Số ca nhiễm COVID-19 tại TQ giảm kỉ lục: Những bài học đắt giá cả thế giới có thể học hỏi

05/03/2020 10:00 AM | Xã hội

Theo chuyên gia WHO, nhờ áp dụng nhiều chính sách hợp lí với tốc độ nhanh chóng, Trung Quốc đã kiểm soát được mức độ lây lan của virus corona chủng mới trong những tuần gần đây.

 

Những bài học đắt giá

Có một quốc gia trên thế giới hiểu rõ và có nhiều kinh nghiệm nhất trong việc đối phó với COVID-19: đó là Trung Quốc.

Trung Quốc, và cụ thể là tỉnh Hồ Bắc, là nơi dịch COVID-19 bùng phát; là nơi các nhà khoa học lần đầu phát hiện ra trình tự của virus corona chủng mới; là nơi có 83% trong số 89.000 ca nhiễm bệnh được ghi nhận; và là nơi các bác sĩ và nhân viên y tế đã chiến đấu với dịch bệnh trong suốt 2 tháng qua.

Cũng trong khoảng thời gian này, các quốc gia trên thế giới áp dụng những hình thức phòng dịch chưa từng có - bao gồm phong tỏa, cách ly - và đời sống hàng triệu người dân bị đảo lộn.

Trong những tuần gần đây, số lượng nhiễm mới và tử vong tại Trung Quốc đã bắt đầu giảm, cho thấy dịch bệnh dường như đã đạt đỉnh và tốc độ lây nhiễm đang giảm.

Cùng lúc đó, số ca nhiễm mới ở các nước khác lại có xu hướng gia tăng, chủ yếu tại Hàn Quốc, Italy và Iran, chưa kể Mỹ.

Chia sẻ với Vox, ông Bruce Aylward - nhà dịch tễ học kỳ cựu, trợ lý tổng giám đốc WHO - cho biết thế giới có nhiều điều có thể học hỏi từ nỗ lực của Trung Quốc trong việc phản ứng và hạn chế sự lây lan của virus.

Trong cuộc trò chuyện, ông Aylward đã chia sẻ nhiều thông tin và cho rằng tốc độ chính là mấu chốt trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19 tại Trung Quốc.

Tốc độ là điều tối quan trọng

 

Theo chuyên gia này, phản ứng chủ yếu của Trung Quốc tại hơn 30 tỉnh là tìm các ca nhiễm bệnh, theo dõi tiếp xúc, hủy bỏ các sự kiện tập trung đông người. Tuy đây là phương án được áp dụng tại mọi nơi trên thế giới, nhưng Trung Quốc có tốc độ triển khai rất nhanh.

Phát hiện các ca dương tính, cách ly được người bệnh và tìm được những người tiếp xúc gần càng sớm thì cơ hội ngăn chặn dịch bệnh thành công càng cao. Kể cả khi có những "ổ dịch" lớn bùng phát, người dân và chính quyền cũng phải bình tĩnh.

Ông Aylward cho biết tại một số quốc gia, cơ quan y tế rất bối rối và không biết phải xử lí tình huống như thế nào. Trong khi đó, y bác sĩ tại Trung Quốc lại cho thấy rằng nếu bình tĩnh, bắt tay vào việc và khởi động hệ thống theo dõi các ca dương tính, tìm nguồn tiếp xúc gần, thì chắc chắn có thể thay đổi toàn bộ đại cục, hạn chế được các ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19.

Khi trở về từ Trung Quốc, ông Aylward nhận được nhiều câu hỏi rằng làm thế nào để áp dụng phương pháp tương tự mà quốc gia đông dân nhất thế giới đã làm. "Chúng ta không thể phong tỏa 1 thành phố 15 triệu dân như Trung Quốc được," một số người hỏi.

Ông Aylward cho biết ông đã đáp lại rằng: "Tại sao các bạn lại phải làm như vậy? Người dân của các bạn đã biết điều x, y, z [những thông tin cơ bản] về virus corona hay chưa?".

Điều đó có nghĩa là, nếu muốn có tốc độ phản ứng nhanh, thì người dân phải hiểu rõ về dịch bệnh. Chính cộng đồng người dân là hệ thống theo dõi dịch bệnh. Mọi người đều có điện thoại thông minh, mọi người đều có thể mua được nhiệt kế.

 Số ca nhiễm COVID-19 tại TQ giảm kỉ lục: Những bài học đắt giá cả thế giới có thể học hỏi  - Ảnh 2.

Người dân được kiểm tra thân nhiệt tại lối vào siêu thị ở Bắc Kinh ngày 28/2. Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images

Các quốc gia cần hành động dựa trên những tín hiệu từ "hệ thống theo dõi trong cộng đồng". Cơ quan y tế cần phải sẵn sàng đánh giá liệu người bệnh có triệu chứng bệnh hay không, phải xét nghiệm họ và nếu cần thiết, ngay lập tức cách ly và ghi lại các trường hợp tiếp xúc gần.

Tại Trung Quốc, họ đã thiết lập mạng lưới khổng lồ các bệnh viện để kiểm tra. Tại một số vùng, một đội ngũ y tế có thể đến tận nhà để lấy mẫu dịch và trả lời người bệnh trong vòng 4 tới 7 giờ sau. Nhưng chuẩn bị là điều quan trọng và tốc độ là yếu tố sống còn.

Vậy nên, theo ông Aylward, mọi người cần phải hiểu về virus. Hệ thống y tế phải được thiết lập để nhanh chóng hỗ trợ được người dân. Tiếp theo, cơ sở hạ tầng y tế phải đáp ứng đủ nhu cầu điều tra dịch bệnh, phát hiện các nguồn tiếp xúc gần và đảm bảo rằng mọi người đều được theo dõi y tế. Đó là 90% những gì mà Trung Quốc đã làm.

Chiến lược và chính sách

Ông Aylward bổ sung thêm rằng ngoài tốc độ, Trung Quốc còn có chiến lược hợp lí. Khi phát hiện các ổ dịch, Trung Quốc nhanh chóng thực hiện cách ly và phong tỏa. Cách ly càng sớm, càng có cơ hội cắt đứt chuỗi lây nhiễm bệnh. Phải đảm bảo rằng các nguồn tiếp xúc gần được theo dõi cho tới khi chắc chắn rằng họ không nhiễm bệnh. Khoảng 5-15% số tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính cũng bị lây virus.

Ngoài ra, Trung Quốc còn có chính sách chống dịch triệt để khi thông báo sẽ xét nghiệm và chữa trị bệnh COVID-19 miễn phí. Hiện tại, có rất nhiều rào cản trong việc xét nghiệm và chữa trị tại phương Tây.

Người bệnh có thể xét nghiệm, nhưng sau đó họ có thể âm tính và phải thanh toán viện phí. Tại Trung Quốc, các quan chức đã dỡ bỏ các rào cản này và thanh toán những khoản viện phí mà bảo hiểm không chi trả. Trung Quốc đã cố gắng hạn chế mọi trở ngại trong quá trình chữa trị.

Ông Aylward chỉ ra một điểm hay khác: thông thường một đơn thuốc không có hiệu lực quá 1 tháng nhưng hiện tại cơ quan y tế đã tăng thời hạn lên 3 tháng để người dân không phải ra ngoài và tới các bệnh viện.

Tiếp theo, đơn thuốc có thể kê qua mạng và thông qua ứng dụng WeChat [thay vì đến gặp trực tiếp bác sĩ]. Trung Quốc cũng thiết lập một hệ thống vận chuyển linh hoạt để đưa thuốc tới mọi khu vực hiệu quả.

 Số ca nhiễm COVID-19 tại TQ giảm kỉ lục: Những bài học đắt giá cả thế giới có thể học hỏi  - Ảnh 3.

Bệnh nhân 98 tuổi được xuất viện ở bệnh viện Lôi Thần Sơn. Ảnh: Stringer/Getty Images

Trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có đang giấu số liệu về bệnh dịch hay không, ông Aylward khẳng định là không.

"Chúng tôi đã quan sát nhiều khía cạnh để đưa ra kết luận này giữa lúc số liệu nhiễm mới và tử vong đang giảm. Khi tôi tới một bệnh viện và nói chuyện với các nhân viên y tế, họ nói: 'Chúng tôi từng phải tiếp nhận những hàng dài bệnh nhân xếp chờ tới tận cửa, nhưng bây giờ chỉ phải tiếp 1 bệnh nhân nghi nhiễm trong 1 giờ," chuyên gia WHO kể lại.

Theo số liệu Trung Quốc cung cấp, đã có nhiều tín hiệu lạc quan từ các cơ sở y tế. Trước đây, có tới 46.000 người tới khám tại các bệnh viện trong 1 ngày, con số này hiện tại chỉ là 1.000.

"Khi nói chuyện với các bác sĩ tại bệnh viện, tôi nghe được rằng họ có rất nhiều giường trống và có thể đưa người bệnh vào cách ly nhanh hơn cả trước lúc bùng phát dịch. Tôi đã nghe được thông tin này tại Vũ Hán và các tỉnh khác. Khi tôi nói chuyện với những người thực hiện thí nghiệm thuốc, họ nói rằng họ gặp vấn đề trong việc tìm các bệnh nhân nhiễm COVID-19. Tất cả những điều đó củng cố cho số liệu lạc quan tại Trung Quốc," ông Aylward nói.

Nói về các khó khăn mà Trung Quốc gặp phải, ông Aylward cho biết vấn đề lớn nhất là phải có đủ giường bệnh. Khi đại dịch xảy ra, các y bác sĩ phong tỏa một số khu bệnh viện để có thể chữa trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Không chỉ có vậy, các bệnh viện Trung Quốc còn mua thêm rất nhiều máy thở, tăng cường trang bị hệ thống cung cấp khí oxy, máy quét CT và trang bị phòng thí nghiệm.

Việc mua sắm gặp vấn đề trong nhiều giai đoạn và người Trung Quốc ghi nhận lại toàn bộ quá trình để có thể cải tiến quy trình trong tương lai.

Đề cập tới việc tại sao có ít trẻ em bị nhiễm bệnh COVID-19, ông Aylward nhận định đây là "câu hỏi trị giá triệu USD". Theo ông, có 3 khả năng: trẻ em không dễ bị nhiễm bệnh vì một lí do bí ẩn nào đó; trẻ em nhiễm bệnh nhưng không thể hiện triệu chứng nặng; trẻ em nhiễm bệnh và thể hiện triệu chứng như mọi người khác nhưng ít người nhận ra bởi trường học đã đóng cửa. Tuy nhiên, ông Aylward nói trường hợp đầu tiên và thứ ba khó có thể xảy ra, vậy nên khả năng thứ hai là phù hợp nhất.


 Số ca nhiễm COVID-19 tại TQ giảm kỉ lục: Những bài học đắt giá cả thế giới có thể học hỏi  - Ảnh 4.

Theo Tất Đạt

Cùng chuyên mục
XEM