảnh 3.

Chị Mơ (ngụ Q.6) kể, gia đình đã chuyển hướng sang các loạt thịt khác để thay thế thịt lợn, ngay từ khi bắt đầu có thông tin về dịch tả lợn châu Phi. “Để cải thiện bữa ăn, gia đình tôi lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc từ biển, mặc dù giá cả đắt hơn so với các sản phẩm tươi sống từ động vật. Ngoài ra còn dùng những sản phẩm thay thế thịt như đậu hũ, tương, trứng… để bữa ăn thêm phong phú” – chị Mơ nói.

Bên cạnh đó, giá nhiều loại rau xanh cũng “nhích” thêm vài ngàn đồng. Như rau muống, rau ngót, rau cải, súp-lơ đều có giá từ 15.000 đồng - 30.000 đồng/bó, su hào có giá từ 5.000 đồng - 6.000 đồng/củ; xà lách Đà Lạt 45.000 đồng/kg, dưa leo, cà chua từ 25-35.000 đồng/kg…

Sợ dịch tả, dân Sài Gòn chuyển sang ăn con hai chân, đang bơi - Ảnh 4.

Rau xanh nhích giá do những ngày gần đây


Nhiều tiểu thương cho hay, mức giá này tương đương giá Tết do khách mua nhiều, người bán đã tăng lượng hàng vừa tăng giá từ mấy tuần nay. Riêng đối với mặt hàng thịt gà, sức mua đã tăng gấp đôi so với thời điểm chưa bùng phát dịch tả lợn châu Phi.

Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty San Hà Foods chia sẻ, mỗi ngày công ty bán ra 200 tấn thịt, cao gấp đôi so với trước. Theo bà Hà, tăng trưởng bình quân của công ty đạt khoảng 10-15% nhưng từ đầu năm đến nay đã đạt 30%. Công ty đang đẩy mạnh nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Không chỉ thịt heo đang bị nhiều bà nội trợ dè chừng, mà các sản phẩm chế biến từ thịt heo cũng được tiêu thụ rất chậm. Tại một cửa hàng thực phẩm ở Q.3, nhân viên bán hàng cho hay, nhiều loại xúc xích, thịt nguội, chả giò, nem, chả… làm từ thịt heo gần đây rất ít người chọn mua. “Dù tất cả đều có nhãn mác, nơi sản xuất nhưng khách hàng vẫn e ngại lắc đầu”, nhân viên này bộc bạch.

Sợ dịch tả, dân Sài Gòn chuyển sang ăn con hai chân, đang bơi - Ảnh 5.

Nhiều người sợ thịt heo và các sản phẩm chế biến từ thịt heo, đã chuyển sang ăn gà, cá khiến sức mua tăng mạnh, đẩy giá cao như thời điểm tết


Tương tự, nhiều điểm kinh doanh giò, chả cũng trong tình trạng ế ẩm. Chị Thiên (bán hàng online) chuyên kinh doanh đặc sản miền Trung, trong đó có sản phẩm giò, chả nhà làm gần cả tháng nay “đóng băng” việc tiêu thụ. “Khách hàng lo lắng cũng có lý do cả. Mình chỉ còn cách không nhập hàng thôi, thay vào đó, tôi tăng cường nhập hàng thủy hải sản để giữ khách” – chị Thiên bày tỏ.

Trước diễn biến thị trường thịt heo cũng như biến động giá các mặt hàng thực phẩm thay thế thịt heo, Sở Công Thương TPHCM cho biết đang theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường để kịp thời điều tiết, bình ổn các mặt hàng thực phẩm thiết yếu trong trường hợp thị trường có diễn biến bất thường.

Sở cũng đã làm việc với các doanh nghiệp đầu mối cung cấp thịt heo về kế hoạch cung ứng, dự trữ trong trường hợp dịch bệnh lây lan làm ảnh hưởng tới nguồn cung. Các doanh nghiệp đã hoàn tất kế hoạch phòng chống dịch bệnh, dự trữ nguồn hàng bằng cách giết mổ, bảo quản đông lạnh, thậm chí chuẩn bị phương án nhập khẩu thịt heo từ nước ngoài về trong trường hợp có biến động gây thiếu hụt nguồn cung.

Theo Uyên Phương

Cùng chuyên mục
XEM