Sợ đến nỗi chẳng dám về nhà: Nỗi lo của phụ nữ "ế" tại Trung Quốc mỗi dịp Tết đến xuân về

02/02/2022 20:00 PM | Xã hội

Tại Trung Quốc, phụ nữ ngoài 25 tuổi chưa kết hôn sẽ phải chịu rất nhiều áp lực. Và áp lực ấy sẽ càng lớn hơn nữa mỗi khi Tết đến.

Trong văn hóa Trung Quốc, việc chăm lo cho gia đình và có con nối dõi nằm trong số những điều quan trọng nhất. Vậy nên, các bậc cha mẹ thường can thiệp rất sâu vào chuyện yêu đương của con cái khi đã đến tuổi cập kê. Chính sách một con trước kia đã khiến câu chuyện trở nên nặng nề hơn, vì con họ cũng là hy vọng duy nhất để tiếp nối dòng dõi gia tộc.

Nhưng cũng chính bởi vậy mà việc chưa lập gia đình và có con trở thành một gánh nặng, đặc biệt là với những "phụ nữ thừa" (sheng nu) - khái niệm dành cho phụ nữ gần 30 tuổi vẫn độc thân ở Trung Quốc. Càng gần Tết, áp lực càng lớn hơn, đến mức họ tìm cách lẩn tránh chính gia đình của mình.

 Sợ đến nỗi chẳng dám về nhà: Nỗi lo của phụ nữ ế tại Trung Quốc mỗi dịp Tết đến xuân về - Ảnh 1.

Những người phụ nữ "thừa" (leftover) tại Trung Quốc phải đối diện với nhiều áp lực

Một số người quyết định chọn cách ở lại thành phố, không về quê. Họ thậm chí xin sếp làm thêm giờ vào dịp nghỉ lễ. Có người thì tìm cách kiếm tạm một anh bạn trai nào đó về ra mắt. Nhưng tựu trung, áp lực dồn lên họ là quá nhiều. Các bệnh viện thậm chí còn ghi nhận làn sóng người trẻ phải điều trị rối loạn lo âu gia tăng.

"Năm ngoái tôi sợ đến mức chẳng dám về nhà. Năm nay cũng thế, chẳng muốn về nhà, nhưng có lẽ chẳng tránh được," - Emily Liu, 32 tuổi, nhân viên làm việc cho một công ty nhà nước chia sẻ.

"Bố mẹ bảo rằng 'bạn học của mày có con cái hết rồi, còn mày đến bạn trai còn chẳng có,'" - cô than thở. "Đây là chủ đề duy nhất được bàn đến mỗi khi tôi về nhà. Nó thậm chí đánh động cả họ hàng nữa. Áp lực thực sự." 

Áp lực từ truyền thống

Trên thực tế, cụm từ "phụ nữ thừa" là khái niệm khá phổ biến tại châu Á, nếu như gần 30 tuổi họ vẫn chưa lấy chồng. Nhưng quá trình phát triển kinh tế thần tốc của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua đã khiến nhiều phụ nữ quyết định chọn sự nghiệp thay vì kết hôn sớm, hoặc chẳng cần kết hôn. Xu hướng này đã khiến tỉ lệ sinh nở tại Trung Quốc giảm đi nhanh chóng suốt 1 thập kỷ vừa qua.

 Sợ đến nỗi chẳng dám về nhà: Nỗi lo của phụ nữ ế tại Trung Quốc mỗi dịp Tết đến xuân về - Ảnh 2.

Năm 2020, chỉ có 15,2 triệu trẻ em được sinh ra tại Trung Quốc - thấp hơn 2 triệu so với 1 năm trước đó. Chính phủ Trung Quốc vì lo sợ xu hướng này sẽ trở thành một quả bom nổ chậm với độ tuổi dân số quốc gia mà từ bỏ chính sách 1 con, khuyến khích các gia đình sinh nở nhiều hơn.

Nhưng bất chấp việc có nhiều hơn 33 triệu đàn ông so với phụ nữ ở Trung Quốc, phụ nữ mới dễ bị coi là "phần thừa" hơn so với nam giới. Trong khi chiến dịch tăng tỉ lệ sinh nở chưa đạt hiệu quả, việc khuyến khích phụ nữ trẻ lập gia đình và sinh con sớm cũng chẳng khá hơn. Tỉ lệ kết hôn tại Trung Quốc đã giảm liên tiếp trong 5 năm qua, và hiện đất nước này còn tới 200 triệu người trưởng thành còn độc thân.

Bởi vậy, một số công ty đã gia nhập xu hướng để thay đổi câu chuyện này, bằng cách khuyến khích nữ nhân viên công ty hẹn hò, thậm chí là lập gia đình. Như 2 công ty tại Hàng Châu đã cho phép nhân viên nữ độc thân trên 30 tuổi có thêm 8 ngày nghỉ vào dịp Tết để có cơ hội kiếm tìm, vun vén hạnh phúc cho mình. Nghĩa là, tổng cộng họ có tới 15 ngày nghỉ. Và nếu kết hôn trước cuối năm, họ sẽ nhận được thưởng Tết nhiều gấp đôi so với bình thường. 

 Sợ đến nỗi chẳng dám về nhà: Nỗi lo của phụ nữ ế tại Trung Quốc mỗi dịp Tết đến xuân về - Ảnh 3.

Phụ nữ ngoài 25 tuổi mặc nhiên sẽ bị dồn áp lực sớm kết hôn

Một trường trung học khác tại Hàng Châu cũng cho giáo viên có thêm 2,5 ngày nghỉ mỗi tháng để phục vụ chuyện yêu đương. Điều này dựa trên số liệu thực tế rằng 40% giáo viên trong trường vẫn còn độc thân, nên nhà trường muốn tạo điều kiện giúp họ - dựa trên lời của hiệu trưởng. Ngoài ra, các giáo viên đã kết hôn mà chưa có con đều sẽ có thêm ngày nghỉ để vun vén hạnh phúc gia đình.

Chẳng dám về nhà 

Tại Trung Quốc, nhiều phụ nữ độc thân trên 25 tuổi cảm thấy sợ phải về nhà và đối mặt với vô số áp lực cũng như mong muốn mai mối từ cha mẹ. Theo một khảo sát của trang Zhenai.com, khoảng 85% người độc thân trên 30 tuổi cho biết cha mẹ họ thúc giục phải sớm thành hôn.

Shen - cô gái 27 tuổi tại Ninh Ba đã lựa chọn con đường khá vất vả để lẩn trốn chuyện này. Cô dành nguyên một tháng trời để chỉnh sửa 10 bức ảnh ghép cô và một diễn viên nổi tiếng. Khi gửi về cho bố mẹ, họ đều rất hài lòng. Nhưng mọi chuyện thay đổi khi cô phát hiện ra bài đăng của bố mình trên mạng xã hội. 

"Đêm qua tôi mơ thấy con gái mình kết hôn. Tôi đã khóc rất nhiều, và tỉnh dậy nhiều lần trong đêm." - cha của Shen thổ lộ với bạn bè trên mạng xã hội. "Tôi bắt đầu tập phát biểu cho ngày trọng đại của con gái rồi."

 Sợ đến nỗi chẳng dám về nhà: Nỗi lo của phụ nữ ế tại Trung Quốc mỗi dịp Tết đến xuân về - Ảnh 4.

Trông thấy những lời đó, Shen ngập tràn hối hận và quyết định thú nhận mọi chuyện qua một bài đăng khác. Lời thú nhận của Shen đã đánh động hàng triệu người độc thân khác đang có hoàn cảnh tương tự.

Một trường hợp khác là tiến sĩ họ Dong, 37 tuổi, cũng muốn tránh mặt cha mẹ vì sợ bị thúc giục. Xong thậm chí không chỉ là một "phụ nữ thừa", cô còn rơi vào nhóm "3 cao" - học vấn cao, thu nhập cao, và tuổi tác cao - những yếu tố được cho là khiến phụ nữ khó kết hôn hơn.

Quá mệt mỏi vì những lời châm biếm từ họ hàng người thân, cô quyết định bỏ trốn công việc, xin sếp cho phép được làm xuyên Tết. Nhưng sếp của cô từ chối. Ông ngang tuổi với cha mẹ cô và cảm thấy hoàn toàn đồng cảm với họ, thay vì nhân viên của mình.

"Trốn chạy chẳng thể thay đổi được thực tại. Chỉ có thể giải quyết vấn đề bằng cách đối mặt với nó." - Dong trích lời sếp mình. "Dịp nghỉ lễ là cơ hội tốt để gặp gỡ và gia tăng mối quan hệ. Cô cần phải thử gặp gỡ nhiều người, mở lòng và có lẽ sẽ tìm thấy người phù hợp."

Nguồn: Washington Post

JD

Cùng chuyên mục
XEM